GIỚI THIỆU: “Chiến công đầu tiên của bé Mi” - Câu chuyện về tự lập hay bài học về cách dùng tiền

Ở Việt Nam, như một thói quen trong tư duy pha trộn chút ít định kiến, phụ huynh thường e ngại khi cho trẻ nhỏ tiếp xúc với tiền.

Bố mẹ tôi cũng không là ngoại lệ. Hồi nhỏ trừ tiền mừng tuổi, tiền nuôi gà “vốn riêng” (tức là bắt một con gà của mẹ rồi nuôi bằng thóc của nhà và châu chấu, giun bản thân bắt được sau đó nhờ mẹ bán và mẹ cho vài nghìn) thì tôi hầu như không được đụng chạm đến tiền.

Bố mẹ cũng hầu như không bao giờ nhờ đi mua sắm thứ nọ thứ kia dù tôi thường xuyên được đi chợ với mẹ.

Dùng tiền sinh hư-có lẽ là ý nghĩ chung của người lớn Việt Nam.

Nhưng ở Nhật thì khác. Có hai thứ người Nhật rất nhạy cảm: Thứ nhất là thời gian. Thứ hai là … tiền.

Đố các bạn tìm thấy ở đâu có nhiều đồng hồ như ở Nhật. Cũng đố các bạn tìm thấy ngôn ngữ nào mà cấu trúc ngữ pháp và các cấu trúc câu liên quan đến thời gian lại nhiều như tiếng Nhật.

Và chắc cũng chỉ có dân tộc Do-thái mới sánh được người Nhật về cảm quan tiền bạc. Lấy của người Nhật một tỉ yên mà hợp lý thì họ vẫn vui vẻ nhưng chỉ cần trả lại tiền thừa cho họ thiếu 1 yên khi bán hàng, họ cũng sẽ đấu lý và đòi đến cùng.

Bởi thế dạy cho trẻ em biết tuân thủ thời gian (giờ nào việc ấy, đúng hẹn đúng giờ) và biết quý trọng đồng tiền, biết dùng tiền là một trong những nội dung trọng tâm của giáo dục Nhật cho dù là giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường.

Để dạy trẻ biết quý tiền và dùng tiền, các gia đình thường trao cho trẻ quyền có thu nhập và quản lý thu nhập đó. Trẻ có thể kiếm tiền bằng cách làm việc nhà, nhận tiền mừng tuổi, bán các đồ chơi cũ hoặc nhận tiền tiêu vặt theo hạn định từ bố mẹ.

Người Nhật cũng dạy cho trẻ biết dùng tiền khi cho trẻ tự mình đi mua sắm.

“Chiến công đầu tiên của bé Mi” là cuốn sách viết về chuyến đi mua hàng đầu tiên trong đời của bé Mi.

Bé Mi đã dũng cảm một mình cầm 2 đồng xu mỗi đồng 100 yên ra phố mua sữa cho mẹ. Khi đó bé Mi 5 tuổi. Bé Mi đã vừa hồi hộp, lo lắng vừa vượt qua biết bao trở ngại để đến được của hàng tạp hóa. Thân hình bé nhỏ, tiếng gọi lại yếu nên mãi rồi bà bán hàng mới nhận ra bé Mi. Lúc bà nhận ra thì bé Mi òa khóc. Bé Mi lật đật chạy về quên cả lấy 20 yên tiền trả lại . Nhưng thật may là bà bán hàng đã gọi lại. Bé Mi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chạy về chân dốc, nơi mẹ đang bế em và đứng đợi.

Câu chuyện chỉ giản dị có thế thôi và không có bài học nào được viết ra cả.

Nhưng có lẽ cả trẻ em và người lớn đều cảm được thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải.

Dám một mình hành động và vượt qua trở ngại là những dấu hiệu cơ bản của tự lập.

Ở Nhật hiện nay vẫn có rất nhiều chương trình truyền hình trực tiếp ở đó người ta sắp đặt, bố trí các camera bí mật để dõi theo những em bé được bố mẹ cho ra phố mua hàng, đi học một mình hay ở nhà trông em… Những chương trình này có lượng khán giả theo dõi rất đông đảo.

Tư duy về giáo dục tự lập và giáo dục giá trị đồng tiền, cách dùng tiền được xác lập ở Nhật khá sớm.

Ngày từ năm 1947, trong tài liệu hướng dẫn giáo viên dành cho môn Xã hội và cũng là chương trình giáo dục đầu tiên sau 1945, Bộ giáo dục Nhật Bản đã xác lập các chủ đề dạy cho học sinh tiểu học từ lớp 1 về tiền tệ, thương mại thông qua các trải nghiệm hàng ngày của trẻ em.

“Chiến công đầu tiên của bé Mi” ở Nhật được xếp vào nhóm các ehon “triệu bản”.

Ở Việt Nam, “Chiến công đầu tiên của bé Mi” do Nguyễn Thảo dịch, Tủ sách Người Mẹ tốt xuất bản năm 2017.

Sách dành cho trẻ em từ 3 đến 8 tuổi.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ