Truyền thông

Mãi cho đến gần đây, nói đến truyền thông là chúng ta liên tưởng ngay đến những người chuyên nghiệp. Một giờ phát thanh của các đài quốc tế nổi tiếng như VOA, BBC, RFI chẳng hạn, hết sức súc tích, là công sức chắt lọc của hàng chục có khi hàng trăm giờ làm việc cẩn thận của “những người trong nghề”.

Thông tín viên, phóng viên, biên tập viên... thường là những người được đào tạo trường lớp cẩn thận và đã từng trải nhiều kinh nghiệm, thành công lẫn thất bại. Hơn nữa, những người chuyên nghiệp này lại thường trang bị những... đồ nghề chuyên nghiệp, nên “sản phẩm” họ làm ra, người không trong nghề khó bì kịp.

Như tất cả mọi ngành nghề, sự chuyên nghiệp là rất cần thiết. Bởi vì họ chuyên nghiệp nên họ đáng tin. Họ phải gầy dựng và giữ gìn uy tín của họ cho xứng với lòng tin của công chúng.

Tuy nhiên, truyền thông chuyên nghiệp có mặt trái của nó, nếu nó bị mua chuộc, nếu nó đầu hàng bạo chúa độc tài, nếu nó không trung thành với tôn chỉ khách quan và trung thực.

Ngày nay nhờ mạng xã hội rộng khắp mà chúng ta có thêm cái tạm gọi là “truyền thông xã hội”. Ai cũng có thể làm phóng viên, làm nhà bình luận, làm biên tập viên... Ai cũng có thể đăng “bài báo” hay “tấm ảnh thời sự” hoặc ngay cả “trực tiếp truyền thanh truyền hình” trên Facebook.

“Truyền thông xã hội” có ưu điểm của nó, nhưng cái ưu đó lại cũng chính là cái khuyết. Nó chớp nhoáng, nó hồn nhiên, nó bộc trực, nó nóng hổi... nhưng cũng vì thế mà có khi nó nông nổi thiếu chứng cứ, nó dông dài thiếu mạch lạc, nó tùy tiện thiếu mục tiêu, nó tán loạn thiếu tập trung, khiến nó không dễ giúp công chúng tìm ra cái mấu chốt hay cái thực chất.

Tôi chợt phải nghĩ đến điều trên nhân hôm nay xem nhiều lời bình chung quanh tấm ảnh chụp buổi làm việc giữa ông phó chủ tịch tỉnh Lai Châu và giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa. Tấm ảnh đó chụp một khoảnh khắc, và là cái khoảnh khắc rất không đẹp cho cả hai.

Nếu tôi là một biên tập viên chuyên nghiệp cho một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp, chắc hẳn tôi phải dè dặt không đăng bức ảnh đó lên, trừ phi tôi... có ý đồ! Khổ thay, vì là “truyền thông xã hội” mà, nên bức ảnh đó lan nhanh và trở thành đề tài cho những bình luận cũng... rất nhanh, rất bộc phát, cũng có nghĩa là rất... chủ quan.

Chủ quan ở chỗ mỗi “bình luận gia” trên Facebook phán đoán bức ảnh chộp khoảnh khắc đó theo những định kiến có sẵn của mình, chứ chưa chắc theo những tìm hiểu kỹ lưỡng và thu thập thông tin cẩn thận.

Một khoảnh khắc có thể cung cấp cho chúng ta một gợi ý, ngay cả một trực giác. Nhưng vội tin vào một khoảnh khắc mà tuyên bố rằng đó là tất cả sự thật thì... Dường như “truyền thông xã hội” tiếng Việt mình ưa mắc phải cái lỗi chủ quan và vội vàng đó.

“Truyền thông xã hội” là một bổ túc rất tốt cho “truyền thông chuyên nghiệp”. Hai cái này mà “dung hợp”“cộng tác” với nhau thì quá tuyệt. Nhưng với bối cảnh ở Việt Nam, vì “truyền thông chuyên nghiệp” nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của đảng cầm quyền, nên “truyền thông xã hội”, như một phản ứng đối phó tự nhiên, bỗng dễ trở thành... lên gân quá đáng, trở thành quá khích.

“Truyền thông xã hội” giúp cho xã hội thêm dân chủ. Nhưng dân chủ có nghĩa là... mọi người ai cũng là chủ hết ráo trọi. Ai cũng có quyền phát biểu và ai cũng phải tôn trọng quyền phát biểu của người khác dù là trái ngược với ý mình.

- Tôn trọng hết mọi ý kiến, phản biện nếu cần hoặc ngay cả im lặng nếu cần. Cái quan trọng, có lẽ là chính bản thân mỗi chúng ta cần giữ cho mình sự “tĩnh lặng” cần thiết để lắng nghe, xem xét, tìm hiểu thật nhiều. Cố nhìn một sự việc bằng nhiều góc cạnh khác nhau.

- Và có lẽ cũng cần phải có sự “tĩnh lặng nội tâm” cách nào đó khi phát biểu: cố suy nghĩ thật thấu đáo, phát ngôn thật dè dặt trông trước ngó sau, kể cả khiêm tốn nữa.

- Và điều cuối: đừng có mới nới cũ, đừng vì “truyền thông xã hội” đang thành thời thượng mà quên đi vai trò quan trọng không thể thiếu của giới thuyền thông chuyên nghiệp.

Chúng ta đang sống trong thời đại “lũ truyền thông” rồi, đành phải cố tự rèn luyện mình mà sống chung với lũ thôi.

Hồng Hà

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ