Có cần phải ép con cái hay học sinh học không?


Trong giáo dục và quản trị con người có một nguyên lý vàng là người dẫn đường hay người quản lý cần phải biết gia tăng áp lực VỪA ĐỦ và thích hợp với đối tượng mình cần dẫn dắt hay quản lý.

Nếu áp lực quá yếu anh ta sẽ dễ lơ là, quên đi trách nhiệm nhưng nếu quá mạnh sẽ là sự can thiệp vào nhân cách, sư tôn nghiêm của cá nhân và mất đi động lực bên trong.

Trong học tập, người ta vốn chỉ chú ý đến động cơ ngoài-với hi vọng thưởng, phạt bằng lời khen, giấy khen, tiền...sẽ làm cho học sinh học tốt. Nhiều người tin rằng kỉ luật sắt sẽ làm cho học sinh học tập trung và hiệu quả.

Thật ra mội thứ nói trên chỉ có tác dụng khi nó không mâu thuẫn với động lực nội sinh (động lực trong) của học sinh. Đó là sự say mê học tâp, là năng lực tập trung là khát khao chiếm lĩnh điều chưa biết, là khát vọng thể hiện bản thân và mài sắc bản thân mình.

Nếu như nó mâu thuẫn nhau kỉ luật sẽ phản tác dụng.

Bộ não của cơ thể người rất thông minh. Khi nó gặp tác nhân có hại nó sẽ sinh ra cơ chế phòng vệ. Đó là lý do giải thích tại sao khi bị ép buộc vô lý hay khi thấy học không hứng thú con người ta lại cảm thấy mỏi mệt, buồn ngủ...Đấy là tín hiệu não và hệ thần kinh phát ra để yêu cầu được...nghỉ.

Việc học liên tục trên 8 tiếng trên ngày đối với thanh niên đang độ lớn là phi khoa học và phản nhân văn.

Nếu có động lực từ phía trong người ta có thể học bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào không cần ngồi vào bàn ghế hay cầm sách. Họ có thể suy nghĩ về nó và đào sâu suy tưởng ngay cả khi đang làm các việc khác.

Để có động lực trong thì người học phải có mối quan tâm, hứng thú và sự say mê. Đây là thiên tính của đứa trẻ khi mới chào đời. Sau này do sự tác động vô lý của môi trường, cha mẹ, giáo dục nhà trường mà nó dần bị triệt tiêu.

Động lực trong thường này sinh trong môi trường gắn liền với tự do, dân chủ và ý thức sâu sắc về bản ngã của mình.

Điều đó cần đến sự hiểu biết và dũng cảm trước hết của bố mẹ và không phải chỉ ngày một ngày hai mà có được.

Muốn có một con người tốt không đơn giản là nuôi cho lớn, làm cho thi đỗ là xong.

Nhiều nhà giáo trong 30 năm đi dạy đã tạo ra vô số các học sinh giỏi và có bằng cấp. Nhưng nếu như các học trò đó chỉ học để lấy bằng, đi làm để kiếm tiền, thậm chí là học để ngồi vào đâu đó rồi mong chờ gặt hái bổng lộc thì sự nghiệp của nhà giáo này là thất bại. Tội nhiều hơn công.

Muốn con có khả năng tập trung và ý thức về trách nhiệm của bản thân trong học tập thì từ nhỏ phải tạo điều kiện tối đa cho con tập trung, say mê và biểu đạt bản thân trong môi trường dân chủ, tự do. Đừng bảo hộ quá mức khi con nhỏ hoặc nhăm nhăm kiếm tiền để chờ con lớn lên cho con vào học trường đỉnh, trường kỉ luật thép vì như thế là làm ngược quy trình. Những cá nhân ý thức sâu sắc về tự do thường là những người biết khắc kỉ -chế ngự bản thân và tôn trọng luật chơi chung.

Không tin, hãy quan sát xung quanh sẽ thấy.

NCS. Nguyễn Quốc Vương

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ