Đánh con để dạy con: Đông Tây đều đồng tình?

Trẻ em đòi hỏi quyền không bị ăn tát”.

Trong câu chuyện đang gây tranh cãi về những cáo buộc BTV Minh Tiệp của Đài VTV đã bạo hành em vợ của mình, một học sinh 15 tuổi, thì cha ruột của em vừa chia sẻ với báo chí ngày 28/5/2018 rằng Minh Tiệp không bạo hành mà chỉ bạt tai em trong lúc nóng giận.

Chia sẻ này lại đặt ra một cuộc tranh luận mới về thế nào là bạo hành và liệu việc sử dụng đòn, roi như là một phương pháp giáo dục trẻ em vị thành niên có phải là hành vi bạo hành không?

Trên thế giới hiện nay, việc dùng đòn roi để giáo dục nhi đồng được pháp luật các nơi nhìn nhận như thế nào?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Trước hết, việc dùng đòn roi để giáo dục và kỷ luật nhi đồng đều được xếp vào các phương pháp giáo dục bằng trừng phạt thể lý (physical punishment) hay trừng phạt thân thể (corporal punishment).

Các biện pháp giáo dục này được pháp luật ở hầu hết các nước phân biệt rõ ràng và có định nghĩa hoàn toàn khác với những hành vi bạo hành (physical abuse).

Tại khá nhiều nước, phụ huynh đều có quyền … phát vào mông con mình hay khẽ tay chúng khi sai quấy, hoặc là không vâng lời. Và đó là giáo dục bằng trừng phạt thân thể/trừng phạt thể lý.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, đã có những quốc gia ra luật cấm tuyệt đối việc sử dụng trừng phạt thân thể. Đại đa số là các nước châu Âu, cùng gần như toàn bộ vùng Trung và Nam Mỹ.

Theo tổ chức Sáng kiến toàn cầu để chấm dứt mọi trừng phạt thân thể đối với trẻ em (The Global Initiative to End All Corporal Punishment of Children), thì toàn thế giới có 53 quốc gia là cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt thân thể (corporal punishment) hay trừng phạt thể lý (physical discipline) trong việc giáo dục thiếu nhi.

Ngoài ra, hiện đang có khoảng 56 chính phủ các nước khác đã cam kết sẽ xem xét để cấm hoàn toàn.

Bản đồ thế giới về tình trạng sử dụng trừng phạt thân thể của tổ chức The Global Initiative to End All Corporal Punishment of Children.

Thế nhưng ngay tại châu Âu, thì các nước như Anh, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, và Slovakia vẫn không có luật cấm phụ huynh sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể.

Toàn bộ châu Á cũng chỉ có hai quốc gia cấm tuyệt đối là Mông Cổ và Turkmenistan (một nước thuộc Liên Xô cũ nằm ở vùng Trung Á).

Ngay cả Hoa Kỳ cũng không có một đạo luật liên bang hay của bất kỳ tiểu bang nào cấm tuyệt đối việc trừng phạt thân thể trẻ em.

Tuy nhiên, từng bang một ở Mỹ thì lại có hệ thống pháp lý bảo vệ trẻ em riêng biệt và các điều luật có liên quan đến trừng phạt thân thể hay thể lý ở mỗi nơi cũng rất khác nhau. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về chuyện “đánh con ở Mỹ” trong một bài viết khác.

Ở Anh Quốc, luật không hề cấm toàn bộ việc trừng phạt thể lý hay trừng phạt thân thể. Và cho đến tận thời gian gần đây, một số phụ huynh Anh vẫn dùng phương pháp này để dạy con.

Một khảo sát năm 2011 của tổ chức chuyên nghiên cứu về bạo hành trẻ em ở Anh – NSPCC – cho biết, đã có đến gần phân nửa số phụ huynh ở Anh Quốc thừa nhận họ từng “bợp tai” con mình khi chúng trong độ tuổi từ 11 – 17.

Bài xã luận của tác giả Susanna Rustin đăng trên tờ Guardian ngày 9/1/2018 còn cho rằng tại châu Âu, không chỉ riêng phụ huynh Anh mới “đánh con để dạy con”.

Một số thông kế hiếm hoi về tình trạng gia đình ở châu Âu cho biết, 70% phụ huynh Pháp thừa nhận, họ đã từng tát con mình trong khi chỉ có 8% cho biết họ không hề dùng chút vũ lực gì để giáo dục con cái.

Tuy rằng một phán quyết của Tối cao Pháp viện Ý năm 1996 đã cấm sử dụng bạo lực trong việc nuôi dạy trẻ, nhưng trong vòng hai thập kỷ qua Quốc hội Ý vẫn chưa đưa điều này vào luật.

Trong bức tranh toàn cầu về trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, nếu chỉ nói về mặt văn bản pháp luật thì nhìn chung, Bộ luật Trẻ em 2016 của Việt Nam cũng không quá khác biệt so với những nước nói trên.

Điều 27 của bộ luật này đảm bảo: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Tuy vậy, pháp luật Việt Nam cũng không có một điều khoản nào ngăn cấm phụ huynh tuyệt đối không được dùng trừng phạt thân thể hay trừng phạt thể lý.

Đến đây, chắc sẽ có người thắc mắc, nếu căn cứ theo pháp luật thì luật ở ta hay luật ở Tây đều bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành nhưng vẫn để ngõ khả năng cho phụ huynh giáo dục con cái bằng cây roi mây hay vài cái bợp tai đây đó.

Thế nhưng tại sao đa số chúng ta lại có cảm giác là trẻ em được pháp luật bảo vệ một cách chặt chẽ hơn ở các nước Âu Mỹ, cũng như phụ huynh tại các nước khác hình như là bị chính phủ giám sát khắt khe hơn trong việc sử dụng đòn roi?

Câu trả lời có thể không hoàn toàn nằm trong các văn bản pháp luật mà đó còn là vấn đề văn hóa pháp lý nói riêng và văn hóa xã hội nói chung ở mỗi nơi.

Ở châu Âu, tuy vẫn còn một số nước chưa hoàn toàn cấm việc trừng phạt thể lý hay thân thể, nhưng xu hướng chung trong những năm gần đây của Liên minh châu Âu (European Union – EU) là kêu gọi tất cả các thành viên ban hành luật cấm tuyệt đối.

Ủy hội châu Âu (Council of Europe) – là một tổ chức nhân quyền quốc tế hàng đầu với 47 nước thành viên, trong đó có 28 nước thuộc khối EU – tuyên bố:

Trừng phạt thân thể là hình thức bạo lực được tiến hành một cách tràn lan nhất đối với trẻ em. Đó là bất kỳ phương pháp trừng phạt nào sử dụng vũ lực thể lý (physical force) với ý đồ khiến cho đối phương bị đau đớn hay không thoải mái ở một mức độ nhất định. Đó cũng là hành vi vi phạm đến quyền được tôn trọng nhân cách và sự toàn vẹn về thân thể của trẻ em.

Thế nên, tại những nước thuộc EU mà chưa có luật cấm hoàn toàn và tuyệt đối việc dùng đòn roi để giáo dục trẻ em, thì những hành vi sử dụng “bạo lực” đối với trẻ đều có thể bị xử lý hình sự, ví dụ như ở Thụy Sĩ.

Tòa án Thụy Sĩ đã có một án lệ cấm sử dụng trừng phạt thân thể trẻ em một cách thường xuyên và liên tục.

Theo đó, tuy phụ huynh ở Thụy Sĩ có “quyền được sửa lỗi con cái” (right to correction) và quyền này có thể bao gồm việc sử dụng phương pháp trừng phạt bằng đòn roi, nhưng nó không đồng nghĩa là họ sẽ không bị xử lý hình sự nếu đánh con.

Đó là bởi vì luật Hình sự nước này “không chỉ nghiêm cấm những hành vi gây ra thương tích về thể xác và sức khỏe, mà còn là tất cả các hành vi vượt quá mức khoan dung của xã hội”.

Do đó, “tát, đấm, đá, xô đẩy thô bạo, hay chọi đồ vật vào người khác đều là hành vi tấn công”, và nếu làm ra đối với trẻ em – kể cả con mình – thì đều có thể bị xử lý hình sự.

Hay như ở Pháp, phụ huynh vốn cũng có “quyền sửa lỗi con cái”, cũng như có thể dùng đòn roi để dạy con và điều này được ghi nhận bởi một phán quyết từ thế kỷ 19 hiện vẫn còn hiệu lực.

Tuy nhiên, sau đợt Kiểm điểm phổ quát định kỳ (Universal Periodic Review – UPR) của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013, Pháp đã đồng ý kiến nghị sửa đổi luật để cấm triệt để phụ huynh trừng phạt thân thể con cái. Mặc dù Quốc hội Pháp vẫn chưa thông qua dự thảo luật này, nhưng Bộ trưởng Bộ Gia đình đương nhiệm Laurence Rossignol đã cam kết sẽ tiếp tục cổ xuý cho nó.

Trở lại Vương quốc Anh, Scotland tuyên bố sẽ ra luật cấm phụ huynh dùng trừng phạt thể lý và thân thể để dạy con vào tháng 9/2017. Ngay lập tức, một làn sóng yêu cầu luật này được mở rộng ra cho toàn bộ lãnh thổ Anh Quốc.

Đầu năm nay, vào tháng 1/2018, xứ Wales nối gót Scotland và đề nghị bãi bỏ việc cho phép phụ huynh sử dụng quyền được dạy con bằng trừng phạt thân thể để bào chữa cho tội tấn công hình sự.

Điều này có nghĩa là tại xứ Wales và Scotland, phương pháp giáo dục bằng trừng phạt thân thể có lẽ sẽ sớm bị cấm hoàn toàn. Nhiều người dân Anh Quốc cũng yêu cầu toàn vương quốc nên đi đến thống nhất chung và cấm tuyệt đối các phương pháp giáo dục bằng trừng phạt thân thể.

Cho nên có thể thấy rằng tại châu Âu hiện nay, phương pháp giáo dục bằng trừng phạt thân thể đang dần dần bị luật pháp các nước định nghĩa là hành vi hành hung người khác trong tội hình sự (criminal assault).

Ủy hội châu Âu cho rằng trừng phạt thân thể dạy cho trẻ em một phương pháp giải quyết vấn đề hết sức sai lệch, đó là dựa vào vũ lực. Điều này có thể tạo ra những tổn thương nghiêm trọng về mặt thể lý lẫn tâm lý cho trẻ về sau.

Ngoài ra, Ủy hội còn nhấn mạnh, một trong những quyền con người căn bản nhất đó là quyền được sống mà không bị đe dọa về vũ lực (threat of violence). Điều 19 của Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention on the Rights of the Child (UNCRC)) đã đảm bảo quyền này cho mọi trẻ em.

Lập luận cuối cùng và cũng có lẽ là mạnh mẽ nhất của Ủy hội châu Âu để thúc đẩy các nước thành viên cấm tuyệt đối những phương pháp trừng phạt thân thể trẻ em đó là:

Nếu chúng ta dùng những cách dạy con bằng trừng phạt thân thể (như tát, cấu, nhéo, hay đánh đòn, v.v) để đối phó với một người trưởng thành, thì rất có thể sẽ bị khép vào tội hành hung trong luật Hình sự.

Nhưng tại sao chúng ta lại có thể chấp nhận cách thức hành xử đó với trẻ em, thậm chí là với chính con cái của mình, vốn là những người mà về mặt thể lực căn bản là yếu đuối hơn ta và cũng rất cần ta bảo vệ chúng?

Quỳnh Vi (Luật Khoa Tạp Chí)

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ