Đừng coi thường nỗi đau của con!

Mỗi lần tâm sự về việc dạy con, và khi mình nói mình tuyệt đối không chấp nhận bạo lực trong gia đình thì bị nhiều người ghét lắm. Vì họ nghĩ dạy con phải có đòn roi mới nên người, vì họ nghĩ đánh tí vào tay, hay tét tí vào mông không phải là bạo lực, và họ không muốn chấp nhận mình sai.

Có người bảo không dùng roi thì con không sợ đâu. Mình chỉ hỏi lại một câu? Vì sao bạn lại muốn đứa con mình rứt ruột đẻ ra sợ hãi chính mình?
Đừng coi thường nỗi đau của con!
Mỗi lần tâm sự về việc dạy con, và khi mình nói mình tuyệt đối không chấp nhận bạo lực trong gia đình thì bị nhiều người ghét lắm. Vì họ nghĩ dạy con phải có đòn roi mới nên người, vì họ nghĩ đánh tí vào tay, hay tét tí vào mông không phải là bạo lực, và họ không muốn chấp nhận mình sai.

Có người bảo không dùng roi thì con không sợ đâu. Mình chỉ hỏi lại một câu? Vì sao bạn lại muốn đứa con mình rứt ruột đẻ ra sợ hãi chính mình?

Có mẹ hỏi mình rằng, em nghe chị chia sẻ em cũng hạn chế không đánh con nữa. Nhưng nhiều khi bực lắm, phải lấy roi ra doạ thì con mới chịu nghe lời chị ơi. Em chỉ doạ thôi chứ không có đánh.

Mình muốn kể câu chuyện này của chính mình, khi còn bé xíu, về chuyện bị doạ. Thật sự, những cảm xúc khổ sở lúc đó vẫn theo mình tới tận bây giờ.

Hồi ấy, không nhớ mình mấy tuổi nữa, chắc cũng học lớp 1, lớp 2. Nghỉ hè, ông nội nuôi vào chơi (ông nhận ba làm con nuôi thời ba đi bộ đội), nên ông kiêm luôn nhiệm vụ trông chừng mình ở nhà.

Tối hôm trước cả nhà ngồi quây quần, mẹ cho tờ 500đ, bảo để dành mua vở đi học nhé. Trẻ con lâu lâu được cho tiền khoái lắm, cả đêm nằm thao thức nghĩ về việc mình sẽ làm gì với số tài sản kếch xù kia.

Hồi đó tiền giá trị, nên 500đ mua được rất nhiều thứ. Cuối cùng sau một đêm dài suy nghĩ, mình quyết định chiều mai khi ông bán kem đi qua, mình sẽ mua hẳn một cây kem ốc quế.

Và chiều hôm ấy, nghe tiếng chuông cà rem là mình bay ra làm theo kế hoạch. Hí hửng vì được cầm cây ốc quế sang chảnh trên tay, mình thưởng thức chậm rãi từng tí một vì sợ hết. Đang ăn ngon lành thì ông nội nuôi đi từ dưới nhà lên, ông hỏi, “Ai mua kem cho?” Mình bảo: “Cháu mua". Ông hỏi, “Tiền đâu mua?”, mình bảo, “Tiền hôm qua mẹ cho cháu đó”.

Ông nghe vậy là lập tức thay đổi giọng điệu “Chết, mẹ cho tiền mua đồ dùng học tập mà lại lấy đi mua kem ăn. Tí mẹ về ông mách mẹ, mẹ cho ăn đòn nha!”

Và ngay giây phút đó, với một con bé con, thế giới bỗng nhiên sụp đổ. Cây kem suy nghĩ cả đêm mới dám mua chẳng còn chút ngon lành. Ông nói xong đi xuống bếp nấu cơm, còn mình lủi vào nhà kho.

Mình ngồi ở trong đó, với que kem trên tay và hai hàng nước mắt. Mình hối hận một cách khủng khiếp, mình ngồi ước giá như mình chưa mua cây kem này, giá như mình vẫn giữ tiền mẹ cho.
Rồi mình nghĩ tới lúc mẹ đi làm về, ông sẽ méc với mẹ, và mẹ sẽ đánh đòn. Càng lúc mình càng sợ mà không dám khóc to, vì khóc to sợ ông nghe thấy.

Rồi trong đầu của một đứa trẻ con là mình lúc đó, xuất hiện ý nghĩ “muốn chết”. Mình bắt đầu nghĩ nếu bây giờ mình chết, mình sẽ không phải đối diện với trận đòn sắp tới. Nếu mình chết, ông sẽ thương mình, mẹ sẽ thương mình, sẽ không ai đánh mắng vì chuyện cây kem nữa.

Vậy là, con bé con đi tìm cách chết. Mình đi loanh quanh trong sân vườn nhà, và tìm thấy ít miểng chai. Mình lén giấu một mảnh mang vào nhà kho. Mình xem phim thấy người ta cắt miểng vào cổ tay để tự tử rồi, nên mình biết làm vậy sẽ chết được đấy. Cơ mà cầm miếng miểng chai không dám cắt vào tay vì sợ... đau. Hèn thế không biết nữa. Rồi cứ ngồi chần chừ mãi với ý định tự tử đầu tiên trong đời, mẹ đi làm về lúc nào không hay. Vừa nghe tiếng mẹ là mình oà khóc, mẹ dỗ mãi không chịu nín. Tới lúc hai con mắt sưng như ốc bươu, mới nấc nấc bảo “Con lỡ lấy tiền mẹ cho mua kem ăn rồi…” Mình không nhớ rõ lúc đó mẹ phản ứng thế nào. Chỉ nhớ là mình không bị mắng, cũng chẳng bị ăn roi nào. Ông hình như cũng chẳng méc gì với mẹ. Thật may mà mình chưa tự tử.

Đừng coi thường nỗi đau của con!

Kể lại thì có vẻ giống truyện cười, và chắc nhiều người thấy đó là suy nghĩ đúng trẻ con của một đứa trẻ con. Nhưng mình vừa kể lại vừa khóc đấy, cảm xúc của buổi chiều hôm đó vẫn chưa bao giờ phai cho tới tận bây giờ.

Mình chỉ muốn nói rằng, có thể người lớn xem đó chỉ là chuyện vớ vẩn trẻ con, nhưng đối với đứa trẻ con là mình lúc ấy, đó là cả một buổi chiều tận thế. Nỗi sợ hãi ngày hôm ấy vẫn ám ảnh mình tới hôm nay. Để khi làm mẹ rồi, mình luôn tự dặn lòng phải hiểu, tôn trọng và yêu thương các con thật nhiều.

Đừng dùng bạo lực, đừng đe doạ bạo lực, và đừng bao giờ làm con sợ.

Trẻ con nhạy cảm hơn người lớn tưởng tượng rất nhiều. Doạ cho sợ, đùa ác cho vui miệng là kiểu bạo hành tinh thần vô cùng khủng khiếp mà mình thấy khắp nơi, nên mình giống như bà mẹ dở hơi, bảo vệ con mình đến từng li từng tí một.

Ông nội nuôi của mình đã mất lâu rồi và có lẽ mẹ cũng chẳng còn nhớ nổi chuyện xa xưa đó. Nhưng trong suốt hai mươi mấy năm qua nó vẫn còn như in trong tâm trí của mình.

Đừng tưởng đánh con xong, thấy lát sau con lại cười đùa là con đã quên. Không đâu!

Những vết thương lòng của tuổi thơ sẽ ám ảnh mãi suốt cuộc đời con sau này và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của con đó các bố mẹ à.

Đã từng là những đứa trẻ, các bố mẹ hãy suy ngẫm xem mình có những kí ức vì đòn roi, vì tổn thương tinh thần mà tới giờ vẫn nhớ như in không? Hãy nuôi con bằng tất cả tình yêu thương và sự tôn trọng. Mình biết cha mẹ nào cũng yêu thương con vô bờ, nhưng không phải ai cũng biết cách tôn trọng con.

Bức “Imaginary Friends” (Những người bạn trong trí tưởng) của Ralph Boyer.
➥ Bức “Imaginary Friends” (Những người bạn trong trí tưởng) của Ralph Boyer.

Yêu thương không chưa đủ, yêu cho roi cho vọt lại càng rất… rất… sai lầm!

Một đứa bé đã từng muốn tự tử chỉ vì trót mua một cây kem. Câu chuyện đó có đáng làm chúng ta suy ngẫm không?

Dù các bạn nói có hay không, thì đứa bé trong câu chuyện này vẫn chưa bao giờ quên buổi chiều hôm ấy. Đứa bé đó giờ đã trở thành mẹ của hai đứa con, và luôn tâm niệm rằng phải nuôi dạy con bằng tất cả sự tôn trọng và tình yêu thương.

Bạo lực với con là điều không bao giờ đúng, dù là bạo lực thể xác hay bạo lực tinh thần, vì ba mẹ biết không, những gì con phải chịu đựng lúc ấy thực sự tàn nhẫn biết bao nhiêu, và tâm hồn con thực sự tổn thương rất rất nhiều.

Phạm Hồng
Bài về chủ đề Trẻ em:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ