Làm sao để trở thành phụ nữ?

Chuyện đầu tiên tôi biết mình là con gái là khi một bà hàng xóm nói: “Con gái mà học hành gì lắm cho mệt? Giỏi quá thì cũng đến thế thôi!” - Bà nói thẳng vào mặt mẹ tôi, khi tôi đang đứng ngay cạnh đó. Với vô số gia đình, “học lắm” sẽ biến phụ nữ thành khôn quá, lắm lời, khó tính, ế chồng hoặc... chẳng để làm gì sau khi gả nó đi. Tôi cứ ngỡ chuyện đó chỉ xảy ra trong đầu hàng xóm mình, nhưng sau này đi viết bài ở nhiều vùng nông thôn, mỗi lần bàn đến chuyện học hành, cậu bé trai sẽ luôn được gia đình ưu tiên cho học đến mức cao nhất nó có thể, đôi khi bằng cách hi sinh một đứa chị gái/em gái, bắt cô bé này đi làm để giảm học phí và vừa có thêm thu nhập cho cậu bé trai học. Source: fb.com/khaidon/posts/10217214765135032 Làm sao để trở thành phụ nữ?
Làm sao để trở thành phụ nữ?

Câu hỏi này buồn cười nhỉ, nếu bạn lớn lên đã biết mình sẽ trở thành một cô gái (về mặt vật lý).

Tôi thì không.

Chuyện đầu tiên tôi biết mình là con gái là khi một bà hàng xóm nói: “Con gái mà học hành gì lắm cho mệt? Giỏi quá thì cũng đến thế thôi!” - Bà nói thẳng vào mặt mẹ tôi, khi tôi đang đứng ngay cạnh đó.

Với vô số gia đình, “học lắm” sẽ biến phụ nữ thành khôn quá, lắm lời, khó tính, ế chồng hoặc... chẳng để làm gì sau khi gả nó đi. Tôi cứ ngỡ chuyện đó chỉ xảy ra trong đầu hàng xóm mình, nhưng sau này đi viết bài ở nhiều vùng nông thôn, mỗi lần bàn đến chuyện học hành, cậu bé trai sẽ luôn được gia đình ưu tiên cho học đến mức cao nhất nó có thể, đôi khi bằng cách hi sinh một đứa chị gái/em gái, bắt cô bé này đi làm để giảm học phí và vừa có thêm thu nhập cho cậu bé trai học.

"Con gái thì phải ý tứ, ăn uống vậy ai coi?" - Tôi nhìn sang bên cạnh, những thằng bé anh họ, em họ cũng ăn y như mình. Tại sao không ai nói gì chúng? - Khi đó tôi 7 tuổi.

Tôi học cách ghét chính mình vì là phụ nữ. Luôn cảm giác bị thua thiệt trong cái vỏ đó. Khó chịu vì cảm giác bị phán xét chỉ vì mình mang thân thể khác với những đứa xung quanh mình. Luôn trở thành chọn lựa thứ cấp chỉ vì giới tính của mình.

Tôi còn nhớ có lần khi đi làm, các sếp ở tòa soạn nói giới thiệu phóng viên nam đi, chứ tuyển nữ vào nó làm 2 năm nó đẻ là khỏi làm nữa. Phóng viên nữ khó kiếm việc làm hơn nam giới.

Tôi nhận ra nhiều bạn gái dần quen với phán xét, sống chung với nó và bắt đầu... ép những phụ nữ khác phải sống giống mình - như chuẩn mực xã hội (tự họ tưởng vậy).

Họ khó chịu vì cô gái bạn họ bỏ chồng khi cuộc hôn nhân không như ý.

Họ bàn tán một cô bạn vì cô làm mẹ đơn thân.

Họ khó chịu khi một người phụ nữ có vẻ như chẳng phải làm gì, nhàn hạ mà có được anh bạn trai cúc cung tận tụy chăm sóc.

Hôm nọ, tôi còn đọc thấy một bài viết dịch từ tận bên Trung Quốc, ca ngợi một phụ nữ chịu đựng anh chồng thô bỉ những 10 năm, chờ con lớn rồi đá đít anh ta ra khỏi cửa. Như thể đó là chiến thắng. Mấy ngàn phụ nữ tâm đắc chia sẻ và ca ngợi cô phụ nữ ấy.

Tôi tự hỏi cuối cùng cái người đàn bà đó sống hay chết, giả vờ hay ảo tưởng trong suốt 10 năm bất hạnh đó? Đợi 1 ngày được hả hê đá đít được gã đàn ông thô lỗ đó hả?

Tại sao không chọn lựa sống và chăm sóc con cái của mình bằng một phương thức nào khác hơn là cắn răng chịu đựng như một cái giẻ chùi chân cho người khác chà đạp? Tại sao không thể tự trân trọng bản thân mình - thời gian của mình - tuổi trẻ của mình?

Vậy mà vẫn có người ca ngợi ấy là khôn ngoan, điềm đạm.

Hơn 20 năm sau lần đầu tiên tôi bị bà hàng xóm nói học gì lắm vậy cho mệt, thì tình hình có vẻ chẳng hề thay đổi. Xã hội vẫn kỳ vọng phụ nữ là sinh vật thế thân cho đồ đạc trong nhà như máy giặt hay đồ hút bụi. Họ nên chịu đựng. Họ nên hi sinh vì A, vì B, vì C, vì tất cả...trừ bản thân họ.

Cụm từ “Xã hội” bên trên không chỉ có đàn ông, mà còn có cả những phụ nữ đã chấp nhận bản thân mình sống trong hàng rào thua thiệt và chịu đựng - và muốn có thêm đồng nghiệp cắn răng chịu đựng cùng mình. Những ai không muốn ở trong cái lồng đó, mặc danh được gọi là không khôn ngoan, hay bị nặng lời vì những lựa chọn có phần tự do của họ.

Tôi thì không.

Tôi đã không còn ghét cơ thể phụ nữ của mình nữa. Tôi được một người bạn dạy hãy tập để cho lưng mình thẳng lên - không phải để người ta thấy em quyến rũ zú bự, mà để em không bị đau cột sống. Tôi được một người bạn khác dạy tôi ăn uống - không phải để xung quanh thế giới đàn ông trân trọng mình hơn vì tôi gầy - mà là để tôi không bệnh tật vì quá cân.

Tất cả những người hướng dẫn tôi làm, đều nhấn mạnh rằng, phải trân trọng và lắng nghe cơ thể em, phải xem mình có thấy dễ chịu không khi thực hiện việc gì đó.

Mọi chịu đựng nhân danh vì lý tưởng cao cả đều là trá hình của bất hạnh.

Con người ta thực ra cũng giống một chú ốc - nếu nó không thể tự hào về cái cơ thể/cái vỏ nó mang - toàn bộ cuộc đời chỉ còn là nặng nề tổn hại.

Cuối cùng thì tôi tin mình là phụ nữ, cũng có thể học hành và trở thành người lớn tự do, như bất kỳ ai khác.

Khải Đơn
Bài về chủ đề Suy tư-Triết lý:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ