Nghề giáo có thực sự là một nghề cao quý? Tại sao người phương Tây không coi trọng người làm nghề giáo?

Truyền thống tôn sư trọng đạo tư tưởng Nho Khổng thoạt nghe qua thì nhân văn cao quý nhưng tiềm ẩn những vấn đề bất cập. Nó khiến vai trò của người thầy được đề cao quá mức và khiến người học phải lệ thuộc vào thầy. Ngày xưa, được đi học là một đặc quyền và những người được gọi là “biết chữ thánh hiền” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chính vì những lời của Khổng Mạnh dạy được coi là tuyệt đối đúng, là chân lý mà những người học Nho đối với những người dân quê răng đen mắt toét mà nói nếu không là thần thánh thì cũng là đấng tài năng vượt bậc. Làng nào có được một ông thầy đồ biết võ vẽ vài chữ Nho thì cung kính bưng rước như đối với bậc vĩ nhân. Sự tôn sùng tuyệt đối tạo ra những hệ lụy sau... Source: fb.com/barry.gibson.142/posts/10157376265607017 Nghề giáo có thực sự là một nghề cao quý? Tại sao người phương Tây không coi trọng người làm nghề giáo?
Nghề giáo có thực sự là một nghề cao quý? Tại sao người phương Tây không coi trọng người làm nghề giáo?

Truyền thống tôn sư trọng đạo tư tưởng Nho Khổng thoạt nghe qua thì nhân văn cao quý nhưng tiềm ẩn những vấn đề bất cập. Nó khiến vai trò của người thầy được đề cao quá mức và khiến người học phải lệ thuộc vào thầy. Ngày xưa, được đi học là một đặc quyền và những người được gọi là “biết chữ thánh hiền” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chính vì những lời của Khổng Mạnh dạy được coi là tuyệt đối đúng, là chân lý mà những người học Nho đối với những người dân quê răng đen mắt toét mà nói nếu không là thần thánh thì cũng là đấng tài năng vượt bậc. Làng nào có được một ông thầy đồ biết võ vẽ vài chữ Nho thì cung kính bưng rước như đối với bậc vĩ nhân. Sự tôn sùng tuyệt đối tạo ra những hệ lụy sau:

a. Đã là thầy thì cấm cãi cho dù thầy có sai đi nữa. Điều này dẫn tới sự lạm quyền của những người làm thầy.

b. Do quá lệ thuộc vào thầy, học sinh không dám tự suy nghĩ và phản biện mà luôn chờ nghe ý kiến của thầy. Điều này giết chết khả năng tư duy độc lập của người đi học, biến người đi học thành nô lệ về tâm thức.

c. Do quá đề cao cái gọi là “đạo thánh hiền” và “chữ thánh hiền”, người học ngày xưa bài xích triệt để những gì không thuộc về ý thức hệ của mình thay vì tiếp thu cái hay cái mới từ nhiều nguồn khác nhau. Việc học thay vì khai phóng người học thì lại trở thành ngục tù về tư tưởng giam hãm người học. Những người nhai lại những kiến thức cũ rích và lỗi thời vẫn luôn tự tin là mình học sâu hiểu rộng mà không biết mình đã lạc hậu và cổ hủ tới mức nào.

Ông tổ của triết học phương Tây Socrates không hề để lại sách vở gì ghi chép lại những điều mình giảng dạy hay đúng hơn là những vấn đề triết học mà ông đưa ra để tranh luận với học trò của mình. Vì sao ư? Ông hiểu rằng những gì ông nói có thể đúng hôm nay nhưng chưa chắc mười năm hay hai mươi năm sau còn đúng. Những lời dạy của ông không phải là chân lý để tôn sùng hoặc để noi theo. Plato, người ghi chép lại những gì Socrates dạy thành sách vở, tuy rất ngưỡng mộ thầy mình nhưng cũng có những tranh cãi nảy lửa với Socrates về những điều mà ông cảm thấy không thỏa đáng. Người thầy duy nhất mà ai cũng phải nghe theo chính là “chân lý dựa trên logic”. Đó là lý do tại sao người phương Tây họ không tôn sùng và dựa dẫm vào người thầy và những giáo điều một cách thái quá. Tôi thích cách nhìn về giáo dục này hơn vì nó thực sự giải phóng con người ra khỏi sự u tối và lệ thuộc về mặt tư tưởng.

Nếu hỏi tôi có suy nghĩ gì về ngày nhà giáo Việt Nam, tôi muốn chia sẻ một vài điều sau:

1. Không có nghề nào là nghề cao quý và cũng không có nghề nào là nghề thấp hèn. Nghề giáo cũng chỉ là một nghề như bao nhiêu nghề khác, không có gì đặc biệt hơn để đáng được tôn vinh một cách thái quá. Là giáo viên, chúng ta cũng chỉ làm việc và được trả lương mà thôi chứ không hề làm không cho ai. Bạn chọn nghề giáo vì cũng như bạn chọn bất cứ một nghề nào khác, có thể vì bạn thích nó, có thể nó hợp với bạn hoặc cũng có thể bạn kiếm được lợi lộc từ nó. Không ai ép bạn và bạn cũng không hi sinh gì cả. Nếu nói về việc xứng đáng được tôn vinh, còn có nhiều nghề khác xứng đáng hơn nghề giáo ví dụ như nghề công nhân vệ sinh đường phố hoặc những người công nhân cầu cống. Họ làm công việc đầy dơ bẩn và nguy hiểm một cách âm thầm lặng lẽ, không ai quan tâm tới, không ai cảm ơn, thậm chí còn bị coi thường nhưng họ đóng góp cho xã hội này nhiều hơn những giáo viên vô lương tâm và vô trách nhiệm.

2. Kiến thức không phải là của chúng ta, chúng ta chỉ là những người truyền đạt lại kiến thức của người khác. Thời đại thông tin ngày nay khiến cho tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn bao giờ hết. Không có thầy cô giáo nào có thể giỏi hơn Google hay Wikipedia. Đừng quá tự tin vào những kiến thức của mình đang có mà quên việc học hỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân nếu không muốn làm ếch ngồi đáy giếng. Điều quan trọng nhất của người giáo viên ngày nay là cách truyền đạt kiến thức và cách tạo cảm hứng cho học sinh.

Cùng là công việc giảng dạy nhưng thời buổi ngày nay, kẻ bán chữ thì nhiều, còn người thầy chân chính thì ít. Người thầy thực sự và kẻ bán chữ thật ra chỉ khác nhau ba điều cơ bản: 1. Người thầy luôn tìm cách truyền đạt kiến thức hiệu quá nhất cho học sinh của mình còn kẻ bán chữ nhồi kiến thức vào đầu học sinh bất chấp hiệu quả. 2. Người thầy sống có đạo đức và làm gương tốt cho học trò mình. Chính điều này khiến cho người thầy được kính phục. Còn kẻ bán chữ lợi dụng sự kính trọng của học trò để làm điều trái đạo đức. 3. Người thầy tạo cảm hứng và hướng con người tới sự tự do về tư tưởng, còn kẻ bán chữ biến người học thành nô lệ của những thứ tầm thường như điểm số, thành tích hay tiền bạc địa vị.

Chúng ta nên biết ơn những học trò của chúng ta vì họ dạy cho chúng ta cách để trở thành một người thầy tốt hơn. Thay vì cứ ôm trong đầu cái suy nghĩ “không thầy đố mày làm nên” hãy nghĩ ngược lại rằng “không trò, đố thầy dạy ai?” Muốn học trò tôn trọng mình thì mình phải xứng đáng với sự tôn trọng đó và phải tôn trọng lại học trò của mình. Sự tôn trọng phải đến từ hai phía thì tình thầy trò mới bền. Đừng sợ học trò không nhớ đến công ơn của mình, hãy làm tốt trách nhiệm của mình thì tự nhiên học trò sẽ nghĩ tới mình với những tình cảm tốt đẹp nhất.

Truyền thống tôn sư trọng đạo chỉ thực sự đẹp và có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tình cảm thật sự. Còn nếu bị lạm dụng và biến tướng mà không dựa trên nền tảng đạo đức thật sự thì đó chỉ là vỏ bọc hình thức mà thôi.

Huỳnh Chí Viễn
Bài về chủ đề Vấn đề-Tệ nạn:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ