Chuyện xây nhà thờ...

Nhiều người đã trầm trồ trước sự độc đáo của nhà thờ Ka Đơn. Riêng tôi, bời đã đi qua rất nhiều nhà thờ trên khắp cả nước, chỉ muốn nhắc đến chuyện này. Tôi đã gặp quá nhiều linh mục quản xứ tin chắc rằng "có cái gọi là kiến trúc nhà thờ Công giáo", thậm chí, "có cái gọi là kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam". Và với sự tin chắc đó, họ an tâm gạt bỏ vấn đề sáng tạo qua bên, thậm chí là an tâm... không cần Kiến trúc sư...! Source: fb.com/Nguhuart/posts/3881592918579187

Nhà thờ Ka Đơn ở thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đoạt giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6, có lẽ là chuyện ai cũng đã biết.

Điều tôi quan tâm nhiều hơn, là ý tưởng xây dựng nhà thờ như thế này, được hình thành như thế nào, và linh mục chủ trì việc xây dựng nhà thờ đã làm việc với kiến trúc sư ra làm sao.




Tháng 9 năm 2017, tôi đến, gặp linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc-quản xứ giáo xứ Ka Đơn-và ngồi với ông suốt buổi chiều với các thắc mắc của mình.

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc là người quảng bác, cởi mở. Ông nói chuyện thoả mái, chân tình.

Ông hết lời khen ngợi vợ chồng Kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Tuấn Dũng-hai người thiết kế nhà thờ Ka Đơn.

Ông nói: "Mình đã chọn Kiến trúc sư, thì phải tôn trọng nghề nghiệp và sự sáng tạo của họ. Khi đặt vấn đề thiết kế, mình chỉ đưa ra các yêu cầu theo hiểu biết và quan điểm của mình. Khi thiết kế đã hình thành, mình chỉ nêu các băn khoăn. Có vài trường hợp, Kiến trúc sư đã chỉnh sửa thiết kế; có nhiều trường hợp, Kiến trúc sư chỉ cần giải thích để mình hiểu rõ hơn. Bản thiết kế nhà thờ Ka Đơn hoàn chỉnh với cách làm việc trên tinh thần đồng thuận như vậy...!"


Khi tôi hỏi, "các yêu cầu ban đầu mà cha đưa ra đối với thiết kế nhà thờ Ka Đơn là gì", ông đã trả lời-đại ý:

1. Theo tinh thần của Cộng đồng Vaticanô II...

2. Nhà thờ phải không có bậc thang, để ngay cả những người già yếu cũng có thể bước vào "nhà Chúa" dễ dàng...

3. Nhà thờ không cần có cửa, để bất cứ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể "đến với Chúa"...

4. Nhà thờ phải có hành lang rộng tứ phía thông nhau, để có không gian cho các sinh hoạt cộng đoàn...

5. Nhà thờ phải hoà nhập vào môi trường thiên nhiên như hoà nhập vào "công trình tạo tác tuyệt mỹ của Thiên Chúa"...

6. Giáo dân ở đây, phần lớn là người Churu bản địa. Ngôi nhà thờ mới, phải gần gũi, thân thiện với họ; phải phù hợp với cảm quan văn hoá thẩm mỹ của họ...

7. Nhà thờ mới phải giản dị, thanh thoát, xây dựng không quá tốn kém nhưng vững chãi, tồn tại bền bỉ qua năm tháng...

Nhà thờ Ka Đơn hiện tại, đã đáp ứng được các yêu cầu đó. Đang là niềm tự hào của giáo dân trong giáo xứ. Và thực sự, đã khiến cho bất cứ ai đến đây, cũng phải ngưỡng mộ...


Nhiều người đã trầm trồ trước sự độc đáo của nhà thờ Ka Đơn. Riêng tôi, bời đã đi qua rất nhiều nhà thờ trên khắp cả nước, chỉ muốn nhắc đến chuyện này. Tôi đã gặp quá nhiều linh mục quản xứ tin chắc rằng "có cái gọi là kiến trúc nhà thờ Công giáo", thậm chí, "có cái gọi là kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam". Và với sự tin chắc đó, họ an tâm gạt bỏ vấn đề sáng tạo qua bên, thậm chí là an tâm... không cần Kiến trúc sư...!

Nguyên Hưng
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ