Vì sao Giáo hội cần phải công bố tín điều "ơn vô ngộ của giáo hoàng"? (tiếp theo và hết)

Kẻ thù tấn công vào chân lý mà Giáo Hội loan báo, thì các tín hữu cần một điểm tựa để vững tin. Ngôi vị giáo hoàng và ơn vô ngộ của ngài chính là bảo đảm đó. Mời các bạn xem bài viết đầy đủ ở đây. Source: https://fb.com/hoidaptongiao/posts/449354326834478
▪ Xem: Vì sao Giáo hội phải công bố tín điều "ơn vô ngộ của giáo hoàng"? (dẫn nhập)

1. Bối cảnh xã hội


Từ cuối thế kỷ XVII trở đi, vị thế và vai trò của giáo hoàng Rôma ngày càng suy yếu, đặc biệt khi các nước Châu Âu bước qua thời đại công nghiệp. Không những thế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy ở một số nước còn khó chịu với vị thế của Tòa thánh vì thấy ảnh hưởng của Rôma trên hàng giáo sĩ và tín hữu trong nước.

Thế kỷ XVIII, nhiều cường quốc không những không còn vâng phục Tòa thánh, mà trái lại còn sỉ nhục bằng cách bách hại giáo sĩ và giáo dân trong nước điển hình là cuộc cách mạng ở Pháp 1789 gây thiệt hại nghiêm trọng cho Giáo hội Pháp và Tòa thánh về tài sản và nhân lực. Thê thảm hơn nữa, hoàng đế Napoleon bắt Tòa thánh ký thỏa ước nhượng bộ, rồi yêu cầu giáo hoàng Clement VII phải sang Paris chủ lễ phong vương cho ông, nhưng không được đội triều thiên lên đầu ông, nghĩa là không có quyền thế trên ông. Hành động đó nhằm sỉ nhục giáo hoàng và Tòa thánh.

Đức Piô IX triệu tập Công đồng Vatican I, và tuyên bố tín điều "ơn vô ngộ của giáo hoàng".

Tóm lại, từ cuối thế kỷ XVII, giáo hoàng không còn ảnh hưởng và vai trò chính trị ở Châu Âu, thậm chí là bị xem thường và sỉ nhục. Tuy bối cảnh này không phải là lý do chính đưa tới việc tuyên bố tín điều vô ngộ, nhưng chúng được thúc đẩy bởi những luồng tư tưởng chống phá Giáo hội.

2. Sự phát triển của những tư tưởng nguy hại cho đức tin Công giáo


Từ phong trào Khai Minh (Aufklârung) đi đầu bởi các triết gia Tin Lành, các tư tưởng triết lý mới ở Châu Âu phát triển mạnh mẽ, đáng lưu ý là tư tưởng xét lại và chủ nghĩa tương đối.

Chủ nghĩa xét lại đặt vấn đề với tất cả các giá trị mà Kitô giáo giảng dạy. Họ đối chiếu lý thuyết khoa học, đặc biệt là thuyết tiến hóa, với Kinh Thánh và kết luận Kinh Thánh phi khoa học, cho nên niềm tin Kitô giáo về sáng tạo cũng là sai lầm. Không dừng lại ở đó, các học giả Tin Lành dùng phương pháp phê bình lịch sử khi nghiên cứu Kinh Thánh, đã phủ nhận rất nhiều điểm lịch sử và các phép lạ. Chẳng hạn học giả Tin Lành Bultmann cho rằng trong cả 4 Tin Mừng thì chỉ có 40 câu là lời Chúa Giêsu (đáng tin) còn lại hoàn toàn do các môn đệ sáng tác.

Với việc giải thích Kinh Thánh một cách tuỳ tiện dựa theo các phương pháp mới này, các học giả của trào lưu xét lại đã thúc đẩy cả một phong trào ở Châu Âu, đó là xét lại mọi giá trị tín lý, giáo lý và luân lý Kitô Giáo. Bởi chưng, các giá trị này đặt nền tảng trên Kinh Thánh, nhưng bây giờ họ chứng minh cho thấy Kinh Thánh không chính xác, thì có nghĩa rằng mọi giá trị kia cũng không chính xác, mà đã không chính xác thì người ta không cần phải tin, phải giữ.

Kèm theo đó, chủ nghĩa tương đối bắt đầu trở nên phổ biến và dựa vào chủ nghĩa xét lại để thấy rằng mọi giá trị tín lý và luân lý đều là tương đối. Người ta khuyến khích tư duy cá nhân, nhận định các giá trị dựa vào tự do và quan điểm cá nhân: Mình nghĩ nó xấu thì nó xấu, nghĩ nó tốt thì nó tốt. Và khi dựa vào chủ nghĩa tương đối, người ta cũng thấy rằng giáo huấn của Kinh Thánh hay của các mục tử cũng là tương đối hoặc chủ quan. Bắt đầu từ trào lưu tư tưởng này mà nhiều người cảm thấy như được giác ngộ, họ quay lại chống đối Giáo hội vì cho rằng trước họ họ đã bị dắt mũi, bị nhồi sọ bởi chủ nghĩa giáo điều và giáo sĩ trị. Các luồng tư tưởng giải phóng này đưa tới phong trào bài bác Giáo hội, hay tệ hại hơn nữa là các buộc bách hại, mà mục tiêu là hàng giáo sĩ.

Ngoài ra, chủ nghĩa hiện đại (mordenism) hình thành với chủ trương hoài nghi các giá trị truyền thống và đề nghị thích nghi tôn giáo (cũng như văn hóa nghệ thuật) theo thời đại mới cũng là mối de dọa lớn. Nó hoài nghi và từ chối giáo lý truyền thống, xem đó là giáo điều khô khan và không hợp thời.

Trong bối cảnh mà mọi chân lý mặc khải và các giá trị tín lý, giáo lý và luân lý bị xem là tương đối, thì giáo huấn của Giáo hội cũng bị xem là chủ quan và sai lầm và đức tin của các tín hữu bị lung lay. Giáo hội nhận thấy cần phải có một điểm tựa và tấm khiên bảo vệ đức tin cho các tín hữu. Điểm tựa ấy chính là tính tông truyền, thừa kế không đứt đoạn kho tàng đức tin mặc khải và tông đồ tính nơi vị thủ lãnh Giáo hội, kế vị tông đồ cả Phêrô. Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu đặt làm nền tảng và thủ lãnh Giáo hội: Con là tảng đá, trên đá này, thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Thầy trao cho con chìa khóa nước trời (Mt 16,16). Thêm nữa, Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện và bảo đảm sự bảo vệ cho thánh Phêrô, để ngài làm người củng cố đức tin cho người: Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, thì hãy làm cho các anh em con nên vững mạnh (Lc 22,31-32).


Huấn quyền bất khả ngộ của đức giáo hoàng được dùng trong "đạo lý liên quan đến đức tin và luân thường đạo lý". Điều này có thể áp dụng đối với vấn đề về các chân lý được mạc khải rõ ràng hay ám tàng cần sự tin nhận về đức tin và tin nhận kho tàng do Giáo hội giữ gìn, được Đức Kitô giao phó cho Giáo hội và được các Tông đồ nắm giữ: Giáo hội sẽ không giữ gìn các kho tàng cách thích hợp nếu như Giáo hội không bảo vệ kho tàng này nguyên vẹn và hoàn chỉnh. Đây là những chân lý về chính Thiên Chúa và công trình sáng tạo và cứu chuộc của Người; nhân loại và thế giới trong tình trạng là thụ tạo và vận mệnh theo ý định của sự Quan phòng; chính cuộc sống vĩnh cửu và cuộc sống trần gian trong những đòi hỏi cơ bản liên quan đến chân lý và sự thiện. Do đó, chính câu hỏi về "các chân lý-đối với-cuộc sống" và câu hỏi về cách áp dụng các chân lý này trong cách ứng xử của con người.

Như vậy, lý do chính khiến cho đức Piô IX và CĐ Vatican I phải tuyên bố tín điều "ơn vô ngộ của đức giáo hoàng" là để chống lại những lạc thuyết mới đang lan tràn phủ nhận chân lý mặc khải và các giá trị tín lý và luân lý mà Giáo hội đã giảng dạy. Giáo hoàng, trong tư cách là thủ lãnh Giáo hội và trong sự hiệp thông với các giám mục tạo nên một tấm khiên bảo vệ đức tin tông truyền. Chỉ khi tin vào tính bất khả ngộ nơi giáo huấn của giáo hoàng, các tín hữu mới yên tâm và vững vàng không sợ hãi trước sự tấn công của chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa xét lại.

Tín điều này đương nhiên bị những người theo trường phái xét lại và chủ nghĩa tương đối phản đối dữ dội, vì nó giống như một lời tuyên chiến của Giáo hội đối với các chủ nghĩa này.

Bên cạnh đó, sở dĩ tín điều này bị chống đối là vì bị hiểu sai. Người ta nghĩ rằng tín điều này bảo đảm giáo hoàng không sai lầm trong tất cả mọi sự, và như vậy là không thể được, vì giáo hoàng cũng là con người bất toàn. Nhưng tín điều này không bao hàm tất cả mọi lời nói và hành động cá nhân của giáo hoàng, nhưng là trong giáo huấn của ngài về đức tin và luân lý với tư cách thủ lãnh và thầy dạy của Giáo hội, đặc biệt khi ngài cùng với các giám mục hiệp nhất truyền dạy.

M. Hạnh Tử

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ