Sau khi bách hại rất nhiều người Công giáo, vua Tự Đức đã nhìn nhận thế nào về việc này?

Hình: Chân dung vua Tự Đức (1)

Năm 1864, vua Tự Đức ra một sắc dụ có đoạn như sau: “Trẫm là phụ mẫu của dân, trẫm nỡ nào sát hại những người dân, người con trong nước. Có những quan yêu cầu giết sạch dân Công giáo, nhưng trẫm không thể chấp nhận một biện pháp như vậy. Trẫm đã dùng một biện pháp nghiêm nhặt nhưng vừa phải, là biện pháp phân sáp dân Công giáo. Như thế dân chúng biết lòng trẫm độ lượng đến mực nào. Những người có phận sự phải thi hành sắc dụ của trẫm dạy có nhiều quan đã dùng dịp này để làm khổ dân đến cực độ. Trẫm rất lấy làm đau lòng vì những hành động trên. Lúc hòa bình trở lại, trẫm đã cấp tốc truyền cho giáo dân về quê hương xứ sở để giữ đạo của mình”.

“Phần các người Công giáo, trẫm nhận rằng: Công giáo ở vào một tình thế đau đớn, nhưng dù sao sự trung thành của người Công giáo đối với Đạo và đối với luật nước làm trẫm hết sức khâm phục. Trong cách đối xử, trẫm sẽ không phân biệt lương hay giáo. Nếu Công giáo còn giữ một mối thù, tức nhiên Công giáo không theo lệnh vua. Công giáo sẽ là phiến loạn; đã là phiến loạn thì còn gì là Công giáo?”

“Còn Văn Thân, không hiểu các ông đã học ở sách nào để vi phạm luật nước bằng cách tập trung trong các làng để giết hại người Công giáo. Các bậc thánh hiền đã lên án vũ lực, các người không có quyền hành động như thế.”

“Nếu hành động vì thù hằn nhau, không những người này sẽ nuốt người kia, như cá lớn nuốt cá bé ở ngoài biển, mà có khi sẽ nổi lên chống triều đình, như vậy sẽ gây ra không biết bao nhiêu tai hại. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những vụ lộn xộn, phải chăng là Văn Thân?”(2)

Những điều vua Tự Đức nêu ra không đúng với những việc ông đã làm, nhưng điều này chứng tỏ ông nhìn nhận rằng ông đã hành động không đúng khi ra lệnh giết hại người Công giáo nên đã gây ra nhiều hậu quả tai hại, trước mắt là Pháp có lý do chiếm ba tỉnh miền Nam. Ông sợ Văn Thân hành động nông nổi sẽ đưa đến mất nước. Sự lo sợ của ông sau này đã thành sự thật. Phê bình về những sai lầm của triều đình và triều thần nhà Nguyễn đưa đến việc mất nước, sử gia Trần Trọng Kim chỉ viết có một câu ngắn nhưng rất đầy đủ: “Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I-pha-nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.”(3)

Sử gia Trần trọng kim còn kể lại năm 1879, Nguyễn Hiệp đi sứ Thái Lan về có dâng sớ cho vua và triều đình biết Thái Lan nhờ lập điều ước cho các nước Anh, Pháp, Phổ, Ý và Mỹ đặt lãnh sự để lo việc buôn bán nên Anh không lấy cớ gì để mưu sự cướp đất. Năm 1881, Lê Đĩnh đi sứ Hồng Kông về cũng tâu như vậy, nhưng vua và triều đình không theo, để phải mất nước.

J.T.

(1) Tự Đức là một ông vua học rộng, đặc biệt có tiếng về đức hiếu thảo với mẹ mình. Chăm lo việc vua, nhưng quan lại dưới trướng ông, phần đông là những người thủ cựu, hẹp hòi. Nhiều đề nghị canh tân, cải cách của ông Nguyễn Trường Tộ và những người có tầm, có tầm với đất nước khác đều bị ông bác bỏ. Ông thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, không giao tiếp với nước ngoài nên mất đi nhiều cơ hội quý báu để mở cửa học hỏi, giao thương. Nếu vua Tự Đức có những phản ứng thích hợp, ông đã có thể đưa đất nước ta từ chỗ ngu muội, lạc hậu lên hàng phát triển, cường thịnh như là nước Nhật. Đấy là nhận định về đường lối, ý hướng trị quốc của vua Tự Đức. Riêng về cách đối đãi với người Công giáo, ông lệnh giết các linh mục Việt Nam và các linh mục ngoại quốc; tróc nã các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; quân sĩ nào theo đạo Công Giáo, trước khi ra trận, phải Phạm Ảnh, nghĩa là phải bước qua Thánh Giá; thi hành kế hoạch Phân Sáp để tiêu diệt tận gốc người Công Giáo... (Chú thích của yeuchua.net).
(2) Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Quyển I, 1966, tr. 511 - 513.
(3) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tr. 242.

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ