Triết lý giáo dục của người Miền Nam trước 1975

Cách đây 230 năm vua Quang Trung từng nói: “Dựng nước lấy dạy học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc.”

Giáo dục có sứ mạng là phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực quốc gia, nhân tài của xã hội và không ngừng nâng cao tiềm năng trí tuệ của cộng đồng dân tộc để phát triển đất nước với tầm nhìn chung là vươn tới tự do, kiến thiết một xã hội công bằng và thịnh vượng

Cách đây non nửa thế kỷ, người miền nam đã có một nền giáo dục hàm chứa đầy đủ và trung thành triết lý ấy.

Xin khái quát 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo miền nam trước năm 1975 như sau:

1. Nhân bản
2. Dân tộc
3. Khai phóng

• Tính nhân bản (humanistic)

Mục đích tối thượng của giáo dục là làm thế nào giúp con người đạt được nhân cách, các bản ngã đích thực của mình, hầu có thể sống trọn kiếp nhân sinh, nghĩa là giúp họ thể hiện được con người của mình trong ý nghĩa “con người là một hiện hữu tại thế, một hữu thể có lý trí và tự do, vừa suy tư vừa hành động”.

Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác.

• Tính dân tộc (nationalistic)

Phát triển tinh thần quốc gia của học sinh có nghĩa giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

• Tính khai phóng (liberal education)

Chúng ta phải được tự do tư tưởng và tự do ngôn luận và không để cho một trường phái triết học hay bất kỳ một loại hình tôn giáo nào giam hãm tư tưởng chúng ta. Trái lại chúng ta phải hướng tới những tư tưởng cao cả mang tính nhân loại, những tư tưởng sẽ tồn tại mãi, bất kể không gian và thời gian. Đó là nền giáo dục xứng đáng với tên gọi nền giáo dục toàn cầu.

Giáo dục giúp cho thế hệ trẻ có cơ hội phát triển trí lực và hoàn thiện tính cách cá nhân, đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Bởi vậy giáo dục không hễ trở thành công cụ đặc biệt giúp cho những kẻ muốn thao túng xã hội theo đuổi những mục đích xấu xa. Việc dạy dỗ tại nhà trường phải hoàn toàn trao cho các nhà giáo độc lập không bị ảnh hưởng bởi bất cứ đảng phái chính trị hay tôn giáo nào.

Tất cả những điều tốt đẹp ấy đã bị chôn vùi, đã trở thành quá khứ, bài viết này chỉ là một tiếng thở dài... tiếc nuối, thế thôi!

Lê Huỳnh Long Ân

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ