Câu chuyện về các tỷ phú và con đường Việt Nam


Mấy hôm nay khi có danh sách của Forbes về những người giàu nhất và xuất hiện hai cái tên Việt Nam trong đó, lại ồn ào vụ các tỷ phú Việt Nam xuất phát từ Đông Âu và họ giàu lên nhờ bất động sản. Nhiều người cho rằng chẳng đáng tự hào gì khi các tỷ phú là những người giàu nhờ bất động sản và cho rằng khi nào có những tỷ phú đại diện cho những lĩnh vực công nghệ thì mới đáng tự hào. Nhưng có lẽ, đó là một suy nghĩ viển vông và ấu trĩ của những người không giàu và thiếu hiểu biết về quy luật đi lên của sự giàu có và thịnh vượng.

Điều này nó cũng gắn liền với điểm thứ hai mà tôi đề cập trong việc hình thành Con đường Việt Nam, đó là điểm yếu/điểm hạn chế nhất của Việt Nam, điểm cốt tử mà trong mọi chiến lược phát triển, Việt Nam đều gặp phải, phải đối mặt và giải quyết. Điểm yếu đó là con người Việt Nam luôn muốn đi tắt đón đầu. Cái tư duy này, thoạt nghe có thể rất khó chịu và khó chấp nhận, nhưng nó có cội nguồn từ căn nguyên văn hóa của dân tộc, nó cũng thể hiện rõ cái đặc tính bản chất của con người Việt Nam đó là sự “khôn lỏi”, và theo cùng đó là khát vọng “bằng chị bằng em” bất kể thực tế như thế nào. Để hạn chế/khắc phục điểm yếu này cần phải thúc đẩy sự hiểu biết về thực tế sự hình thành con đường phát triển của các quốc gia dưới góc độ quy luật của sự phát triển và hiểu được cách “so sánh” để học tập họ mà phát triển mình. Chúng ta không thể nhìn thấy họ vậy thì cũng nghĩ mình có thể vậy. Cái tư duy làm theo phong trào là một thể hiện rất rõ ở Việt Nam cho thấy sự thất bại của cái kiểu, thấy người ta làm vậy mà giàu thì cũng nghĩ rằng mình có thể làm như vậy mà giàu.

Rất ít người Việt Nam thực sự hiểu rằng để có sự tiến lên giàu có và thịnh vượng luôn cần phải bắt đầu từ giai đoạn tích lũy nguyên thủy và nếu không có cái nôi tài chính thì cũng chẳng hy vọng sự hình thành của những tỷ phú nổi danh. Nói một cách nôm na rằng không có Phố Wall thì cũng chẳng thể có Silicon Valley, chẳng thể có những Facebook, Apple… Bản thân quá trình hình thành các nhà tư bản ở Anh và Mỹ, chẳng hạn, cũng phải xuất phát từ những quá trình tích lũy tư bản thuần túy qua đất đai và tài nguyên thiên nhiên, để rồi từ đó bắt đầu mới hình thành những nhà tư bản tài chính. Lịch sử phát triển của Mỹ là một điển hình. Trong các Thế kỷ XVIII, XIX và đầu Thế kỷ XX, sự hình thành các nhà tư bản Mỹ bắt đầu từ đất đai, tài nguyên thiên nhiên, rồi đến đường sắt… những thứ mà chính các tỷ phú Việt Nam hiện nay cũng đang đi trên con đường đó. Để rồi từ thập kỷ 20 của Thế kỷ XX, bắt đầu mới có sự hình thành của các nhà tư bản tài phiệt. Sự lớn mạnh của các nhà tư bản tài phiệt và đỉnh điểm của nó vào thập kỷ 70 Thế kỷ XX đã cho phép một sự chuyển đổi lớn cùng với việc xóa bỏ chế độ bản vị vàng (Bretton Woods) và bắt đầu hình thành nền tảng cho những tỷ phú về công nghệ mà đỉnh cao của nó là thập kỷ 90 Thế kỷ XX và thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XXI. Và ngày nay, nước Mỹ bắt đầu chuyển mình sang một giai đoạn mới cho những nhà tỷ phú không phải trong lĩnh vực công nghệ nữa mà là những lĩnh vực liên quan đến giáo dục con người. Nhưng như một quy luật, chúng ta để ý thấy rằng, việc tích lũy nguyên thủy bắt đầu từ nước Anh và đi cùng nó là cuộc cách mạng công nghiệp để rồi, nước Anh tiến lên trở thành cái nôi về tài chính toàn cầu. Nhưng nước Anh đã dừng lại ở đó cho đến bây giờ. Nước Mỹ đã vươn lên, tiếp quản cái nôi tài chính và trở thành cái nôi về mặt khoa học công nghệ của toàn cầu. Họ có thể đi tiếp tục đến giai đoạn tiếp tới một người dẫn đầu? Thực tế đã chỉ ra rằng không. Đã có một sự chuyển dịch thực tế và cái nôi tiếp theo của sự phát triển sẽ không ở nước Mỹ mà ở châu Á.

Chúng ta phải nhận thức được tiến trình hình thành nên những nền tảng phát triển, có chăng chỉ là mỗi một thế hệ đi sau có thể rút ngắn được về khoảng thời gian để hình thành, chứ không thể “đi tắt, đón đầu” bỏ qua giai đoạn được. Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành những nền tảng tích lũy nguyên thủy tạo ra các tài sản. Các tỷ phú Việt Nam ngày nay đã và đang làm rất đúng điều đó. Khi lượng tài sản đã tích lũy được đến một mức độ đủ lớn, họ phải tiến sang trở thành các nhà tư bản tài chính. Bất động sản, không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi nơi trên thế giới, đều là nền tảng để hình thành nên các tài sản đòn bẩy tài chính cho việc hình thành các nhà tư bản tài chính. Việt Nam trong giai đoạn tới chưa phải là giai đoạn của sự “lên ngôi” của các nhà tư bản công nghệ, để tiến đến đó, trước hết, cần phải hình thành các nhà tư bản tài chính đúng nghĩa của nó. Bản thân hiện tại, hệ thống ngân hàng của Việt Nam là một minh chứng cho việc khi chủ sở hữu nó thay vì là những người nắm tiền, thì họ lại là những người nắm tài sản, thay vì là người “cho vay” thì họ thực chất lại là người “đi vay”, nên cả hệ thống ngân hàng Việt Nam đều hoạt động rất thiếu hiệu quả và không đóng được đúng vai trò của nó.

Mọi sự tiến triển đi lên đều có những giai đoạn của nó. Muốn phát triển được, cần phải sự hình thành trên cơ sở quy luật tự nhiên của sự phát triển để tuần tự bước qua nó. Dục tốc, bất đạt. Chúng ta không thể phát triển với cái tư duy đi tắt đón đầu này. Cần phải thúc đẩy sự hiểu biết của mình để “đi nhanh hơn, học nhanh hơn, làm nhanh hơn, nỗ lực nhiều hơn” con đường mà thế giới đã phát triển để mình vươn lên, đuổi kịp thì được. Chúng ta không có “nền tảng” nào để “đón đầu”, đó chỉ là một tư duy “khôn lỏi” và mọi sự “đón đầu” chỉ mang lại những kết quả tức thời, không có tính bền vững.

Lê Giang

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ