Không tìm cách chặn từ nguồn cơn, có bao nhiêu hội hiệp sĩ cũng không đủ...

Trước tiên phải khẳng định rõ, bất cứ quốc gia nào đều có một lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội nằm dưới quyền điều hành của chính phủ. Ở ta lực lượng này có tên gọi công an nhân dân, với nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ chế độ, quan trọng nhì là bảo vệ nhân dân (cũng rất quan trọng). Theo nguyên tắc chung thì đây luôn phải là lực lượng công (tư nhân không thể nắm lực lượng này vì chắc chắn sẽ tạo ra mâu thuẫn lợi ích), ăn lương ngân sách thu từ thuế của dân và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tập thể trong xã hội.

Tội phạm (tham nhũng,cướp giật, hiếp dâm) về cơ bản là những kẻ xâm phạm đến quyền lợi của người khác theo nhiều cách khác nhau, từ dùng vũ lực cho đến lạm dụng chức vụ, lừa đảo... Và công an được trao quyền để để điều tra, trấn áp chúng.

Tội phạm loại nào nhìn chung đều nguy hiểm nên những người tham gia lực lượng công an trước hết phải là những người dám tự nguyện chấp nhận đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp, tiếp đó phải được đào tạo chuyên nghiệp, nắm rõ và tuân thủ tuyệt đội những quy tắc, quy trình nghiệp vụ để tránh nguy hiểm cho bản thân và dân thường, tránh lạm quyền. Khi thực hiện nhiệm vụ còn được trang bị những công cụ đặc biệt (như còng tay, súng, lựu đạn...), đôi khi còn được cấp một số quyền vượt trên quyền dân sự trong những vụ đặc biệt... Khi bị thương, chết lúc làm nhiệm vụ bản thân họ và gia đình còn được những chế độ đặc biệt mang ý nghĩa bù đắp (công an nước ta đã chết là kiểu gì cũng chết trong tư thế "làm nhiệm vụ").

Viết rõ như vậy để thấy một anh công an chính quy khác rất xa một anh công dân bình thường, kể cả anh này có tham gia vào nhóm "hiệp sĩ". Ngoài thẩm quyền chuyên môn, thì anh công an còn có quyền hợp pháp để trấn áp tội phạm, còn anh hiệp sĩ không hề có quyền gì. Một anh hiệp sĩ làm thay việc của công an tức đồng nghĩa với việc anh ta phải chịu một rủi ro lớn gấp nhiều lần cho bản thân và cho cả những người xung quanh. Đơn cử nhưng đánh võng bắt cướp có thể gây tai nạn giao thông, thủ sẵn vũ khí để trấn áp tội phạm lúc vui tính có thể mang ra đánh cả người thường...

Xét trên thuyết duy lợi các anh có thể đem lại lợi ích nho nhỏ cho một số người khi giúp họ lấy lại tài sản, nhưng liệu bao nhiêu cái niềm vui nho nhỏ ấy có thể bù đau khổ của chính các anh và gia đình khi chẳng may các anh bị đâm chết như đồng đội của mình ngày hôm qua?

Các bạn cổ vũ cho dân thương làm anh hùng, làm hiệp sĩ đừng chỉ nghĩ đến những lợi ích trước mắt của mấy hội nhóm thế này, hãy nghĩ cả đến những hệ quả của nó.

Nhóm cướp xe bị các "hiệp sĩ" Bình Dương bắt gọn

Tôi luôn đứng ở trên quan điểm tự do để nhìn nhận mọi việc. Nên sẽ không bao giờ đồng tình với mọi hoạt động của chính quyền nhằm "cản phá" những quyền dân sự chính đáng của người dân như lập hội lập nhóm, nhưng chỉ khi các hội nhóm này không gây ảnh hưởng đến quyền lợi công dân. Một hội nhóm hiệp sĩ không chuyên, sử dụng bạo lực dù là để trấn áp tội phạm đi chăng nữa tôi cũng không thể nào cảm thấy yên tâm, mục đích tốt đẹp không thể biện minh cho các hành vi vượt khỏi "khuôn khổ luật pháp".

Trộm cướp ở xứ ta đã trở thành quốc nạn, trong đó nguy hại nhất là trộm cướp "của công", trộm tài nguyên, trộm đất trộm nước ở tầm vĩ mô, nguyên nhân do luật của ta "cổ vũ". Chuyện trộm cắp, cướp giật vặt vãnh thực ra là hệ quả tất yếu khi xã hội mục ruỗng. Không tìm cách chặn từ nguồn cơn, có bao nhiêu hội hiệp sĩ cũng không đủ.

Nguyễn Sơn

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ