Tản mạn về văn hoá đọc

Tôi đã nhiều lần hỏi sinh viên của mình rằng có ai đã đọc hết “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu chưa và rất hiếm khi nghe câu trả lời “có”. Nhưng một người bạn trẻ của tôi, là tiến sĩ sinh học ở ĐH Tufts (Massachusette, Mỹ) lại thuộc “Truyện Kiều” và “Truyện Lục Vân Tiên” vanh vách. Trò chuyện với tôi bạn ấy hay dẫn vài câu Kiều, rất đúng lúc và đúng vấn đề, khiến cuộc chuyện trò rất duyên và đầy thú vị. Trong khi đó, tôi cảm thấy thất vọng với nhiều người, thuộc tầng lớp có chữ hoặc đang hành nghề liên quan đến chữ nghĩa, nhưng lại lười đọc sách, lười tiếp nhận và kiểm chứng thông tin từ sách nên những gì họ nói với công chúng hay viết ra cho công chúng đọc thì vừa sai lạc, vừa ngô nghê, rất phản cảm.

◪ 1. Hôm 29/3/2018, Ban tổ chức Hội sách TP Hồ Chí Minh năm 2018 đã công bố Top 10 tựa sách bán chạy nhất hội sách năm nay. Trong đó có 7 cuốn của các tác giả Việt Nam và 3 cuốn sách dịch của các tác giả nước ngoài.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giữ vị trí số 1 với tác phẩm Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng). Hai tác giả cùng có hai tựa sách lọt vào Top 10 năm nay là Tony Buổi Sáng (với Trên đường băng và Cà phê cùng Tony) và Hamlet Truong (với Sẽ có cách đừng lo và Mười hai cách yêu). Hai cây bút Việt khác có sách nằm trong Top 10 năm nay là Anh Khang (với Thương mấy cũng là người dưng) và Huỳnh Thái Ngọc (với Thỏ bảy màu - Timeline của tui có gì). Đây đều là những tác phẩm mới công bố gần đây của họ.

Tuy nhiên, 3 tựa sách dịch nằm trong Top 10 sách bán chạy nhất Hội sách TP Hồ Chí Minh năm 2018 lại là những tựa sách đã cũ như Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng (của Monique Brinson Demery xuất bản năm 2013, bản tiếng Việt in lần đầu năm 2016), và quá cũ như Nhà giả kim (của Paulo Coelho xuất bản năm 1988, bản tiếng Việt in lần đầu từ năm 2002), thậm chí rất cũ như Đắc nhân tâm (của Dale Carnegie xuất bản năm 1936, bản tiếng Việt in lần đầu năm 1951 và đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam).

Khó có thể đưa ra một nhận định chính xác về gout đọc sách của người Việt hiện nay khi chỉ dựa vào một danh mục Top 10 cuốn sách bán chạy nhất ở một hội sách, cho dù đó là hội sách quy mô, hoành tráng và có doanh số bán sách lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên khi tham khảo thông tin Top 10 cuốn sách bán chạy nhất của Hội sách TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, có thể thấy rằng, mảng sách được độc giả Việt ưa thích nhất chính là loại sách tình cảm nhẹ nhàng, sách giải trí đơn thuần. Còn sách khoa học, sách chính luận, sách kinh tế thì ít được quan tâm. Riêng mảng sách về lịch sử - văn hóa của nước nhà, và của nhân loại nữa, thì hầu như không có “cửa” trở thành sách bán chạy ở Việt Nam.

Trong khi đó, những cuốn sách được độc giả ở các nước phương Tây, từ độc giả bình dân cho đến độc giả trí thức yêu thích, thì đa dạng về chủ đề hơn nhiều, trong đó sách khoa học và sách chính luận luôn được lựa chọn với tần suất cao.

Cuối năm 2017, tỷ phú người Mỹ Bill Gates đã lựa chọn 6 cuốn sách mà ông cho là đáng đọc nhất trong năm, gồm: Black Flags: The Rise of ISIS (của Joby Warrick), Turtles all the way down (của John Green), The color of law (của Richard Rothstein), The best we could do (của Thi Bùi), Believe Me: A Memoir of love, Death, and jazz chickens (tác giả Eddie Izzard) và The Sympathizer (của Nguyễn Thanh Việt, đã đoạt giải Pulitzer 2016). Những cuốn sách mà nhà tỉ phú này lựa chọn rất đa dạng về thể loại: từ tiểu thuyết, phi hư cấu, sách tranh, đến hồi ký của người nổi tiếng.

Bill Gates còn đặt biệt yêu thích một cuốn sách khoa học nổi đình nổi đám trong thời gian vừa qua, cuốn Sapiens: A Brief History of Humankind (cuốn Yuval Noah Harari). Ông viết trên trang cá nhân của mình: “Cả Melinda (vợ của ông) và tôi đều đọc cuốn sách này và đã có những cuộc thảo luận tuyệt vời về nó trong bữa tối… Hariri đã thực hiện một thử thách vô cùng lớn: kể cho chúng ta toàn bộ lịch sử của loài người chỉ trong 400 trang giấy”.

Cuốn Sapiens: A Brief History of Humankind, dù là một cuốn sách khoa học, nhưng lại được độc giả các nước phát triển yêu thích, tìm mua và tìm đọc, không chỉ các bậc thức giả mà cả học sinh từ bậc trung học. Trong khi đó, bản tiếng Việt của cuốn sách này, tựa là Lược sử loài người (do Omega Book kết hợp với Nxb Tri thức xuất bản năm 2017), dày hơn 500 trang và giá bán khá mềm (209.000đ) nhưng độc giả Việt không mấy mặn mà.

Có thể thấy rằng, gout đọc sách của độc giả Việt với độc giả ở các nước phát triển khá là cách biệt. Trong khi người mình thích sách giải trí nhiều hơn, thì người ta thích sách tri thức nhiều hơn. Trong khi người mình “né tránh” những cuốn sách gai góc, động chạm về chính trị hay những vấn đề khoa học cao siêu, thì người ta lại tìm đến những loại sách này để mở mang trí tuệ và khám phá những góc khuất của lịch sử và nền chính trị nhân loại. Tôi không dám nói gout đọc sách của loại độc giả nào là hay, là tốt, nhưng rõ ràng tri thức mà độc giả xứ người ta nhận được qua sách vở thì nhiều hơn hẳn cái gọi là tri thức trong các cuốn sách mà độc giả xứ mình lựa chọn.

◪ 2. Nhưng, hiện nay người Việt vẫn còn thích đọc sách thì đã là may mắn lắm rồi. Bởi xu hướng thời thượng ở Việt Nam hiện nay là đọc mạng xã hội và đọc báo online thay cho đọc sách. Đó là những gì tôi quan sát và cảm nhận được.

Tôi hay đi đây đi đó và thấy rằng trong khi tiêu phí thời gian nhàn rỗi ở các phòng chờ nơi bến xe, nhà ga, sân bay… hay trên các chuyến tàu, chuyến xe, chuyến bay ở trong và ngoài Việt Nam, thì người Việt rất hiếm khi đọc sách. Họ thích dán mắt vào màn hình smartphone hơn, hoặc nếu có đọc thì là đọc báo. Trong khi đó, du khách nước ngoài thì thường chọn sách để đọc trong hành trình du lịch của mình.

Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, thấy người dân ở các nước Âu - Mỹ, Nhật Bản hay Singapore… luôn chọn sách làm bạn đồng hành. Với họ đọc sách là thú tiêu khiển, là cách tiếp nhận tri thức và thông tin để làm giàu kiến thức của mình. Ngược lại, tôi ít khi thấy người dân các nước như Trung Quốc, Thái Lan hay Campuchia… dùng thời gian nhàn rỗi để đọc sách. Phải chăng đây là sự khác biệt trong nhận thức về sách và văn hóa đọc giữa các dân tộc? Tuy nhiên điều dễ nhận thấy là những nơi mà người dân thích đọc sách thì trình độ dân trí ở đó cao hơn và quốc gia đó cũng phát triển hơn.

Có hai câu hỏi tôi thường nghe khi hỏi ai đó có đọc sách không? Đó là: [1]. Cuộc sống khó khăn lấy đâu ra tiền để mua sách mà đọc? [2]. Đọc sách có lợi gì, hạng người như tôi có cần đọc sách không? Quả thật khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm mà dành tiền mua sách đọc thì quả là xa xỉ. Đó là chưa kể những người cần lao luôn đặt mình ra khỏi mối quan hệ với sách vở vì họ cho rằng công việc và nhu cầu của họ thì không cần đến sách. Vì vậy mà họ chưa nhận thức được lợi ích từ việc đọc sách.

Với câu hỏi thứ nhất, tôi luôn chỉ cho người ta thấy rằng, không có tiền mua cũng có sách để đọc. Đó là đọc sách từ các thư viện, các tủ sách cộng đồng, các “không gian đọc”…, là những nơi đọc sách miễn phí, hiện diện khắp Việt Nam. Hầu khắp các tỉnh và thành phố ở Việt Nam đều có mạng lưới thư viện công lập. Nhiều nơi, thư viện công lập đã được triển khai ở cấp quận huyện, thậm chí lan tỏa đến tận các xã thôn thông qua mạng lưới bưu điện văn hóa. Thậm chí, có những thư viện tư nhân cũng đưa những cuốn sách quý hiếm ra phục vụ miễn phí cho những người có nhu cầu, như thư viện của thầy giáo Nguyễn Hữu Châu Phan ở Huế. Có thể nói chưa bao giờ người Việt có nhiều cơ hội tiếp cận sách miễn phí và thuận tiện như thời này.

Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời của tôi luôn luôn là “có”. Bởi lẽ sách vở cung cấp một nguồn kiến thức đa dạng, đa tầng, đa cấp độ, tùy theo nhu cầu và sở thích của người đọc. Không chỉ người có học vấn cao mới cần đến sách như là công cụ để nghiên cứu hay là một kênh để thâu nạp kiến thức và thông tin, mà người ít học cũng cần đến sách vì nhu cầu giải trí, học hỏi, hay đơn giản cho để biết về một sự kiện hay vấn đề nào đó. Tôi đã từng thấy những nông dân trên đường đi làm đồng về thì ghé vào bưu điện văn hóa xã để mượn một ít sách viết về kỹ thuật chăm bón cam; thấy một người nuôi tôm sáng tinh mơ đã tìm đến nhà một kỹ sư nông nghiệp trong vùng mượn cuốn cẩm nang về xử lý các bệnh thông thường của tôm nuôi.

Tôi đã nhiều lần hỏi sinh viên của mình rằng có ai đã đọc hết “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu chưa và rất hiếm khi nghe câu trả lời “có”. Nhưng một người bạn trẻ của tôi, là tiến sĩ sinh học ở ĐH Tufts (Massachusette, Mỹ) lại thuộc “Truyện Kiều” và “Truyện Lục Vân Tiên” vanh vách. Trò chuyện với tôi bạn ấy hay dẫn vài câu Kiều, rất đúng lúc và đúng vấn đề, khiến cuộc chuyện trò rất duyên và đầy thú vị. Trong khi đó, tôi cảm thấy thất vọng với nhiều người, thuộc tầng lớp có chữ hoặc đang hành nghề liên quan đến chữ nghĩa, nhưng lại lười đọc sách, lười tiếp nhận và kiểm chứng thông tin từ sách nên những gì họ nói với công chúng hay viết ra cho công chúng đọc thì vừa sai lạc, vừa ngô nghê, rất phản cảm.

Vậy thì, tất cả mọi sự đều là do nhận thức về đọc sách và văn hóa đọc của người Việt mình thôi.

Và đã đến lúc cần phải thay đổi phải thay đổi cả hai thứ đó. Nếu không thì người Việt mình cứ mãi mãi là những kẻ “thấp bé nhẹ cân” khi tiếp thu và tiêu hóa tri thức của nhân loại thông qua sách vở.

Trần Đức Anh Sơn (theo Văn Hoá Quảng Nam)

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ