Đạo Công giáo ngày xưa

"Người Việt đâu có thù ghét đạo Thiên Chúa! Họ chỉ bất bình phản đối những hành động quá lố của một số linh-mục ỷ có quân đội và chánh quyền Pháp mà có những hành vi ngạo ngược. Vì xét cho cùng, đạo Thiên-Chuá và đạo Nho, Phật có khác gì nhau đâu”. "Tôi phải thưa rằng thoạt tiên cảnh tượng bi thảm của những vụ cừu hận tôn-giáo làm tôi lưu tâm. Người Công-giáo và không Công-giáo thù nhau sâu sắc, và trong các biến cố vừa qua nếu các Nho-sĩ và những người không Công-giáo có phạm vào những tội lỗi ghê gớm, sự thật ấy chỉ vì người Công-giáo lắm lúc đã không hề chịu nhân nhượng trong các cuộc báo thù...

Thời trước, những nhà trí thức Việt-nam bên Công-giáo thấm nhuần Nho-học, ngoài giáo lý của Chúa còn biết Nhơn-lễ-nghĩa-trí-tín của Nho-gia, hơn hết họ luôn đặt bản thân dưới chữ dân tộc Việt-Nam, sống theo khuôn phép.

Trí thức Công-giáo xưa tu thân rất chuẩn.

Chúng ta biết Nguyễn-Trường-Tộ là người Công-giáo, là nhà cải cách với những bản điều trần nổi tiếng thời vua Tự-Đức ,đọc những di cảo của ông chúng ta thấy ông tin Trời (Chúa-Trời) thông Kinh-Dịch, tôn trọng sự tuần hoàn của vạn-vật Trời-Đất Âm-dương.

Trong “Thiên hạ đại thế luận” năm Tự Đức 16 - năm 1863 ông viết như sau:

"Tôi là Nguyễn-Trường-Tộ, bề tôi nước Đại-Nam đã từng trốn ra nước ngoài xin đem những điều mà tôi đã biết và thấy một cách chính xác về sự thế trong thiên-hạ, mạo tội kính bẩm.

Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “thế” mà thôi. Chữ “thế” là nói bao gồm cả thiên thời nhân sự. Cho nên người biết rõ “thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc.

Hãy nói về Thiên-đạo trước. Khí đất là từ Bắc đến Nam, vận trời từ Tây sang Đông, theo Hà đồ thì thủy ở về phương Bắc, hỏa ở về phương Nam, kim ở về phương Tây, mộc ở về phương Đông. Thủy thì diệt hỏa, kim diệt mộc, ấy là lẽ tự nhiên của trời đất luôn luôn như vậy”.

Ông khuyên trào-đình trước Tây nên hòa, vì hòa là hơn cả. Ông nói rằng văn minh Tây quá mạnh, nếu không hòa nó sẽ diệt Ta, thời thế hòa là đúng ý Trời, chính câu nầy của Nguyễn-Trường-Tộ bị người cộng sản sau này “giáng tội” cho ông.

“Còn ta nếu không chịu hòa, thì họ xưa nay vốn hiếu thắng, đời nào lại chịu thôi. Cho nên tôi nói hòa với họ là tiện lợi, là một việc rất tốt phù hợp với lẽ trời đất. Trời đất hòa mới có mưa móc tưới nhuần. Bốn mùa hoà vạn vật mới sinh nở. Hai nước hòa bờ cõi mới an ninh. Triều đình hòa trăm việc mới chỉnh đốn. Xưa nay chưa có khi nào bất hòa mà làm xong việc được.”

Trong bài "Ðiều trần thời sự" - Nguyễn-Trường-Tộ chép về đạo đức theo kiểu Nho-gia của ông:

“Hàn công nói: biết mà không nói là kẻ bất nhân, nói mà không nói hết là kẻ bất nghĩa.

Thế cho nên tôi ở chốn giang hồ mà lòng gởi lại lăng miếu. Tôi thật không nỡ nhìn thấy nước nhà đổ nát trăm họ lưu ly, cho nên không xét phận hèn mọn mà dám phạm vào lỗi nói ngay thẳng. Nếu cho lời tôi là khi trá hoặc là có ai xúi giục thì xin đem biểu nầy treo ở quốc môn để sau nầy làm chứng”

Trong tâm hồn Nguyễn-Trường-Tộ, tấm lòng ông vẫn theo đạo lý ông bà xưa.

Đọc câu thơ của ông

"Nhật mộ tuy vô hồi chiếu xứ
Qui hoa tự hữu hướng dương thần."
(Vừng nhựt dù không quay rọi lại
Lòng quỳ vẫn cứ hướng mà theo)

Trương-Vĩnh-Ký, nhà văn-hóa Nam-Kỳ thì nhuần nhuyễn đạo đức tu thân, ông sống thanh bần, lấy viết sách dạy học làm vui, làm cho Tây mà ông giữ cốt cách một nhà nho, giữ danh dự nho gia, sống biết cần kiệm, nhún nhường.

Là một người Công-giáo, vậy mà trong “Cours d'histoire annamite” ông viết về cấm đạo của các vua nhà Nguyễn rất công bằng, dân tộc, kiểu tự răn mình trước như sau:

"Người Việt đâu có thù ghét đạo Thiên Chúa! Họ chỉ bất bình phản đối những hành động quá lố của một số linh-mục ỷ có quân đội và chánh quyền Pháp mà có những hành vi ngạo ngược. Vì xét cho cùng, đạo Thiên-Chuá và đạo Nho, Phật có khác gì nhau đâu”.

"Tôi phải thưa rằng thoạt tiên cảnh tượng bi thảm của những vụ cừu hận tôn-giáo làm tôi lưu tâm. Người Công-giáo và không Công-giáo thù nhau sâu sắc, và trong các biến cố vừa qua nếu các Nho-sĩ và những người không Công-giáo có phạm vào những tội lỗi ghê gớm, sự thật ấy chỉ vì người Công-giáo lắm lúc đã không hề chịu nhân nhượng trong các cuộc báo thù...

Tôi có thể nói là sự công minh của các nhà đương quyền không Công-giáo gia dĩ tình có khi đau khổ về sự quá khích từ phía các giáo dân xấu...” (Trương-Vĩnh-Ký)

Tờ báo "Thông Loại Khóa Trình" ra mắt năm 1888, trong bài báo số đầu tiên khi nói về mục đích, Trương-Vĩnh-Ký đã viết như sau:

"Phép học là trước học lễ, sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia giáo, biết phép tắc, lễ nghi, can thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim, ấy là đáng được con người tử tế..."

Trong “Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1884) Petrus-Ký viết một câu không ai dám nghĩ tác giả là người theo đạo Thiên-Chúa :

"Ở đời trung đạo chớ thiên
Vui theo nho đạo là bên chánh đồ".

Đọc cái xưa để bần thần giây lát, thấy thương người xưa quá, họ sống thấm nhuần lẽ phải, đạo đức, cố giữ tư cách một mực khuôn phép.

Hậu thế phải học hỏi cái nầy chớ.

Petrus Tran

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ