Khi thầy cô bị đẩy vào thế phải gian dối, lúc ấy học trò còn gì để học, để noi theo...

Sự trung thực cần được gìn giữ trong học đường, như giữ sự trong sáng cho con ngươi của mắt mình. Khi thày cô, thậm chí nhà quản lý giáo dục hàng đầu đã gian lận thi cử, mà không chỉ ở một nơi mà là hàng loạt nơi, thì không còn gì để nói. Đó là đòn chí mạng đánh vào những thành quả tốt đẹp của giáo dục, khi nó đã rất mong manh. Vậy thì không phải như ông Lincoln mong con ông và học trò cần tôn kính thày và không bao giờ dùng gian trá để lừa thày phản bạn, mà giờ đây kêu gọi các thày đừng gian trá để lừa học trò và phụ huynh. Và ngang nhiên lấy cắp tương lai của những con người yếu thế.
Gian lận thi cử

Khi con đi học, Tổng thống Lincoln đã gửi cho thầy giáo của con ông một bức thư, trong đó có dòng chữ tạm dịch ý là tôi mong con tôi chỉ có lòng tôn kính với thầy giáo, chứ không phải là sự lừa dối.

Trung thực là một phẩm chất cực kỳ quan trọng với học sinh Mỹ, trong một xã hội xây dựng trên nền tảng thành tín. Khi mà bất cứ ai đi mua đồ ngoài siêu thị thấy không tốt có thể trả lại khi đã dùng cả tháng ròng. Khi mà hàng phát chuyển tận nhà chỉ việc để ngoài cửa mà không cần lo ai sẽ lấy mất. Khi mà xe bị hư, người sửa xe chỉ việc lái tới cho vào garage, nếu chủ đi vắng thì gọi điện báo và quăng chìa khóa xe vô một cái hộp để họ về lấy ra được là xong.

Nền tảng thành tín đó giúp cho mọi người sống mà không cần đề phòng người khác. Hay khi có ý đề phòng, họ sẽ phòng kẻ gian chứ không ai phòng thủ trước người ngay, nhất là với thầy cô của mình.

Trong trường trung học của con tôi ở Mỹ, khi mà các con vào trường, hội đồng học sinh và thầy cô đều nói rõ về việc phải trung thực. Trung thực và chánh trực là phẩm chất cốt yếu, là sự tử tế, là giá trị cốt tủy của ngôi trường có gần 120 năm này. Do đó đừng có bạn nào vô để phá hủy nó. Bởi vậy khi có học sinh không trung thực, thì hội đồng học sinh sẽ có hình thức kỷ luật. Nhẹ thì viết tự kiểm, quét sân trường, chạy vòng quanh trường. Nặng thì tham gia Eagle Challenge, tức là Cuộc thử thách của đại bàng ( biểu tượng của trường). Học sinh mắc sai phạm sẽ được hân hạnh vác balo leo núi trong 2 ngày, chịu đựng gian khổ với khoảng cách 30 km. Thầy cũng vác ba lô đi bộ theo để giám sát các con. Mục tiêu là cho các con hiểu được rằng cần thay đổi, cần sống cho đàng hoàng và tử tế.

Khi hết thuốc chữa, các con sẽ bị đuổi học. Hình phạt nặng nề nhất, sau khi đã có cuộc điều trần trước Hội đồng học sinh và toàn thể học sinh. Vì gian lận là không thể chấp nhận. Ngay cả việc nếu ai đó biết có bạn bè gian lận mà che giấu cũng là hành vi sai trái. Và cũng bị kỷ luật thích đáng.

Khi con tôi vào đại học Mỹ, trước mỗi môn học thầycô sẽ nói rõ về quy định của môn học, trong đó có việc không được phép gian lận. Vào kỳ thi, nếu phòng thi nhỏ thì chỉ có một giám thị. Nhưng phòng thi cỡ 200 sinh viên cùng thi sẽ có 5-6 giám thị. Sinh viên nào gian lận sẽ bị kỷ luật nặng nề, có thể cho nghỉ học và trong một số trường hợp sẽ được đưa ra tòa xử theo luật Mỹ.

Sự trung thực cần được gìn giữ trong học đường, như giữ sự trong sáng cho con ngươi của mắt mình. Khi thầy cô, thậm chí nhà quản lý giáo dục hàng đầu đã gian lận thi cử, mà không chỉ ở một nơi mà là hàng loạt nơi, thì không còn gì để nói.

Đó là đòn chí mạng đánh vào những thành quả tốt đẹp của giáo dục, khi nó đã rất mong manh. Vậy thì không phải như ông Lincoln mong con ông và học trò cần tôn kính thầy và không bao giờ dùng gian trá để lừa thầy phản bạn, mà giờ đây kêu gọi các thầy đừng gian trá để lừa học trò và phụ huynh. Và ngang nhiên lấy cắp tương lai của những con người yếu thế.

Một nỗi đau xót tê tái cho chúng ta.

Nguyễn Thị Bích Hậu
Bài về chủ đề giáo dục:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ