Tôi nghe như vầy...

Đức Phật dạy niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật, niệm Pháp là sống đúng như Pháp, tu tập đúng như Pháp, chứ không phải tụng kinh, niệm Tăng là sống hoà hợp như chúng tăng, không chống trái nhau, chứ không phải trai tăng, cúng dường, lạy lễ các chư tăng, để cầu phước báu, niệm giới là sống đúng phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật, và không phạm lỗi nhỏ nào, chứ không phải hàng tháng ngày rằm mùng một cùng nhau tụng giới...

Đạo Phật là một tôn giáo tự lực. Người muốn đi theo con đường chân chính của Đạo Phật thì phải thấu rõ đời sống của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết toàn là một cuộc sống khổ, khổ như thật vì thân tâm của mình mang đầy những phiền não tham sân si, khổ vì mọi người sống chung với mình không hiểu mình tư tưởng không đồng nhau, khổ vì mưu sinh phải vất vả gian nan.


Biết và hiểu đúng nỗi khổ như vậy thì mới chọn con đường tu hành của đạo Phật, nếu không thấy khổ như thật còn thấy nó có hạnh phúc, có an lạc sung sướng thì không nên chọn con đường tu hành của đạo Phật. Tại sao vậy? Vì con đường tu hành của đạo Phật là con đường đi ngược lại với cuộc sống của đời người, con đường tu hành của đạo Phật là phải tự lực, tự dùng sức của mình luôn phải trao dồi thân tâm, rèn luyện tu tập xả bỏ những tâm niệm đầy tham muốn và các ác pháp đang vây quanh.

Khi muốn xả bỏ như vậy thì chúng ta không những gan dạ, kiên trì chịu đựng kham nhẫn mà còn phải đầy đủ nghị lực dứt bỏ những thói hư tật xấu, chứ không phải vào chùa cúng bái cầu khẩn, van xin nhờ tha lực chư Phật chư Bồ tát gia hộ trợ lực cứu khổ cứu nạn giải thoát các khổ đau tai ương bệnh tật v.v... hay phóng hào quang tiếp độ vong hồn người chết về cõi Cực lạc Tây phương, và cũng không phải tu hành bằng cách tụng kinh, niệm Phật, niệm chú để có thần thông pháp thuật v.v... hay để cầu chúng sinh về Cực lạc Niết Bàn bằng những tha lực của chư Phật, chư Bồ tát.

Muốn tu theo Đạo Phật để thoát những khổ đau của kiếp làm người thì phải dùng sức lực của chính mình, chứ không phải tha lực khác như các kinh sách phát triển dạy.

Đọc một số kinh sách nguyên thuỷ, chúng ta thấy Phật dạy tu hành bằng những pháp môn tự lực hầu hết không có một bài pháp nào dạy tu tập cầu tha lực, chỉ có kinh sách phát triển của Đại thừa mới có dạy tu tha lực mà thôi, niệm Phật cầu vãng sanh, kinh sách nguyên thuỷ Phật cũng có dạy tứ bất hoại tịnh (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới).

Đức Phật dạy niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật; niệm Pháp là sống đúng như Pháp, tu tập đúng như Pháp, chứ không phải tụng kinh; niệm Tăng là sống hoà hợp như chúng tăng, không chống trái nhau, chứ không phải trai tăng, cúng dường, lạy lễ các chư tăng, để cầu phước báu; niệm Giới là sống đúng phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật, và không phạm lỗi nhỏ nào, chứ không phải hàng tháng ngày rằm mùng một cùng nhau tụng giới, nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các học giả kiến giải theo nghĩa rằng:

Niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu: Nam mô Bổn sư Thích Ca mâu ni Phật hay Nam mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Niệm như vậy là niệm theo Phật giáo phát triển, không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây Đức Phật dạy niệm là tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó mà thực hiện sống và tu học đúng như Phật, như Pháp, như Chúng tăng và như Giới luật đã dạy như vậy thì mới có giải thoát thật sự.

(Còn tiếp)

Trương Sỏi

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ