Bạn có biết: Nhà mồ giữa Thành phố

Có một nhà mồ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, mà không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ. Trên cửa nhà mồ, ghi dòng chữ Latinh: “Miseremini mei saltem vos amici mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Hàng chữ nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ XIX: Trương Vĩnh Ký. Nhà mồ có ba cổng, phía trên đều khắc các câu Kinh Thánh bằng tiếng Latin. Cổng chính khắc dòng chữ “Fons vitae eruditio possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó).
Có một nhà mồ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, mà không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ.

Trên cửa nhà mồ, ghi dòng chữ Latinh: “Miseremini mei saltem vos amici mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi).

Hàng chữ nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ XIX: Trương Vĩnh Ký.

Mộ học giả Trương Vĩnh Ký ở giữa, vợ con hai bên là ba phiến đá lát phẳng với nền nhà mồ.
Mộ học giả Trương Vĩnh Ký ở giữa, vợ con hai bên là ba phiến đá lát phẳng với nền nhà mồ.

Nhà mồ có ba cổng, phía trên đều khắc các câu Kinh Thánh bằng tiếng Latin. Cổng chính khắc dòng chữ “Fons vitae eruditio possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó).
Nhà mồ có ba cổng, phía trên đều khắc các câu Kinh Thánh bằng tiếng Latin. Cổng chính khắc dòng chữ “Fons vitae eruditio possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó).

◪ Lặng lẽ bên đường

Lách cách mở ổ khóa đã hoen gỉ ở cửa nhà mồ, ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, ngậm ngùi: “Lâu lắm rồi mới có khách đến viếng!”

Chúng tôi nhẹ bước qua những chiếc lá vàng khô bị gió cuốn bay vào nhà mồ, mà ngẩn ngơ nhìn thực tế khác nhiều với điều mình hình dung. Nền bằng phẳng, không một gò đất, công trình nào nhô lên như những nấm mộ thường hay nhìn thấy. Dưới ánh chiều đang sậm dần, phải nhìn kỹ mới thấy ba phiến đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài gần 2m được lát bằng phẳng mà mới nhìn cứ tưởng là nền nhà mồ. Ông Đạt bùi ngùi: “Các ông nhà tôi yên nghỉ dưới đấy!”

Dưới phiến đá trắng đã ngả màu vàng nhạt, nơi Trương Vĩnh Ký yên nghỉ, ở giữa người vợ Vương Thị Thọ và con trai cả Trương Vĩnh Thế. Sinh thời Trương Vĩnh Ký đã nổi danh. Và hơn một thế kỷ trôi qua bao ngòi bút ngược xuôi vẫn còn rỏ mực về ông, nhưng bia mộ lại chỉ vài dòng ngắn ngủi. Nó được khắc ngay trên phiến đá làm nắp mộ với vài dòng danh phận người yên nghỉ: J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký. Chữ Pháp đầu dòng không phải tên Tây của ông mà là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Cái Mơn, Bến Tre. Bia mộ không ghi năm ông sinh (06-12-1837), nhưng khắc rõ ông mất ngày 1-9-1898. Trang trí mộ bia cũng giản dị với hình một cành lá, không hoa bao quanh.

Mất sau chồng đến chín năm, nhưng bia mộ bà Vương Thị Thọ lại bị thời gian làm phai mòn nhiều hơn. Bà yên nghỉ dưới phiến đá màu nâu đỏ đã ngả màu sậm có nhiều vết nứt, vỡ cùng năm tháng. Lau lớp bụi thời gian, ông Đạt ngậm ngùi kể mình 58 tuổi. Từ nhỏ, ông đã được cha là Trương Vĩnh Thạnh dặn dò phải gìn giữ nhà mồ các cố để hậu sinh truyền đời tưởng nhớ, nhưng không thể ngăn được sự tàn phá của thời gian và bao biến động thời cuộc.

Giữ đúng đạo “xuất giá tòng phu” xưa, dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá. Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại của thời gian. Trong gia phả dòng họ, Trương Vĩnh Thế là anh cả ông nội Trương Vĩnh Tống của ông Trương Minh Đạt, hiện đang sống ở đây để gìn giữ nhà mồ. Sinh thời, ông Thế làm quan đốc phủ sứ mà dòng chữ khắc trên bia vẫn còn rõ nét.

Ông Đạt trầm ngâm: “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”. Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân cụ cố Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng ximăng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Thời ấy, phải vật vã kiếm miếng ăn, anh em ông Đạt đã bỏ nhiều ngày lang thang các khu “chợ trời” vỉa hè để tìm chuộc lại nhưng cuối cùng đành gạt nước mắt về không. Họ nghĩ có lẽ kẻ gian phát hiện tượng ximăng, không phải kim loại quý, đã đập mất rồi!

Hiện nay, toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2. Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà ngói cổ được xây từ năm 1937 đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt. Mang nét kiến trúc Pháp với nhiều cửa, cột, vòm cong, nhà mồ Trương Vĩnh Ký rộng khoảng 50m2, trang nhã với các chi tiết nhẹ nhàng nhưng tinh tế.

◪ Thiên tài và định mệnh

Theo chân ông Đạt, tôi trở ra đường Trần Hưng Đạo. Cảm giác bùi ngùi khi chẳng thể tìm được tấm bảng nào chỉ dẫn đây là nơi Trương Vĩnh Ký - người Việt đã được vinh danh một trong 18 nhà thông thái thế giới, sử dụng thành thạo 26 ngôn ngữ - yên nghỉ. Bên góc cổng, người anh Trương Minh Tấn của ông Đạt đang cặm cụi với quán cà phê kiếm sống qua ngày. Gương mặt ông Tấn hằn nét khắc khổ, già hơn tuổi 68. Nhắc chuyện xưa, ông Tấn tràn ngập ký ức: “Hồi tôi còn nhỏ, đường này thưa thớt lắm, bên đây nhìn thấy con kênh đào ven đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ. Thuở đó, kênh vẫn còn trong xanh và là nơi ông cố Trương Vĩnh Ký dựng nhà mát bên sông để đọc sách, dạy học trò”.

Khi anh em ông Tấn, ông Đạt chào đời, Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ. Ký ức hai anh em được ông nội Trương Vĩnh Tống (con trai thứ Trương Vĩnh Ký) truyền kể rằng nhà mồ nằm bên đại lộ Gallieni nay là đường Trần Hưng Đạo. Vùng đất ngày xưa còn gọi Chợ Quán này là quê vợ Trương Vĩnh Ký. Còn nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Cái Mơn, Bến Tre.

Là con trai lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu, Trương Vĩnh Ký sớm mồ côi khi cha đi công vụ ở Cao Miên.

Trong gia đình có đạo, tuổi thơ Trương Vĩnh Ký sớm thăng trầm khi triều Nguyễn ra lệnh “sát tả” ngăn chặn Thiên Chúa giáo. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký học chữ Nho với thầy đồ, và ông chỉ lộ rõ thiên tài khi được các linh mục Pháp dạy học.

Đặc biệt là ở chủng viện Penang (Malaysia), ông đã làm cả thầy lẫn bạn học khâm phục sự đam mê đọc sách cùng trí nhớ siêu việt và khả năng học nhanh chóng cùng lúc nhiều ngoại ngữ khó như Latin, Hy Lạp, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thái Lan.

Nhờ vậy mà nghiệp bút của Trương Vĩnh Ký đã đạt kỷ lục khoảng 120 cuốn sách gồm đủ các lĩnh vực, đặc biệt là các sách đạo làm người, từ điển Pháp - Việt...

Chân dung học giả uyên bác Trương Vĩnh Ký trên một bìa sách bị chặn lại vì chế độ kiểm duyệt của CS.
Chân dung học giả uyên bác Trương Vĩnh Ký trên một bìa sách bị chặn lại vì chế độ kiểm duyệt của CS.

Và rồi định mệnh như an bài với Trương Vĩnh Ký. Chính thiên tài ngoại ngữ, tri thức sâu rộng nhờ đọc sách, đi xa đã cuốn ông vào vòng xoáy lịch sử chênh vênh, phức tạp trong thời cuộc nước nhà bị Pháp tiến chiếm. Trở thành thông ngôn cho Pháp, rồi cho cả sứ bộ triều đình, phải kề cận kẻ đô hộ lẫn gần gũi chính nhà vua nước mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời nhìn nhận ngược xuôi công tội.

Để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, chính ông phải cảm thán viết bài thơ đầy nỗi niềm:

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai 
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời 
Học thức gửi tên con sách nát 
Công danh rốt cuộc cái quan tài 
Dạo hòn lũ kiến men chân bước 
Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài 
Cuốn sổ bình sanh công với tội 
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Quốc Việt 📋 Cuốn sách mang tựa đề “Trương Vĩnh Ký: Nỗi Oan Thế Kỷ” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ biên, là một công trình công phu tập họp các bài viết của nhiều tác giả xưa và nay, đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và được phép lưu hành. Các nhà xuất bản gồm công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức buổi ra mắt tác phẩm này tại Đường Sách Sài Gòn vào sáng Chủ Nhật ngày 8 Tháng Giêng 2017. Tuy nhiên vào phút chót, buổi ra mắt sách dự trù đó đã bị hủy bỏ bằng một “lệnh miệng”.

Trong các tài liệu giáo dục hiện nay, nhà bác học Trương Vĩnh Ký chỉ là “một kẻ tay sai của thực dân Pháp”. Ngôi trường trung học nổi tiếng nổi tiếng một thời ở Sài Gòn, là trường Petrus Trương Vĩnh Ký, đã bị đổi tên thành Lê Hồng Phong. Cuốn sách là một nỗ lực khôi phục lại danh dự của nhà bác học này. Và nỗ lực đó đã bị chặn lại một cách rất khuất tất và vô lý.

Bài về chủ đề Du lịch-Khám phá:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ