Những cái bệnh của thầy cô Việt Nam

Có lẽ không có một ngành nghề nào mà người làm nghề không muốn được người khác nhớ đến và tôn vinh cả. Nghề giáo trong xã hội Việt Nam từ trước tới nay vẫn được xem là một trong những nghề cao quý và rất đáng kính trọng mặc dù có thể cuộc sống người làm nghề giáo chưa chắc gì đã ổn định về mặt kinh tế. Vì thế, ngày 20-11, ngày Nhà Giáo Việt Nam, đối với nhiều giáo viên là đặc biệt quan trọng vì đó là ngày họ cảm thấy tự hào vì nhận được những món quà và những lời chúc tụng của học trò. Là một giáo viên, tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đây là ngày tôi luôn nghĩ về trách nhiệm của mình và những người đồng nghiệp để xem thực sự mình có xứng đáng với những sự ưu đãi và tôn vinh như thế không. Năm 2018 là năm phải nói là rất nhiều chuyện đáng buồn về giáo dục hơn là chuyện đáng tự hào. Tôi hi vọng những đồng nghiệp của tôi, những người yêu nghề và có tâm huyết với nghề, bỏ một ít thời gian để đọc bài viết này của tôi và nhìn lại bản thân mình. Source: fb.com/barry.gibson.142/posts/10156310444432017
Những cái bệnh của thầy cô Việt Nam
Những cái bệnh của thầy cô Việt Nam

Có lẽ không có một ngành nghề nào mà người làm nghề không muốn được người khác nhớ đến và tôn vinh cả. Nghề giáo trong xã hội Việt Nam từ trước tới nay vẫn được xem là một trong những nghề cao quý và rất đáng kính trọng mặc dù có thể cuộc sống người làm nghề giáo chưa chắc gì đã ổn định về mặt kinh tế. Vì thế, ngày 20-11, ngày Nhà Giáo Việt Nam, đối với nhiều giáo viên là đặc biệt quan trọng vì đó là ngày họ cảm thấy tự hào vì nhận được những món quà và những lời chúc tụng của học trò. Là một giáo viên, tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đây là ngày tôi luôn nghĩ về trách nhiệm của mình và những người đồng nghiệp để xem thực sự mình có xứng đáng với những sự ưu đãi và tôn vinh như thế không. Năm 2018 là năm phải nói là rất nhiều chuyện đáng buồn về giáo dục hơn là chuyện đáng tự hào. Tôi hi vọng những đồng nghiệp của tôi, những người yêu nghề và có tâm huyết với nghề, bỏ một ít thời gian để đọc bài viết này của tôi và nhìn lại bản thân mình.

Hồi tôi còn nhỏ, ba tôi đặc biệt ghét nghề giáo viên. Ông thường hay nói với tôi một cách mỉa mai rằng người Quảng Đông có một câu: “Bất cùng bất giáo thư” (không nghèo mạt rệp thì không đi dạy). Ông thường bảo tôi sau này muốn làm gì thì làm miễn sao đừng làm thầy giáo. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng chắc ba tôi coi thường nghề giáo mà trọng việc buôn bán vì nghề giáo thì nghèo còn làm ăn buôn bán thì mau giàu (Phi thương bất phú). Lớn lên khi tôi chọn ngành sư phạm khi du học ở Mỹ, ba tôi nổi giận đùng đùng chửi mắng tôi thậm tệ là tôi nên ở Việt Nam chứ đừng qua Mỹ học như vậy phí phạm tiền bạc. Chịu hết nổi, tôi cãi lại ba tôi hỏi con đi dạy thì có gì sai, chẳng lẽ ba muốn con đi bán chợ trời như ba thì ba mới vừa lòng. Cha con tôi giận nhau một thời gian rất dài và sau này khi nói chuyện lại với nhau, ông đôi khi vẫn mỉa mai việc đi dạy của tôi bằng cái câu mà tôi ghét nhất “Bất cùng bất giáo thư”.

Có lần tôi hỏi thẳng ba tôi đòi ông giải thích cho tôi nghe tại sao ông lại ghét nghề giáo đến như vậy. Ba tôi nói vì lúc đi học ông thấy quá nhiều chuyện không đúng của những người làm thầy làm cô và vì thế ông không phục. Ba tôi lúc trước học trường người Hoa ở Chợ Lớn tới khi lên tú tài mới học chương trình Việt. Ông kể hồi học trường Tàu, có những thầy giáo gặp phụ huynh giàu thì bợ đỡ nịnh hót, gặp phụ huynh nghèo thì coi thường (lúc đó chưa có ngày 20/11 nhưng các trường dạy tiếng Hoa chọn ngày sinh Khổng Tử làm ngày tri ân thầy cô), gặp học sinh thì ra oai chửi mắng đánh đập nhưng đứng trước hiệu trưởng thì khúm núm rụt rè. Có người dạy học sinh nhân nghĩa lễ trí tín nhưng mượn tiền đồng nghiệp cờ bạc không trả phải bỏ trốn. Có người dạy môn cách trí (khoa học thường thức) nhưng bản thân lại không giữ vệ sinh, người ốm yếu hom hem lại hút thuốc tới nỗi móng tay và răng vàng ố. Sang trường Việt thì ông mặc cảm vì tiếng Việt mình không sõi nên bị kỳ thị. Ông nói có những giáo viên đì những học sinh mình ghét cho điểm thật thấp mặc dù biết như vậy có thể khiến những học sinh đó không đậu được tú tài thì phải ra trận. Học tiếng Anh trung tâm thì giáo viên dạy tiếng Anh có gia đình đi dụ dỗ nữ sinh cho tới có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm. Chính vì vậy mà ông rất ác cảm với nghề giáo viên. Cách nhìn của ba tôi tuy khá phiến diện và cực đoan nhưng nó không phải không có cái lý của nó. Nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Trước khi là một giáo viên tôi cũng từng là một học sinh và cũng từng có nhiều thầy cô khác nhau, có người tôi hết sức kính trọng và biết ơn nhưng cũng có những người tôi cũng rất khinh và căm ghét. Tôi có may mắn được học ở Mỹ mấy năm trời nên có thể so sánh được giáo viên Việt Nam và giáo viên Mỹ về cả trình độ lẫn tư cách và tác phong. Làm việc trong môi trường dạy học hơn mười năm, tôi cũng từng tiếp xúc với đủ loại giáo viên thượng vàng hạ cám. Không thể phủ nhận rằng giáo viên Việt Nam có những người rất yêu nghề và rất thương học trò nhưng điều đáng buồn là con số này càng ngày càng ít dần. Những thế hệ giáo viên trẻ có tâm và có trình độ ngày càng hiếm hoi vì họ xem nghề dạy học là một cần câu cơm không hơn không kém. Qua tiếp xúc với những học viên của mình, tôi nghe được đủ thứ chuyện về sự tắc trách và vô lương tâm của các thầy cô dạy phổ thông cho tới các giáo viên dạy trung tâm mà cảm thấy vừa xấu hổ vừa đau lòng. Giáo viên Việt Nam nói chung không ít thì nhiềucó một số tật xấu sau mà tôi nói ra chắc chắn sẽ làm chạm tới nhiều người nhưng tôi vẫn phải nói. Hi vọng nếu bạn là một giáo viên có tâm, hãy dẹp bỏ tự ái sang bên để suy nghĩ và thay đổi:

◪ 1. Trình độ kém nhưng lại lười học hỏi: Giáo viên Việt Nam hiện nay trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm và cả thường thức xã hội đều kém. Tôi có cảm giác các bạn giáo viên trẻ chỉ học đủ những gì cần dạy mà không tìm tòi học hỏi thêm trong khi điều kiện học bây giờ phong phú hơn lúc trước gấp ngàn lần. Tôi từng dự giờ những giáo viên dạy sai kiến thức cơ bản trầm trọng, phát âm sai nhưng không hề ý thức được điều đó nói chi là sửa. Có những giáo viên dạy lâu năm bị tôi hỏi một số câu chuyên sâu thì cứng họng chứng tỏ bao nhiêu năm chỉ nhai đi nhai lại mớ kiến thức cũ mà ngay cả chính mình cũng không hiểu. Đối với tôi, một giáo viên không những phải vững vàng về chuyên môn mà còn phải luôn tìm tòi học hỏi làm tấm gương cho học sinh của mình noi theo. Một giáo viên lười biếng thì làm sao khuyến khích học sinh học được.

◪ 2. Thiếu công bằng với học sinh: Là con người, ai cũng có sự thiên vị và tư tình. Giáo viên cũng là con người nên chuyện thích một học sinh ngoan hiền học giỏi hơn một học sinh quậy phá lười biếng là chuyện bình thường. Nhưng sự chuyên nghiệp của một giáo viên không cho phép người thầy người cô phân biệt đối xử nâng đỡ hoặc trù dập học sinh một cách lộ liễu hoặc vì phụ huynh quà cáp mà chiếu cố học sinh này hơn học sinh kia. Chuyện trù dập học sinh vì không đi học thêm hoặc không “biết điều” khiến hình ảnh giáo viên xấu đi trong mắt học sinh. Đừng nghĩ rằng mình là thầy là cô thì học sinh phải sợ phải phục. Bạn có thể bắt học sinh phục tùng ngoài mặt nhưng không thể cấm các em khinh thường bên trong vì cách đối xử bất công của mình.

◪ 3. Bệnh thành tích trầm trọng: Khi điểm số, thành tích và các thể loại thi đua lên ngôi thì nền giáo dục mất đi giá trị của nó. Đáng tiếc là bên cạnh cha mẹ, thầy cô là người tiếp tay cho tệ nạn này. Nhiều giáo viên sợ mất thi đua nên buộc các học sinh yếu sang lớp khác trong tiết dự giờ hay sửa điểm cho cả lớp ai cũng khá giỏi để biết bao thế hệ học sinh “khá, giỏi” trên giấy tờ trở nên ngu dốt trong thực tế. Theo tôi, đây là tội nặng nhất vì nó hủy hoại những thế hệ tương lai.

◪ 4. Thích sử dụng quyền uy và bạo lực: Một bé học sinh lớp bốn tâm sự với tôi cô giáo chủ nhiệm chập hai cây thước lại đánh cả lớp tới mức bốn mươi mấy học sinh đều xem chuyện đó là chuyện thường tình, không đánh mới là lạ. Đánh đập, bắt quỳ, bắt tự vả miệng hoặc dùng những lời lẽ thiếu văn hóa thiếu sư phạm để chửi bới học sinh gần như chuyện thường ngày ở huyện. Có những video clip được tung lên mạng quay cảnh thầy giáo lao vào đánh học sinh như kẻ thù hoặc cô giáo mày tao với học sinh và văng tục khiến tôi thực sự tức giận. Đó không phải là cách cư xử giữa người với người chứ đừng nói là giữa người được gọi là thầy là cô.

◪ 5. Tự cao tự đại: Tôi không biết trên thế giới có xứ sở nào mà giáo viên vào lớp không giảng bài mấy tháng trời chỉ mà cảm thấy lương tâm không cắn rứt như ở Việt Nam hay không? Tôi cũng không biết có giáo viên ở đâu lại có thể xúc phạm học sinh vì cha mẹ của em đó là người lao động tay chân như ở Việt Nam hay không? Lúc trước khi còn học đại học ở Việt Nam, có lần tôi tranh luận một cách lịch sự với một giảng viên khá trẻ và khi giảng viên này đuối lý thì quay ra bảo: “Em không có tư cách nói chuyện với tôi” và dọa đuổi học tôi. Trong khi ở Mỹ, các giáo sư dạy tôi rất giỏi nhưng họ vẫn rất kiên nhẫn và lịch sự trả lời những câu hỏi nhiều lúc rất bá láp bá xàm của sinh viên mà không hề nổi nóng hay tỏ ra tự ái coi thường người khác. Đâu phải mình được làm thầy làm cô người khác rồi có quyền tự cao tự đại coi thường học sinh của mình.

◪ 6. Nhu nhược và thờ ơ: Tôi hiểu các giáo viên dạy trường công chịu cảnh trên đe dưới búa áp lực đủ thứ buộc không dám like, không dám comment gì đến những tin tức liên quan đến xã hội hay chính trị nhưng hèn nhát hoặc thờ ơ tới mức ra ngoài cũng không dám nói không dám bàn hoặc hoàn toàn mù tịt tình hình thì nói thẳng họ không đủ tư cách làm giáo viên. Sau này tôi hủy kết bạn với rất nhiều những giáo viên dạy tiếng Anh đồng nghiệp ở các trung tâm khi trên facebook của họ chỉ toàn hình ăn chơi du lịch xem phim trà sữa nhưng tuyệt đối lảng tránh những vấn đề liên quan đến thực trạng cuộc sống hoặc sai trái trong lĩnh vực giáo dục văn hóa. Đối với tôi, họ chỉ là những kẻ đi bán chữ lấy tiền chứ không phải là những người thầy người cô chân chính.

“Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”, các bạn đồng nghiệp ai cảm thấy tôi nói quá đáng thì cứ unfriend hoặc block tôi cũng được nhưng nếu các bạn thực sự trân trọng nghề nghiệp và yêu quý nghề nghiệp của mình, hãy suy nghĩ và thay đổi để chúng ta có thể thanh thản lương tâm và tự hào đón nhận những lời chúc tụng hoặc những món quà trong ngày nhà giáo.

Huỳnh Chí Viễn

Bài về chủ đề Giáo dục:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ