Đầu năm nói chuyện “ế”

Có đôi có cặp là một nhu cầu hết sức tự nhiên của muôn loài chứ không riêng gì loài người. Con người, việc tìm cho mình một nửa còn lại, ngoài nhu cầu về mặt sinh học còn nhằm để thỏa mãn nhu cầu về tâm lý xã hội học. Đó là cảm giác tự tin hơn khi được sánh bước ngoài đường bên cạnh nhưng cặp đôi khác hoặc thậm chí là tự hào sung sướng khi người bên cạnh mình là một người nổi trội hơn người khác về nhan sắc, tài năng hay khả năng tài chính. Những dịp lễ tết thì nhu cầu này càng thôi thúc hơn vì không ai muốn chỉ có một mình để trải qua những khoảnh khắc đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần. Sở dĩ tôi phải nói dông dài như vậy là vì tôi muốn khẳng định rằng nhu cấu có người yêu là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng, không có gì sai lầm hoặc đáng chê trách cả.
Source: fb.com/barry.gibson.142/posts/10156422044322017
Đầu năm nói chuyện “ế”
Đầu năm nói chuyện “ế”

Có đôi có cặp là một nhu cầu hết sức tự nhiên của muôn loài chứ không riêng gì loài người. Con người, việc tìm cho mình một nửa còn lại, ngoài nhu cầu về mặt sinh học còn nhằm để thỏa mãn nhu cầu về tâm lý xã hội học. Đó là cảm giác tự tin hơn khi được sánh bước ngoài đường bên cạnh nhưng cặp đôi khác hoặc thậm chí là tự hào sung sướng khi người bên cạnh mình là một người nổi trội hơn người khác về nhan sắc, tài năng hay khả năng tài chính. Những dịp lễ tết thì nhu cầu này càng thôi thúc hơn vì không ai muốn chỉ có một mình để trải qua những khoảnh khắc đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần. Sở dĩ tôi phải nói dông dài như vậy là vì tôi muốn khẳng định rằng nhu cấu có người yêu là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng, không có gì sai lầm hoặc đáng chê trách cả.

Tuy nhiên, việc chọn cho mình một nửa còn lại là một vấn đề hết sức nghiêm túc và cần được cân nhắc một cách cẩn thận vì xét cho cùng, người đó dù ít dù nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn cho dù bạn và người đó có duyên nợ gắn kết với nhau cả đời hay không. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Khi yêu, ai cũng mong có được một cái kết đẹp như chuyện cổ tích nhưng trên thực tế là không phải cặp đôi nào cũng có được một happy ending. Nếu bạn nghĩ rằng hai người yêu nhau mà không đến được với nhau là tồi tệ thì có thể bạn là người theo chủ nghĩa lãng mạn hoặc đọc quá nhiều tiểu thuyết diễm tình. Trên thực tế, những cặp vợ chồng sống chung trong mâu thuẫn và ly hôn chịu những cú sốc về tinh thần và nhiều hậu quả nặng nề hơn nhiều so với những cặp đôi chia tay trước khi kết hôn vì họ phải giải quyết rất nhiều vấn đề chung liên quan về tài sản, công việc và con cái ngay cả khi không còn sống chung với nhau. Việc tìm lại cho mình một hạnh phúc mới sau khi ly hôn cũng khó khăn hơn rất nhiều so với những người trải qua vài mối tình dang dở nhưng chưa dính vào hôn nhân.

Chính vì hiểu rõ điều này mà người phương Tây cân nhắc rất kỹ về việc kết hôn. Và cũng chính vì hiểu rõ những hệ lụy không hề đơn giản của một cuộc hôn nhân thất bại mà người phương Tây tách bạch giữa việc hẹn hò yêu đương và hôn nhân gia đình. Giới trẻ phương Tây thường trải nghiệm chuyện yêu đương khá sớm, thường là ở tuổi trung học nhưng lại kết hôn khá muộn, thường là trên 25 tuổi hoặc thậm chí là trên 30 tuổi cho cả nam lẫn nữ. Trong quan niệm của phương Tây, việc hẹn hò yêu đương cũng như những trải nghiệm tình dục là điều tất yếu của tuổi trưởng thành bên cạnh những việc khác như học tập, chọn trường đại học, có những sở thích cá nhân hoặc tham gia vào những tổ chức xã hội nào đó. Nhưng việc hẹn hò ở tuổi trung học hoặc đại học thậm chí là sau khi tốt nghiệp đều không đồng nghĩa với chuyện hôn nhân vì họ hiểu rằng tâm lý con người sẽ thay đổi sau khi ra trường và đi làm cũng như khi gặp gỡ những người khác hấp dẫn hơn đối tượng hiện tại của mình. Một điều nữa quan trọng không kém là người phương Tây hiểu được kết hôn là sẵn sàng gánh những trách nhiệm về tài chính, phân công lao động trong gia đình và nuôi dạy con cái vì luật bất thành văn trong xã hội phương Tây là người đã có gia đình không được quyền sống bám hoặc nhờ vả vào cha mẹ hay anh chị em của chính mình. Vì thế chỉ khi nào họ cảm thấy mình đủ chín chắn để gánh vác trách nhiệm và quan trọng hơn nữa là người mình chọn cũng có cùng suy nghĩ với mình về những vấn đề quan trọng nói trên, họ mới nghĩ tới chuyện lập gia đình. Đối với người của những xã hội tiến bộ, khái niệm “ế” là một khái niệm gần như không tồn tại vì xét cho cùng việc lập gia đình là quyết định hoàn toàn mang tính cá nhân và nó được xã hội tôn trọng.

Trong khi đó ở Việt Nam, khái niệm “ế” là một khái niệm lỗi thời nhưng lại tồn tại và tạo nên một áp lực rất lớn đối với rất nhiều bạn trẻ trong xã hội ngày nay cũng như những áp lực vô lý về điểm số, chuyện học đại học và chuyện đi làm. Nếu đứng ở góc độ hành vi xã hội học thì cái áp lực về chuyện “ế” của chúng ta là hết sức phi lý và phản khoa học. Này nhé, cha mẹ Việt Nam phần lớn cấm tuyệt con cái mình hẹn hò hoặc có những thắc mắc chính đáng về chuyện tình dục với lý do là để cho con cái chuyên tâm học hành. Có nhiều trường hợp lên đại học rồi vẫn không được quyền tự do yêu đương vẫn với lý do là con tôi còn nhỏ lắm, chưa có công ăn việc làm nên cần phải tập trung học tới khi tốt nghiệp đại học cái đã. Những phụ huynh thoáng hơn cho phép con cái yêu đương khi lên đại học thì vẫn giữ một niềm tin hết sức giả dối là con tôi ngoan lắm, nó đi chơi với bạn trai hay bạn gái luôn về nhà trước 10 giờ chứ không bao giờ dám qua đêm. Còn đi chơi thì chỉ đi những chỗ trong sáng như cà phê, trà sữa, ăn uống, xem phim chứ chẳng bao giờ vào những chỗ “bậy bạ” như mini hotel hay nhà nghỉ. Đây quả thực là hành động “bịt tai trộm chuông” tự đánh lừa mình rằng cứ nhét bông vào tai thì không còn nghe được tiếng chuông nữa. Tôi tự hỏi có bao nhiêu bậc phụ huynh ở Việt Nam khi biết được con có người yêu chịu dành thời gian để nói chuyện với con một cách nghiêm túc về việc cả hai phải nuôi dưỡng tình yêu như thế nào, dạy cho con biết những trở ngại hoặc thử thách mà mình từng trải qua, hướng dẫn cho con những nguyên tắc căn bản về tình dục an toàn (đừng bảo rằng điều này không cần thiết vì bọn trẻ ngày nay hầu hết đều tìm hiểu về sex qua mạng internet vì những bộ phim hoặc truyện khiêu dâm trên các trang web đen là tình dục không an toàn và lệch lạc, không giúp bảo vệ cho các bạn trẻ), trách nhiệm đối với bản thân và đối với bạn trai/bạn gái khi yêu, các quy tắc ứng xử văn minh khi yêu cũng như khi chia tay và thậm chí là cách đối diện và vượt qua những cú shock về tâm lý khi chia tay. Tất cả những điều đó đều là hết sức cần thiết và cần phải được học tập một cách nghiêm túc vì nó thậm chí còn quan trọng hơn cả những môn học vô bổ ở trường hợp mà các em phải học. Đáng tiếc là những điều này hoàn toàn bị bỏ qua và lảng tránh.

Khi các sinh viên đại học ra trường vừa chân ướt chân ráo tìm được một công việc đầu đời chưa có gì gọi là ổn định thì lạ lùng thay các bậc cha mẹ lại hối thúc con mình phải lập gia đình vì sợ chúng bị ế. Những bạn trẻ chưa có người yêu lập tức bị dòng họ cô dì chú bác hối thúc đi tìm người để yêu như thế người yêu có thể ra đường nhặt về vậy. Còn những cặp đã yêu nhau thì thế nào cũng sẽ gặp áp lực ép cưới. Nhưng nếu lỡ có cặp nào cả gan thưa với cha mẹ hoặc dòng họ rằng hai đứa muốn sống thử với nhau vài năm trước khi cưới xem có hợp với nhau không thì lập tức sẽ bị xem như thứ con cái hư hỏng mất nết, cưới xin đàng hoàng thì không chịu mà thích sống với nhau không giá thú bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ. Hoàn toàn không có một ý kiến nào cho rằng việc sống thử là cần thiết để giảm thiểu rủi ro ly hôn nếu không hạnh phúc khi sống chung với nhau. Các bậc cha mẹ Việt Nam mặc nhiên cho rằng yêu là phải cưới và thường thì những buổi hẹn hò đi chơi trong mấy năm đại học là đã đủ cho hai trẻ tìm hiểu nhau để đi tới quyết định quan trọng nhất đời mình rồi.

Thế rồi đôi trẻ ăn chưa no lo chưa tới hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về trách nhiệm chung lên xe hoa về chung nhà với những mơ mộng hão huyền về một cuộc hôn nhân màu hồng hoặc để làm vui lòng cha mẹ mặc dù thâm tâm mình chưa cảm thấy cần phải cưới. Có nhiều cặp yêu nhau lâu năm phát hiện ra quá nhiều điểm không hợp rất muốn chia tay nhưng vẫn phải cưới do áp lực của gia đình. Phần lớn các cặp mới cưới sống với gia đình nhà chồng nơi mà người vợ trẻ được cha mẹ dạy là phải biết bổn phận làm dâu đối với gia đình nhà chồng còn người chồng trẻ thì hiếm khi được dạy là phải chia sẻ công việc nhà hay gánh vác trách nhiệm với vợ. Hoặc nếu có dọn ra riêng thì căn nhà của hai vợ chồng cũng là tiền của bố mẹ hai bên cho mua chứ hiếm khi nào là tiền của hai vợ chồng để dành đủ để mua nhà. Sau khi cưới xong, hai vợ chồng trẻ thường sẽ xảy ra nhiều xung đột vì không ai lường trước được những khó khăn mâu thuẫn khi ở chung và ai cũng muốn giữ nếp sống cũ trước khi kết hôn. Tôi chứng kiến nhiều cặp vợ chồng trẻ sau giờ tan sở vợ thì đi spa làm đẹp hoặc mua sắm với bạn bè còn chồng thì đi nhậu hoặc về nhà chơi điện tử. Khi đứa con ra đời trách nhiệm chồng chất, hai vợ chồng bắt đầu quay ra trách móc nhau, xem nhau như là những cục nợ. Đến khi ở với nhau không được thì ly hôn để lại những đứa con thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ. Đó là một sự vô minh và vô trách nhiệm của những kẻ chỉ biết làm theo những thói quen xã hội lỗi thời nhưng không đủ khả năng làm chủ cuộc sống của mình.

Tôi luôn nhắc nhở các bạn học viên và nhân viên của tôi có sự suy nghĩ sáng suốt và chín chắn về các mối quan hệ tình cảm của mình nhất là nếu có ý định nghĩ tới việc tiến đến hôn nhân với một người. Trước hết các bạn cứ trải nghiệm với tình yêu một cách đúng nghĩa nhưng phải có trách nhiệm với những gì mình đang làm. Tìm hiểu và thực hành tình dục an toàn là điều tối cần thiết. Các bạn trẻ hiện nay có quyền tự do trải nghiệm về tình dục nhưng phải nhớ rằng phá thai là một tội ác . Thứ hai, tình yêu do cảm xúc chi phối nên rất dễ dẫn tới sai lầm và nếu đã sai lầm thì nên chấm dứt. Các bạn nữ đừng bao giờ nghĩ rằng yêu ai hoặc đã trao thân cho ai thì phải cưới người đó. Điều sai lầm lớn nhất là tiếp tục một tình yêu sai lầm bằng một đám cưới hi vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Thứ ba, chỉ nên quyết định kết hôn khi đã có sự độc lập về tài chính và cùng nhau thông qua những vấn đề về trách nhiệm khi sống chung. Nói cách khác, chỉ nên kết hôn khi hai người đảm bảo lo được cho nhau một cách độc lập mà không phải nhờ vào bố mẹ hai bên. Thứ tư, chỉ kết hôn với người chia sẻ được với mình những giá trị về đạo đức, xã hội, tinh thần cũng như thống nhất về việc nuôi dạy con cái sau này. Tất cả những áp lực của gia đình, vì quen nhau quá lâu không muốn tìm người khác, vì bạn bè bằng tuổi mình đều đã yên bề gia thất hay vì tiền bạc đều không phải là cơ sở để dẫn đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững.

Cuối cùng, đối với những bạn đang lo lắng rằng mình bị ế khi còn trẻ, tôi muốn nhắn nhủ rằng hãy bỏ áp lực đó xuống để mà tự tin tiếp bước. Thời gian độc thân chưa vướng bận là thời gian quý báu để các bạn học hỏi mở mang kiến thức về xã hội và chuyên môn, củng cố sự nghiệp, khắc phục những khuyết điểm của bản thân, chăm chút về ngoại hình, học hỏi và chuẩn bị cho một cuộc sống gia đình tốt đẹp. Nói chung là nâng cao trình độ của mình ở mọi phương diện. Vì khi các bạn có được một nền tảng vững chắc và một kinh nghiệm sống phong phú, các bạn sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình những người xứng đáng để đi hết cuộc đời còn lại. Nếu các bạn sa đà vào chuyện yêu và cưới mà chưa thể tự lập về tư duy lẫn hành động, các bạn sẽ phải trả một cái giá rất đắt bắng chính cuộc sống hôn nhân đầy sóng gió của mình và gây khổ cho cha mẹ lẫn con cái mình.

Huỳnh Chí Viễn
Bài về chủ đề Giới trẻ:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ