Linh mục tệ hại, đủ loại, chỉ tổ xua đuổi người ta xa khỏi Đức Kitô và Hội thánh

Giáo hội không phải là cộng đoàn của những người hoàn hảo, nhưng là cộng đoàn của các tội nhân đã được tình yêu Thiên Chúa phủ bóng. Chúng ta tụ họp nhau để ca mừng tình yêu ấy, đặc biệt được thể hiện ra qua việc Thiên Chúa sai Đức Giêsu đến, Người là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Cha. Lễ Giáng sinh, đón chào Đức Giêsu nhập thể, mà chúng ta vừa mừng kính, là biểu tỏ của tình yêu ấy, một tình yêu mà chúng ta được kêu mời san sẻ cho tha nhân. Linh mục tốt lành thì biết rõ điều ấy. Các tân chức nằm úp mặt trên nền nhà trong một lễ nghi phong chức do giáo hoàng Phanxicô chủ sự, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, Vatican, 22 Tháng Tư, 2018.
Các tân chức nằm úp mặt trên nền nhà trong một lễ nghi phong chức do giáo hoàng Phanxicô chủ sự, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, Vatican, 22 Tháng Tư, 2018.
➥ Các tân chức nằm úp mặt trong một lễ nghi phong chức do giáo hoàng Phanxicô chủ sự, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, Vatican, 22 Tháng Tư, 2018.
📋 Cha Thomas Reese, tác giả bài viết này, là linh mục Dòng Tên, viết chuyên trang cho “Religion News Service”, và là tác giả của cuốn “Inside the Vatican: Politics and Organization of the Catholic Church”.

Không gì có thể khiến người ta xa rời Giáo hội Công giáo và khỏi Đức Kitô nhanh cho bằng một vị linh mục tệ hại. Vị linh mục ấy không cần phải là một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em đâu. Đơn giản vị ấy chỉ cần ngạo mạn, gia trưởng, vô cảm hay đơn giản chỉ là thiếu khôn ngoan thôi. Số người rời bỏ Giáo hội vì các linh mục tệ hại thì nhiều hơn là vì những bất đồng về giáo lý giáo thuyết.

Thảm hoạ gần đây nhất cho người Công giáo, là chuyện xảy ra trong một đám tang ở Temperance, Mich., trong đám tang đó, theo báo chí đưa tin, vị linh mục trong bài giảng đã cho rằng, người chết có thể sẽ không được vào Thiên đàng vì anh ta đã tử tự.

Những người tham dự đám tang, đặc biệt là cha mẹ của anh, sững sờ. Họ đã đến để cùng nhau nhắc nhớ về cuộc sống của cậu trai trẻ, chứ không phải về cái chết của anh ấy. Vậy mà, linh mục Don LaCuesta, theo như các bản tin, đã sáu lần đề cập đến việc tự tử trong bài giảng của ông ấy. Vị linh mục thậm chí vẫn tiếp tục, ngay cả khi người cha của chàng thanh niên xin ông ấy hãy ngưng lại. Sau thánh lễ, cha mẹ của chàng thanh niên đã ngỏ lời xin vị linh mục không ra huyệt nữa.

Trả lời cho các lời than phiền, Tổng giáo phận Detroit nói với tờ The Washington Post rằng, trong một tương lai dự trù khá xa, linh mục LaCuesta sẽ không được cử hành thêm thánh lễ an táng nào nữa, và các bài giảng sắp tới của ông sẽ phải được một cố vấn xem trước. Toà Tổng giáo phận cũng cho biết, vị linh mục cũng “vui lòng chấp nhận sự bổ túc mà mình cần tới, hầu trở nên thừa tác viên hữu hiệu hơn trong những tình huống khó khăn.” Ông đã không bị treo chén.

May mắn thay, những linh mục như thế thì không thường thấy, thế nhưng khi họ xuất đầu lộ diện, họ có thể gây ra tai hoạ. Một linh mục tốt có thể tốn nhiều năm trường để xây dựng một cộng đoàn giáo xứ, nuôi dưỡng đời sống phụng vụ sốt sắng, kết nối các thiện nguyện viên để họ cùng nhau thi hành các công việc của giáo xứ, và trợ giúp những người nghèo quanh khu xóm. Một vị cha xứ mới có thể phá huỷ nát tất cả những công trình ấy chỉ trong vài tuần.

Tự tử rõ ràng đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội Công giáo, thế nhưng nếu chịu khó đọc qua một lượt sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, được soạn ra dưới triều của đức Gioan Phaolô II, thì hẳn là linh mục LaCuesta đã không mắc phải sai lầm.

Sách Giáo lý minh định, “Những rối loạn tâm thần trầm trọng, lo âu hay quá sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc cực hình, có thể làm giảm thiểu trách nhiệm của người tự sát.” Do vậy, sách cũng dạy rằng, “Không được tuyệt vọng về ơn cứu độ vĩnh cửu của những người tự mình tìm đến cái chết. Thiên Chúa có thể ban cho họ những cơ hội thống hối để được ơn cứu độ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Ngài biết.”

Các linh mục như linh mục LaCuesta cho thấy tại sao, giáo hoàng Phanxicô lại gặp phải những khó khăn như thế khi tiến hành cải tổ Giáo hội. Giống như chính trị, tất cả các tôn giáo đều có địa phương tính. Có thể người ta bị các sứ điệp và gương sống của giáo hoàng Phanxicô lôi cuốn, thế nhưng, khi họ quay trở về với giáo hội địa phương, họ chẳng thể tìm thấy được ai giống như đức Phanxicô cả.

Điều gây chia rẽ người Công giáo hiện nay không chỉ là do bởi cách chúng ta nhìn nhận về đức Phanxicô, nhưng còn trong cách chúng ta nhìn nhận về Thiên Chúa nữa.

Với rất nhiều Kitô hữu, Thiên Chúa đơn giản chỉ là người làm luật và thẩm phán: “Tuân theo luật lệ mà ta đưa ra nếu như các ngươi không muốn bị trừng phạt.” Với họ, Giáo hội không phải là “một bệnh viện dã chiến để chữa lành những anh chị em bị thương,” như lời đức Phanxicô; mà là một câu lạc bộ giải trí dành cho những con người hoàn hảo. Và những ai hoàn hảo theo nhãn quan của họ, thì coi thường đám người tội lỗi.

Đức Giêsu, thì khác, Người dạy chúng ta rằng, Thiên Chúa là cha là mẹ. Thế nhưng Thiên Chúa là loại cha mẹ nào?

Một số bậc phụ huynh nuôi dạy con cái bằng cách thưởng phạt. “Nếu con ngoan, con được ăn tối; nếu con hư, con sẽ bị nhốt vào tầng hầm. Nếu con dễ thương, ông già Noel sẽ có quà cho con; nếu con không vâng lời, con sẽ không được gì cả.”

Thưởng phạt một chút là cần thiết trong việc nuôi dạy con cái, nhưng thái quá đến độ, cha mẹ bất cần quan tâm đến đứa bé, và chỉ lo sao cho yên ắng cửa nhà thì không nên.

Và Thiên Chúa thì không phải thứ cha mẹ như thế.

Khi con trẻ được sinh ra, nó chẳng có công trạng gì, không có khả năng làm gì ngoài việc la khóc và tè bậy. Dầu vậy, cha mẹ của chúng vẫn thương chúng.

Thiên Chúa cũng vậy: Người thương yêu chúng ta cách nhưng không trước khi chúng ta biết chọn lựa đúng sai. Người không nói với chúng ta, “Ta chỉ thương yêu con nếu như con tuân giữ các lệnh truyền của Ta.” Những lời đầu tiên Người ngỏ với chúng ta là, “Ta yêu con.” Và khi tai vạ xảy tới, vị Thiên Chúa ấy muốn ôm ấp chúng ta trong vòng tay của Người và an ủi, vỗ về chúng ta.

Các Kitô hữu có tinh thần u sầu phản đối khi giáo hoàng Phanxicô mô tả về tình yêu Thiên Chúa, vì họ nghĩ rằng, như thế sẽ cổ suý người ta gạt qua một bên các thứ luật lệ và trở nên vô luân. Với những người thiếu trưởng thành, có thể điều đó đúng. Nếu không có nguy cơ bị nhốt vô tù, một số người sẽ ăn trộm. Một số người biến chất thậm chí còn sử dụng bạo lực nữa.

Nhưng người ta cũng đáp trả trước tình yêu nữa. Nếu ai đó yêu thương bạn, bạn sẽ không làm tổn thương họ, bạn sẽ làm những việc khiến họ vui lòng, bạn đáp trả trước tình yêu đó.

Thiên Chúa, như người cha người mẹ tốt lành, yêu thương chúng ta và hy vọng, chúng ta sẽ đáp trả lại tình yêu của Người. Nhưng có thể chúng ta sẽ khước từ, y như cách mà bất kỳ đứa con nào cũng có thể khước từ tình yêu của cha mẹ chúng.

Giống như người cha người mẹ, đôi khi Thiên Chúa cũng ngăm đe và thủ thỉ thuyết phục, nhưng lúc nào cũng vậy động lực luôn luôn là tình yêu; luôn luôn vì thiện ích của đứa con. Nếu đứa con cư xử bất chấp, chẳng kiêng dè sợ hãi chi nữa, nó sẽ không cảm nếm được tình yêu, và đứa trẻ này sẽ trở thành một vấn đề. Sớm muộn nó sẽ lớn lên và chẳng còn biết sợ gì nữa, và sẽ phải trả giá bằng trầm luân địa ngục.

Trên bước đường dương thế của chúng ta, Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta tình yêu và gọi mời chúng ta đáp trả. Người cố gắng hướng dẫn chúng ta, nhưng giống như những đứa con, chúng ta có tự do để khước từ Người.

Khi chúng ta qua đời, Thiên Chúa không còn quyền bảo hộ, như các bậc làm cha làm mẹ mất quyền kiểm soát khi đứa con đã trưởng thành. Khi chết, chúng ta có thể chọn lựa hoặc là trở về cùng Chúa hoặc là chạy trốn Người. Chạy trốn Thiên Chúa là chạy trốn tình yêu; chạy trốn tình yêu là chọn hoả ngục, vì hoả ngục là nơi vắng bóng tình yêu. Nhưng đó là chọn lựa của chúng ta, chứ không phải của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến cùng chúng ta với vòng tay luôn rộng mở.

Giáo hội không phải là cộng đoàn của những người hoàn hảo, nhưng là cộng đoàn của các tội nhân đã được tình yêu Thiên Chúa phủ bóng. Chúng ta tụ họp nhau để ca mừng tình yêu ấy, đặc biệt được thể hiện ra qua việc Thiên Chúa sai Đức Giêsu đến, Người là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Cha. Lễ Giáng sinh, đón chào Đức Giêsu nhập thể, mà chúng ta vừa mừng kính, là biểu tỏ của tình yêu ấy, một tình yêu mà chúng ta được kêu mời san sẻ cho tha nhân. Linh mục tốt lành thì biết rõ điều ấy.

Thomas Reese
Chuyển ngữ: Nhóm phiên dịch Mai Khôi
https://www.ncronline.org

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ