Về vụ nhà thờ chánh toà Bùi Chu: Mời tham khảo ý kiến anh Vũ Lê Hoàng, một giáo dân Bùi Chu

Tuần rồi nhân có việc về qua Bùi Chu, em đã sắp xếp qua tòa giám mục để tìm hiểu thông tin cho rõ ngọn ngành… Mục đích trước hết là để tìm hỏi xem trước khi quyết định “hạ giải” tòa giám mục đã cân nhắc đến các phương án nào? Và các nhóm “giải cứu” “bảo vệ di sản” có đưa ra đề xuất phương án trùng tu hay bảo tồn như thế nào hay không? Sự thật mà em nhận được sau khi nghe rõ từ cả 2 tai khiến em thực sự bàng hoàng và tức giận… Các người những kẻ mang danh “trí thức”, “giải cứu”, “bảo vệ di sản” nghe ra có vẻ to tát thế này thế kia, nhưng trong sự việc cụ thể này: các người chỉ là những kẻ mất dạy không hơn không kém! Dưới đây em sẽ lần lượt trình bày các thông tin mà em có được qua đó hy vọng các bác sẽ hiểu và thông cảm được tại sao em lại vừa có thể buông ra lời nặng nề đến thế. Về vụ nhà thờ chánh toà Bùi Chu: Mời tham khảo ý kiến anh Vũ Lê Hoàng, một giáo dân Bùi Chu
Về vụ nhà thờ chánh toà Bùi Chu: Mời tham khảo ý kiến anh Vũ Lê Hoàng, một giáo dân Bùi Chu

Tôi vốn là một người Công giáo thuộc giáo phận Bùi Chu… và cũng từng có chút ít kinh nghiệm không hay khi tiếp xúc với thế hệ tu sĩ cũ của Bùi Chu, những người không qua quá trình lựa chọn kỹ càng do sự kìm kẹp ngặt nghèo của chính quyền thủa trước (thời mà chính quyền đặt 2 trạm công an canh giữ ngay lối chính vào cổng tòa giám mục Bùi Chu, và sự điều động linh mục đi các xứ đạo nằm trong tay công an!). Vậy nên ban đầu khi nghe các thông tin trên báo chí cùng sự nhiệt tình rầm rộ của các nhóm “giải cứu” “bảo vệ di sản” trên mạng xã hội cùng với những lời chê trách các cha bảo thủ, thiển cận, thiếu óc thẩm mỹ, hay cả nặng nề hơn là “ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại” v.v… em cũng ít nhiều hiểu được và thông cảm.

Tuần rồi nhân có việc về qua Bùi Chu, em đã sắp xếp qua tòa giám mục để tìm hiểu thông tin cho rõ ngọn ngành… Mục đích trước hết là để tìm hỏi xem trước khi quyết định “hạ giải” tòa giám mục đã cân nhắc đến các phương án nào? Và các nhóm “giải cứu” “bảo vệ di sản” có đưa ra đề xuất phương án trùng tu hay bảo tồn như thế nào hay không? Sự thật mà em nhận được sau khi nghe rõ từ cả 2 tai khiến em thực sự bàng hoàng và tức giận… Các người những kẻ mang danh “trí thức”, “giải cứu”, “bảo vệ di sản” nghe ra có vẻ to tát thế này thế kia, nhưng trong sự việc cụ thể này: các người chỉ là những kẻ mất dạy không hơn không kém! Dưới đây em sẽ lần lượt trình bày các thông tin mà em có được qua đó hy vọng các bác sẽ hiểu và thông cảm được tại sao em lại vừa có thể buông ra lời nặng nề đến thế.

1. Sự thật là quyết định “hạ giải” “đại trùng tu” nhà thờ Bùi Chu không phải là quyết định một sớm một chiều… Đó là cả một quá trình trăn trở cân nhắc suy xét kéo dài suốt từ 10 năm trước, cân nhắc các cách xem liệu có thể giữ lại được nguyên trạng ngôi nhà thờ cũ hay không. Và sau hơn 5 năm, đến năm 2014 giáo dân và các tu sĩ mới đi đến quyết định “hạ giải” “đại trùng tu” nhà thờ Bùi Chu. Rồi từ đó nhà thờ mới thực hiện các thủ tục đệ trình lên các cấp chức quyền để được cấp phép xây dựng.

2. Sự thật là các nhóm tự nhận là kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn thực hiện việc khảo sát đã đưa ra cái gọi là “kết luận” vô cùng ác ý trái ngược hoàn toàn với sự thật mà bất kỳ một con người có lương tri nào về quan sát nhà thờ Bùi Chu cũng có thể nhận ra ngay cả bằng mắt thường. Nhóm 20 kiến trúc sư nhận định “nền móng vẫn còn tốt, không có dấu hiệu sụt lún” trong khi thực tế nền nhà thờ bị sụt lún nghiêm trọng phần cuối nhà thờ bị sụt lún chênh so với phần đầu nhà thờ lệnh nhau hàng chục centimet. Đặc biệt là 2 tháp chuông, nhất là tháp chuông phía nam bị sụt lún nghiêng lệch hẳn đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hãy tưởng tượng tháp nghiêng Pisa là nơi chỉ để cho du khách tham quan chụp hình, vậy mà họ vẫn phải có những khoảng thời gian tạm ngưng đóng cửa để tiến hành gia cố. Vậy thử hỏi liệu giáo dân Bùi Chu có thể sử dụng một ngôi nhà thờ với ngọn tháp chuông đã bị sụt lún nghiêng lệch và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vào công việc hành lễ hàng ngày?!

Bất kỳ gia đình nào sinh sống tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ quãng từ một thế hệ trở lên có thể nhớ lại hẳn gia đình mình cũng đã từng một vài lần thực hiện việc tôn cao nền nhà hay đường dong ngõ xóm.. đấy là vì hiện tượng sụt lún địa chất tự nhiên của toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ trung bình mỗi năm khoảng 3mm, có những nơi 5mm, qua 10 năm là 3-5cm, qua 100 năm là 30-50cm..! Thềm các ngôi nhà ở thông thường ở đồng bằng Bắc Bộ thường cao 50-60cm còn đền chùa hay nhà thờ thềm còn được làm cao hơn nữa để thể hiện sự tôn kính, thường là cao hơn 1m, thềm nhà thờ Bùi Chu ban đầu cũng là như thế, cao trên 1m, nhưng hiện nay thềm nhà thờ chỉ còn cao hơn mặt sân khoảng 40cm, và đã có những đợt mưa biến sân nhà thờ thành ao và nước gần tràn vào trong nhà thờ.. Đo đạc của phía nhà thờ cho biết cụ thể thềm nhà thờ hiện đã sụt lún trên 70cm so với ban đầu như có nêu trong thư Tòa Giám Mục Bùi Chu trả lời ý kiến góp ý của Hội KTS Việt Nam bữa qua. Hiện hầu như chưa có giải pháp kỹ thuật nào hữu hiệu để có thể khắc phục tình trạng sụt lún địa chất tự nhiên này. Đây là vấn đề kỹ thuật thứ nhất mà các giáo dân và tu sĩ cùng các nhóm tư vấn đã phải cân nhắc trước khi đi đến quyết định “hạ giải” “đại trùng tu” vào năm 2014.

3. Vấn đề kỹ thuật thứ hai là độ bền của các kết cấu gạch vữa xây dựng tường bao và tháp chuông nhà thờ. Tất cả các bức tường này được xây bằng vôi vữa và gạch nung thông thường, vật liệu ban đầu để làm ra các viên gạch nung này có thể là chính đất ruộng tại các khu vực xung quanh, quá trình nung chuyển hóa các khoáng chất cố kết thành viên gạch cứng đủ khả năng chịu lực, nhưng theo thời gian quá trình thấm ẩm và nước mưa với độ axit cao đã khiến cho các viên gạch này gần như “sống trở lại” bở như đất. Có thể kiểm tra ở nhiều vị trí tường mà lớp áo vữa bên ngoài bị bong tróc làm lộ ra các viên gạch phía trong: có nhiều viên gạch có thể dùng tay không bóp vỡ hoặc dùng móng tay cạo viên gạch mủn ra như bột!

4. Vấn đề kỹ thuật thứ ba là phần vòm trần và mái nhà thờ.. toàn bộ các tấm lát và tấm ghép vòm trần đều chỉ được ghép từ các tấm gỗ có độ bền rất thấp, cụ thể là gỗ xoan, hoặc là các tấm vách đan hay tạo hình phía trong bằng nan tre và trát ngoài bằng vôi rơm.. qua 100 năm chưa cần đến tác động của mối mọt hay mưa bão, chỉ cần dưới điều kiện nóng ẩm tự nhiên của khí hậu miền Bắc, các tấm gỗ này cũng đã tự mủn ra và sụp xuống do dưới sức nặng tự nhiên mà chưa cần lực tác động bên ngoài.. thực tế cũng đã có một vài mảng trần sụp xuống trong lúc giáo dân đang hành lễ trong nhà thờ.

Phần kết cấu gỗ còn bền chắc và có thể tiếp tục sử dụng chính là các hàng cột gỗ lim cùng với các dầm, xà, đà đỡ chính cũng được làm bằng gỗ lim chịu lực và nâng đỡ toàn bộ mái nhà thờ. Chính vì thế mà phía nhà thờ đã xem xét đến một trong các phương án bảo tồn là thực hiện việc nâng nền và kích cao hàng cột và toàn bộ kết cấu gỗ, làm lại trần và lợp lại mái, xây dựng lại tháp chuông và các tường bao xung quanh. Hoặc nếu thực hiện theo phương án làm lại toàn bộ kết cấu bằng gỗ lim mới thỳ toàn bộ các hàng cột và kết cấu gỗ lim cũ sẽ được đánh dấu tháo ra và dựng lại nguyên trạng để làm một nhà nguyện nhỏ tại vị trí khác. Cũng vì vậy mà trong các văn bản chính thức tòa giám mục Bùi Chu mới dùng từ “hạ giải” để nói về việc tháo dỡ ngôi nhà thờ cũ. Từ “hạ giải” này đã bị không ít kẻ có chữ đem ra mỉa mai và cho rằng nhà thờ dùng từ này chỉ để che đậy việc phá bỏ.. (người Công giáo không mù lòa đến mức phá bỏ đi những gì còn giá trị! Nghe nói đã có nhiều tay săn đồ cổ khi nghe nói đến việc tháo dỡ nhà thờ Bùi Chu đã đến đặt vấn đề trả cho phía nhà thờ 5- 10 tỷ đồng để mua lại phần cột và các kết cấu khung gỗ bên trong nhà thờ. Tất nhiên tòa giám mục Bùi Chu đã từ chối tất cả các lời đề nghị này.)

5. Một phương án ưa thích của các vị kiến trúc sư, “chuyên gia bảo tồn” “giải cứu”, “bảo vệ di sản...”, này kia chính là theo kiểu “so với Tây” bảo tồn chi tiết đến từng viên gạch cũng đã từng được phía nhà thờ đưa ra cân nhắc. Nhưng phương án này có 2 khó khăn nghiêm trọng: thứ nhất là kinh phí thực hiện việc “bảo tồn” như thế thường tốn kém gấp 3-4 lần so với phương án đại trùng tu hay xây dựng mới, vượt xa khả năng thu xếp của giáo dân và nhà thờ; thứ hai là vấn đề thời gian thực hiện việc bảo tồn chi tiết 1 ngôi thánh đường thường rất dài, có thể kéo dài hàng chục năm. Trong khi nhà thờ chính là ngôi nhà để người Công giáo tụ họp để cầu nguyện hàng ngày, hàng tuần, một nhu cầu cũng thiết yếu như cơm ăn áo mặc nhà ở của bao người dân thường, nên việc xây dựng cần phải thực hiện nhanh chóng cùng lắm là một vài năm chứ không thể kéo dài. Không thể đem “so với Tây” nơi mà các cộng đồng tôn giáo luôn được tạo điều kiện và có các không gian thay thế để thực hiện việc hành lễ, cũng như được cả chính quyền và xã hội chung tay hỗ trợ nhiều mặt, trong đó có cả kinh phí thường xuyên để duy trì và bảo tồn các công trình lâu đời.

6. Nếu có thể thì phương án khả thi nhất để có thể giữ lại được ngôi nhà thờ hiện nay chính là tìm một khu đất khác để xây dựng ngôi nhà thờ mới, còn ngôi nhà thờ cũ sẽ được giữ lại như một không gian văn hóa và từng bước trùng tu và bảo tồn. Nhưng như ai cũng biết từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam đất đai Công giáo chỉ có mỗi ngày một thu hẹp chớ chả bao giờ có chuyện được cấp thêm, trong khi số giáo dân vẫn đều đặn tăng lên hàng ngày. Ví dụ như nhà thờ Bùi Chu hiện nay có sức chứa khoảng 1500 người, cơ bản là đủ cho giáo dân gần đó. Nhưng đây là nhà thờ chính tòa của địa phận, có rất nhiều ngày lễ mà giáo dân từ các xứ đạo khác trong địa phận cũng đến tham dự khi đó ngôi nhà thờ hiện nay trở nên rất chật chội. Đặc biệt trong các dịp đại lễ nhiều người dân ở các xứ đạo đều tập trung về nhà thờ chính tòa Bùi Chu dự lễ có dịp lên đến cả 100 nghìn người (trong tổng số khoảng hơn 400 nghìn giáo dân của giáo phận Bùi Chu) thì toàn bộ khuân viên và các không gian xung quanh nhà thờ đều đông nghẹt, toàn bộ khuân viên nhà thờ hiện nay người người đứng ngồi san sát nhau thì cũng chỉ chứa được cùng lắm khoảng 50 nghìn người. Vậy nên nhiều năm qua nhà thờ Bùi Chu đã cố gắng thỏa thuận mua lại đất đai của một số hộ dân xung quanh để mở rộng khuân viên phía trước nhà thờ thành một quảng trường đủ rộng để phục vụ các dịp đại lễ phải tổ chức ngoài trời với hàng 100 nghìn giáo dân tham dự. Và mãi đến gần đây phía nhà thờ mới được chính quyền chấp thuận cho việc chuyển đổi phần đất đai mua lại từ các hộ dân xung quanh thành đất đai tôn giáo và xây dựng quảng trường phía trước nhà thờ.

Liền kề phía trước khu đất mà nhà thờ đã mua lại của các hộ dân để dự định làm quảng trường này là một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Phía nhà thờ luôn có nguyện vọng được cấp thêm khoảng 20000m2 đất để xây dựng ngôi thánh đường mới trên đó và từ đó mà có thể giữ lại ngôi nhà thờ cũ hiện nay làm không gian văn hóa. Nhưng khi đứng trước các lựa chọn cụ thể như thế thì có vẻ mối ưu tiên của xã hội lại là cần bảo tồn khu ruộng lúa hơn là ngôi thánh đường cổ 134 năm! (Hẳn là vì khu ruộng lúa có tuổi đời cổ hơn chăng?!)

7. Trái với suy nghĩ ban đầu của em về thế hệ tu sĩ cũ của giáo phận Bùi Chu, các tu sĩ và linh mục Bùi Chu hiện nay đều là những người được đào tạo bài bản và có tinh thần cởi mở, luôn sẵn lòng đối thoại cùng xã hội và các phía có thiện chí trao đổi. Yêu cầu bắt buộc của giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay là trước khi bước vào chủng viện để đi theo con đường tu hành các tu sĩ đều phải đạt tới một trình độ nhất định và phải tốt nghiệp đại học. Vậy nên trong hàng ngũ linh mục và tu sĩ Bùi Chu hiện nay có đa dạng người tốt nghiệp đại học từ các nghành kỹ thuật cho đến nghệ thuật, có người có bằng kỹ sư xây dựng, có người là nhạc sĩ, có người là kỹ sư công nghệ thông tin. Tất cả các cơ quan có quan tâm đến việc bảo tồn nhà thờ Bùi Chu đều được phía nhà thờ tiếp đón và trao đổi cởi mở. Bao gồm các đoàn làm việc của Bộ Văn hóa, Cục Di sản, đại diện ủy ban UNESCO Việt Nam v.v và v.v… các đơn vị này sau khi trao đổi và xem xét thực tế hiện trạng nhà thờ đều không đưa ra giải pháp nào khác ngoài phương án “hạ giải” “đại trùng tu” như phía nhà thờ đề xuất và đã được các cơ quan chức năng cấp phép thực hiện.

8. Riêng với nhóm hơn 20 kiến trúc sư hay các “chuyên gia bảo tồn” và các nhóm được gọi là “giải cứu” hay “bảo vệ di sản” sau khi nghe biết thông tin từ phía nhà thờ như được nêu trong thư Tòa Giám Mục Bùi Chu trả lời ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ở trên, thì em không khỏi bàng hoàng với cách hành xử của họ — những người được mệnh danh là “hoạt động văn hóa..” mà sao họ lại có thể mất dạy đến thế..?!

Đúng thực nhà thờ hay nhà chùa vẫn luôn là một không gian mở và chào đón tất cả mọi người đến để cùng nhau suy tưởng và chiêm ngắm theo đúng chức năng mặc định của nó. Nhưng nhà thờ hay nhà chùa không phải là không gian hay quảng trường công cộng. Ví dụ bạn không thể tự ý bước vô nhà thờ hay nhà chùa để tổ chức múa thoát y vũ. Vẫn còn đó những cánh cửa hay hàng rào và cánh cổng. Dù luôn mở hay kể cả hàng rào tượng trưng bằng hoa, thì các cánh cửa hay hàng rào và cánh cổng đó vẫn luôn là một biểu tượng kiến trúc nhắc nhở rằng bạn đang bước vào một không gian riêng đòi hỏi bạn nếu có hành động hoặc ứng xử buộc phải theo một chuẩn mực văn hóa tối thiểu, bạn bước xộc vào nhà người ta, không một lời hỏi han hay trao đổi, bạn lục lọi, bạn “khảo sát” rồi tổ chức trưng bày, triển lãm, và còn cả dự định tổ chức talkshow mà không hề có một lời hỏi han hay báo trước. Bạn viết “đơn đề nghị cứu xét” gửi một phía quyền uy khác cứ như kiểu “mách bố”. Tất cả các hành động của bạn chả khác gì hơn một lũ du thủ du thực tính ào đến nhà người ta nhằm “áp đáo tại gia” rồi sau đó lại lu loa lên rằng phía nhà thờ bảo thủ, thiển cận và không sẵn lòng lắng nghe. Trong khi bạn chưa hề có bất kỳ cuộc gặp gỡ, tìm hỏi thông tin hay trao đổi nào với phía nhà thờ. (Chưa cần nói đến một từ xa xỉ là “xin phép”).

Rõ ràng các bạn đến với nhà thờ Bùi Chu bằng tâm thế “trịch thượng” và “gây sự” các bạn làm thế để làm gì?! Phải chăng các bạn muốn tạo ra ấn tượng là những người Công giáo và hàng ngũ tu sĩ Công giáo là những người bảo thủ và không biết lắng nghe các ý kiến xã hội?! Vậy thưa các nhóm kiến trúc sư, “chuyên gia bảo tồn” “giải cứu” “bảo vệ di sản”, bàn tay quỷ dữ nào đã dẫn dắt các người hành xử vô văn hóa đốn mạt đến thế?!

Vũ Lê Hoàng
Bài về chủ đề Giả dối-Ảo tưởng:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ