Từ chuyện thầy Thành bán khẩu trang "lãi" 8 ngàn...

Chuyện thầy Thành ở Cà Mau mua một số khẩu trang dùng không hết bán lại 20 cái cho học trò "lãi" 8 ngàn đồng (thực chất là lỗ, vì 8 ngàn thì làm gì đủ chi phí) đã bị lãnh đạo huyện chỉ đạo kiểm điểm xử lý, không hề là chuyện nhỏ… Tuy không bị hình thức kỷ luật gì nhưng buộc thầy Thành phải nhận khuyết điểm rồi đưa ra công luận để bêu riếu thầy thì thật là độc ác. Khi công luận lên án chính quyền huyện và nhà trường làm chuyện thất đức thì có báo lại phỏng vấn thầy rồi giật tít dẫn lời thầy nói "trường kiểm điểm đúng, tôi sai", công luận lại quay sang chê thầy không dũng cảm. Thật tội nghiệp cho người thầy nghèo, cả hai vợ chồng làm nghề dạy học, cuộc sống gia đình bị cột chặt vào ngành giáo dục địa phương. Thầy chẳng có vi phạm gì cả, dù luật pháp dù đạo lý. Nhưng nếu thầy mà nói thầy đúng trường sai thì liệu gia đình thầy có lâm vào cảnh điêu đứng hay không, hỡi các nhà báo? Source: fb.com/hksanh/posts/2923380694387638

Chuyện thầy Thành ở Cà Mau mua một số khẩu trang dùng không hết bán lại 20 cái cho học trò "lãi" 8 ngàn đồng (thực chất là lỗ, vì 8 ngàn thì làm gì đủ chi phí) đã bị lãnh đạo huyện chỉ đạo kiểm điểm xử lý, không hề là chuyện nhỏ… Tuy không bị hình thức kỷ luật gì nhưng buộc thầy Thành phải nhận khuyết điểm rồi đưa ra công luận để bêu riếu thầy thì thật là độc ác.

Khi công luận lên án chính quyền huyện và nhà trường làm chuyện thất đức thì có báo lại phỏng vấn thầy rồi giật tít dẫn lời thầy nói "trường kiểm điểm đúng, tôi sai", công luận lại quay sang chê thầy không dũng cảm. Thật tội nghiệp cho người thầy nghèo, cả hai vợ chồng làm nghề dạy học, cuộc sống gia đình bị cột chặt vào ngành giáo dục địa phương. Thầy chẳng có vi phạm gì cả, dù luật pháp dù đạo lý. Nhưng nếu thầy mà nói thầy đúng trường sai thì liệu gia đình thầy có lâm vào cảnh điêu đứng hay không, hỡi các nhà báo?

Khi cuộc sống của chúng ta bị cột chặt vào một nơi, cái giá của sự dũng cảm nói thật nhiều khi là mất việc, là sự đói khổ của vợ con. Tôi bỗng nhớ lại hoàn cảnh của chính mình. Vào năm 1990, tôi có làm một chức vụ nho nhỏ của một đoàn thể ở Đà Nẵng. Có một thư tố cáo nặc danh, có 2 chuyện bịa và 2 chuyện thật. Hai chuyện thật bị tố cáo là tôi hút thuốc lá đầu lọc và tiếp khách mỗi tháng 500 ngàn. Khi đoàn kiểm tra đến, tôi nói tôi vẫn hút thuốc lá đầu lọc, có gì sai không, họ bảo không. Tôi lại hỏi, tôi phụ trách 1 tờ báo (tờ Diễn đàn Thanh Niên) và 1 câu lạc bộ với rất nhiều hoạt động, tiếp khách mỗi tháng 500 ngàn là nhiều hay ít, có sai gì không, họ nói ít và không sai gì. Tôi hỏi tôi không sai phạm gì sao các anh đi kiểm tra, họ cười, uống nước trà rồi về.

Sau cuộc kiểm tra đó, biết sẽ có nhiều sự thật tương tự được mang ra tố cáo và không phải đoàn kiểm tra nào cũng cười uống nước trà rồi về, tôi bèn bỏ việc, rời Đà Nẵng không một xu dính túi. Vào Sài Gòn, tôi vẫn nhớ ơn anh Nguyễn Công Khế cho tôi 50 ngàn đồng, số tiền đó đối với tôi vô cùng quý giá. Lúc đó anh Khế hoàn toàn không biết tôi có khả năng làm báo và tôi cũng không có ý định xin về báo Thanh Niên. Tôi ra Hà Nội tha phương cầu thực, cố chọn làm những việc không phụ thuộc vào người khác. Mãi nhiều năm sau, khi tôi đã viết rất nhiều cho Thanh Niên, anh Khế mới biết tôi có khả năng làm báo và bảo tôi về Thanh Niên.

Khi bạn có một chút khả năng, bạn chắc chắn gặp nhiều phiền toái, trước hết với đồng nghiệp. Để yên thân, tôi từ chối việc được bổ nhiệm chức tước trong báo. Tôi thực sự không muốn làm Tổng thư ký tòa soạn, nhưng buộc phải nhận vì cơ quan không có người. Tôi nói tôi làm nhưng nếu như báo không tăng số lượng thì tôi nghỉ, nhưng không nghỉ được vì số lượng phát hành năm nào cũng tăng, cho đến khi bị kỳ luật với cái tít "Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính".

Kể lại chuyện đã cũ mèm này để nói rằng tôi chẳng qua gặp may nên không bị đồng nghiệp đánh "chết". Có lần anh Khế gọi tôi vào phòng, mang ra một cái thư tố cáo tôi, anh nói anh không xem và cũng không đưa tôi xem, xé luôn bỏ vào sọt rác. Lần khác, anh tuyên bố trước cơ quan về tư cách của tôi, nói rằng ai mà phát hiện tôi nhận hối lộ dù chỉ một đồng thì anh sẵn sàng vào tù, không đợi đến đồng thứ hai. Đây là khoảng thời gian làm báo tôi cảm thấy được tự do nhất, có thể làm hết khả năng của mình mà không cần phải thủ thế cho an toàn trước đồng nghiệp.

Tôi rất thích series "Tự do lựa chọn" phát trên truyền hình Mỹ trước đây của kinh tế gia Milton Friedman. Một xã hội tự do trước hết là xã hội mà các cá nhân có nhiều tự do lựa chọn để không phải cột mình vào một nơi làm việc, vào các sản phẩm và dịch vụ độc quyền, vào nơi học tập của con em. Xã hội ta tuy chuyển sang kinh tế thị trường nhưng con người đang có rất ít lựa chọn.

Xã hội ít tự do lựa chọn đó vẫn dung dưỡng cho thói đố kỵ ghen ăn ghét ở, cho các loại chim cò chỉ điểm. Đừng đổ cho tâm lý tiểu nông sản xuất nhỏ. Thói xấu đó chính là sản phẩm của kinh tế kế hoạch, của cải cách ruộng đất, của đánh tư sản, có bà con gần với cách mạng văn hóa Trung Quốc và bà con xa với cách mạng Pháp. Phần lớn chúng ta đều bị cột chặt vào một nơi làm việc, vào cấp trên của nơi làm việc đó, vào chính quyền và vào đám đông.

Trong chúng ta, nhiều người từ nhỏ tới lớn vẫn nói thật dù gió có đổi chiều hay không. Nhưng có rất nhiều bác cho đến khi về hưu mới dám nói thật, mới dám sống thật. Cũng có người vì hèn, cũng có người vì cơm áo. Thầy Thành buộc phải nói trường đúng mình sai chẳng qua vì cơm áo mà thôi. Các nhà báo phải tự thấy thầy đúng hay là sai, chớ nỡ nào lại nhè vào nỗi đau của thầy mà câu view mà bán báo!

Hoàng Hải Vân
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ