Tại sao tín hữu Công giáo tôn thờ tượng Chúa chịu nạn?

Dù tín hữu Công giáo có nhiều điểm chung với các Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái khác, nhưng vẫn có đó một khác biệt, đó là, họ tôn thờ tượng Chúa chịu nạn. Người Công giáo vốn được biết qua việc đặt tượng Chúa chịu nạn trong nhà thờ, và nơi tư gia, còn tín hữu Tin Lành lại thường do dự, và chỉ đặt cây thánh giá trơn không có Chúa trên đó. Tại sao như vậy? Tại sao tín hữu Công giáo lại chọn tượng Chúa chịu nạn?

Việc tôn thờ tượng Chúa chịu nạn trong Kitô giáo có một lịch sử lâu đời, ngay từ hồi thế kỷ V.

Dù tín hữu Công giáo có nhiều điểm chung với các Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái khác, nhưng vẫn có đó một khác biệt, đó là, họ tôn thờ tượng Chúa chịu nạn. Người Công giáo vốn được biết qua việc đặt tượng Chúa chịu nạn trong nhà thờ, và nơi tư gia, còn tín hữu Tin Lành lại thường do dự, và chỉ đặt cây thánh giá trơn không có Chúa trên đó.

Tại sao như vậy? Tại sao tín hữu Công giáo lại chọn tượng Chúa chịu nạn?

Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, thánh giá đã được xem là dấu chiến thắng trên tội lỗi và sự chết. Nhờ hiến tế của Đức Giêsu trên đồi Canvê mà cửa trời rộng mở và quyền lực của tội lỗi bị dẹp tan. Người La Mã xem đó là dấu chỉ của chết chóc và bội phản, nhưng các Kitô hữu thời sơ khai lại coi đó là dấu chứng của tình yêu vĩ đại Thiên Chúa dành cho họ.

Từ thế kỷ II các Kitô hữu đã bắt đầu sử dụng cây thánh giá đơn giản ở nơi thờ tự cũng như ở tư gia. Để tránh bị chính quyền phát hiện, họ đã nguỵ trang thánh giá bằng cách dùng chữ thập chéo, giống như số 10 La Mã. Thánh giá này được biết đến với tên gọi là thánh giá của Thánh Anrê và có dạng chữ X. Các Kitô hữu đầu tiên cũng dùng ký tự Hy Lạp tau (T) để chỉ hiến tế của Đức Giêsu. Hơn nữa, trong giai đoạn này của Kitô giáo, nhiều chân lý đức tin cần phải được nguỵ trang, và được thể hiện ra qua các biểu tượng ẩn dụ thay vì trình bày thẳng thừng ra như các sự kiện lịch sử. Việc này giúp cho các Kitô hữu không bị phát hiện, cũng như cho phép họ hướng dẫn các anh chị em ngoại giáo mà không sử dụng tới những hình ảnh, thời đó bị coi là đáng tủi hổ.

Không phải chỉ sau khi Kitô giáo có thể hoạt động công khai, thì cây thánh giá có Chúa Kitô trên đó, mới xuất hiện trong nghệ thuật Kitô giáo. Cảnh Chúa chịu đóng đinh đã khá phổ biến trong nghệ thuật Kitô giáo hồi thế kỷ V và VI, dù những mô tả ở giai đoạn đầu này hơi khác biệt với những gì chúng ta quen thấy cho đến nay.

Theo Catholic Encyclopedia, Đức Giêsu được mô tả "còn sống và không có vẻ gì đau đớn về thể xác; Ngài choàng một chiếc áo dài, suông, không tay (colobium) phủ xuống đến tận đầu gối. Đầu Ngài ngước lên, bao quanh là một vầng hào quang và có đội vương miện. Thân hình Ngài được đóng vào cây gỗ bằng bốn cây đinh... Tóm lại, đó không phải là một Đức Giêsu chịu khổ hình, mà là một Đức Giêsu khải hoàn vinh thắng trên Thập giá."

Đến "thế kỷ XIII thì chủ nghĩa hiện thực triệt để được dịp phô diễn, chỉ có một cây đinh ở bàn chân thay vì hai cây đinh theo lối cũ, và kết quả là hai chân sẽ được bắt chéo lại. Tất cả được thực hiện vì những lý do thẩm mỹ, mong có được một tư thế ấn tượng và gây sốt sắng tâm tình hơn. Đức Giêsu đang sống và khải hoàn nhường chỗ cho một Đức Giêsu đã chết, với tất cả sự nhục nhã trong Cuộc Thương Khó của Người, thậm chí nỗi thống khổ trong cơn hấp hối của Ngài còn được khắc hoạ cho thật rõ nét nữa."

Kể từ đó trở đi, người Công giáo đã chọn cây thánh giá có Đức Kitô trên đó, dù họ vẫn dùng thánh giá phẳng trong nghệ thuật tôn giáo hay trang sức. Trong phụng vụ, Giáo hội yêu cầu phải có tượng Chúa chịu nan trên hoặc gần bàn thờ.
"Trên hoặc gần bàn thờ, cũng phải đặt một Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh cho dân được tập họp nhìn thấy rõ. Để nhắc các tín hữu nhớ đến cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa, nên đặt cây thánh giá này gần bàn thờ, ngay cả khi không cử hành phụng vụ."

Các chỉ dẫn trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 308.

Câu sau chót tóm lược một cách hoàn hảo lý do trước tiên của việc các tín hữu Công giáo chọn tượng Chúa chịu nạn: "Để nhắc các tín hữu nhớ đến cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa." Chúa Giêsu quả thực đã sống lại từ cõi chết và đã lên trời, song Ngài chỉ thực hiện điều đó sau khi chịu chết trên cây thánh giá. Nói một cách ngắn gọn, sẽ không có phục sinh nếu không có đóng đinh trên thập giá.

Hơn nữa, tượng Chúa chịu nạn còn cho chúng ta thấy rõ ràng hơn, tình yêu bao la mà Đức Giêsu dành cho chúng ta, cùng nhắc nhớ chúng ta về những khổ hình mà Ngài phải chịu vì chúng ta. Tượng Chúa chịu nạn cũng chỉ ra rằng, chúng ta cũng phải "vác thập giá của mình" và theo chân Chúa Giêsu, dâng lên Chúa những việc hy sinh thường nhật của mình. Đời sống Kitô hữu chẳng bao giờ thiếu những vật lộn, chiến đấu, và tượng Chúa chịu nạn nhắc nhớ chúng ta rằng, Người đã là người đầu tiên chịu đau khổ. Hiến tế của Người là nguồn cảm hứng cho chúng ta và cho chúng ta hiểu ra, đời sống Kitô hữu hoàn thiện là như thế nào. Để vào được Thiên đàng một này kia, chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải vượt qua cuộc thanh luyện là những đau khổ.

Chuyển ngữ: Huỳnh Lan (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi)
https://catholicsay.com
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ