Đại phong cầm của tỉnh Hyogo được trao cho Nhà thờ Lớn Hà Nội

Sau 2 năm không ngừng đấu tranh phản đối việc gỡ bỏ của những người yêu âm nhạc, cây đại phong cầm tuyệt vời của tỉnh Hyogo vẫn phải gỡ bỏ. Và việc tìm cho nó một địa điểm mới xem ra cũng không hề đơn giản vì các yêu cầu đặc thù như phải sử dụng thường xuyên và chi phí bảo dưỡng cao. Cuối cùng, điểm đến cho cây đã được xác định: Nhà thờ Lớn Hà Nội, Việt Nam. NGUỒN: https://kilala.vn/tin-60s/dai-phong-cam-cua-tinh-hyogo-duoc-trao-cho-nha-tho-lon-ha-noi.html
Cây đại phong cầm tuyệt đẹp ở tỉnh Hyogo đã tìm được nơi trú ngụ mới tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, sau 2 năm không ngừng đấu tranh phản đối việc gỡ bỏ của những người yêu âm nhạc.

Đại phong cầm hay pipe organ là loại đàn có kích thước lớn, tạo ra âm thanh bằng cách điều khiển không khí có áp lực (gọi là gió) qua các đường ống của đàn được lựa chọn qua bàn phím. Nhạc cụ này thường được dùng trong nhà thờ, nhà hát, phòng hội nghị - những nơi có không gian lớn, trần nhà cao.

Tại thành phố Itami, tỉnh Hyogo, có một cây đại phong cầm được lắp đặt cách đây 3 thập kỷ tại trung tâm Sun City Hall dành cho người cao tuổi. Giá của nó lúc bấy giờ là 70 triệu yên (560.000 USD).

Đại phong cầm tại thành phố Itami, tỉnh Hyogo, Nhật Bản.

Chiếc đàn này cao 7m, gồm 1.696 ống được làm ra dưới bàn tay của nghệ nhân sản xuất nhạc cụ người Bỉ - Guido Schumacher, với chất liệu từng bộ phận được lựa chọn để phù hợp với khí hậu ẩm ướt ở Itami và cách bài trí của hội trường.

Tuy nhiên theo thời gian, chi phí bảo trì và sửa chữa chiếc đàn này quá cao, vượt ngân sách dành cho các chương trình phúc lợi của người cao tuổi, vì vậy chính quyền dự định sẽ bỏ cây đại phong cầm.

Tuy nhiên, việc làm này vấp phải sự chỉ trích của những người trong ngành công nghiệp âm nhạc, họ cho rằng thành phố đang coi thường sự linh thiêng và cao quý của âm nhạc. Giải pháp đưa ra đó là tìm một nơi muốn sử dụng chiếc đại phong cầm này.

Theo kế hoạch, thành phố Itami dự kiến sẽ bàn giao chiếc đàn cho bên phù hợp vào năm 2020, để có thể tiến hành việc cải tạo hội trường vào năm 2021.

Tuy nhiên, không có nơi nào có khả năng nhận cây đại phong cầm vì những yêu cầu đặc thù như phải sử dụng thường xuyên và chi phí bảo dưỡng cao. Vấn đề kéo dài gây khó khăn cho kế hoạch của thành phố và họ quyết định sẽ phá hủy cây đàn nếu đến tháng 03/2022 không có cơ sở nào chịu nhận.

Tình cờ, Chikara Maruyama, 75 tuổi, một nhà thiết kế công nghiệp biết được câu chuyện này và liên hệ với thành phố để đề nghị giúp đỡ. Ông gửi email cho 100 cơ sở, trong đó có các nhà thờ nhưng vẫn không nhận được câu trả lời mong muốn.

Không nản chí, Maruyama sử dụng Google Maps để tìm những nhà thờ có kiến trúc phù hợp với loại đàn này trên khắp thế giới và ông tìm thấy điều mình muốn ở Việt Nam, nơi có những nhà thờ Công giáo xây theo kiến trúc Pháp.

Maruyama bắt đầu tìm người có tiếng nói để hỗ trợ liên hệ với phía Nhà thờ Lớn Hà Nội và ông được giới thiệu với Linh mục Phêrô Phạm Hoàng Trinh, 53 tuổi, phụ tá tại Nhà thờ công giáo Oita. Họ cùng nhau đến Itami để xem tận mắt cây đại phong cầm. Chia sẻ về cảm giác lúc đó, vị linh mục cho biết: "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cây đàn nào ấn tượng như vậy".

Với sự giúp đỡ của Linh mục Phêrô Phạm Hoàng Trinh, Nhà thờ lớn Hà Nội đã đồng ý tiếp nhận cây đàn. Được xây dựng từ năm 1886, với 3.000 giáo dân và là biểu tượng của Công giáo Việt Nam nói chung lẫn thủ đô nói riêng, nhà thờ nhận thấy chiếc đại phong cầm này cần thiết cho các thánh lễ hàng tuần của họ. Ngoài ra, chiếc đàn có thể được sử dụng trong các buổi giao lưu hòa nhạc mang tính văn hóa cấp quốc gia.

Nhà thờ Lớn, Hà Nội, điểm đến của đại phong cầm.

Cây đàn sẽ được thành phố Itami vận chuyển miễn phí sang Việt Nam, chậm nhất là tháng 06/2022. Về phía nhà thờ lớn, họ sẽ liên hệ với Guido Schumacher để nhờ hỗ trợ trong việc di chuyển và cải tạo lại cây đàn.

Nguồn: asahi.com
Lược dịch: kilala.vn
🔵 Tin cập nhật: Cây đàn đã về đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội), tối qua (21/07/2022), nhưng chắc phải vài tháng sau, cây đàn khổng lồ này mới yên vị được. Vì gác đàn hiện nay không thể chịu nổi sức nặng của cây đàn này (khoảng vài tấn). Bởi vậy, công việc trước mắt là phải gia cố lại gác đàn nếu muốn đưa cây đàn này lên trên đó, hoặc sẽ phải có giải pháp khác thay thế và khả thi.

Còn một câu chuyện bên lề khác, khi mình có dịp trò chuyện của một organist đệm đàn cho một số nhà thờ tại Hà Nội (trong đó có Nhà thờ Lớn). Anh tỏ ra khá ưu tư, anh ấy bảo: "Có đàn xịn, đàn ngon... nhưng giờ kiếm người chơi đại phong cầm cho 'đúng chuẩn, đúng bài', xem ra ở Việt Nam, không được mấy người, có khi đếm không đủ các đầu ngón tay." Ờ nhỉ, có khi anh ấy nói đúng! Kiếm được đàn xịn, xem ra là việc khó, nhưng có khi kiếm người đệm đàn cho chỉnh chu, hợp thánh nhạc, hợp phụng vụ có khi cũng khó chẳng kém.

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ