Tôi là linh mục Công giáo, nhưng xin đừng gọi tôi là "cha"...

Tôi đã làm linh mục được gần 20 năm, và tôi chưa bao giờ thích được người khác gọi mình là cha. Tôi chẳng thích việc: hàng năm cứ đến "Ngày của cha", một số thành viên nhanh nhảu trong gia đình tôi, lại cẩn thận đặt lịch hẹn, rồi điện thoại chúc rằng tôi có "Ngày của cha" vui vẻ. Tôi rất ái ngại về việc nhiều người khác trong gia đình mình, sẽ bắt chước và cũng bắt đầu làm như vậy. NGUỒN: https://www.americamagazine.org/faith/2022/07/14/catholic-priest-do-not-call-me-father-242905
Một linh mục trong thánh lễ tại nhà thờ Thánh Patrick, New York năm 2020. (Ảnh CNS / Gregory A. Shemitz)

Trang America đã tổ chức một chiến dịch cổ võ trên toàn quốc, có tên là Củng cố đức tin của bạn (#OwnYourFaith). Bài viết này nằm trong một chuỗi các bài luận về những chất vấn mà nhiều tín hữu Công giáo đặt ra về Giáo hội và thế giới.

Tôi đã làm linh mục được gần 20 năm, và tôi chưa bao giờ thích được người khác gọi mình là cha. Tôi chẳng thích việc: hàng năm cứ đến Ngày của cha, một số thành viên nhanh nhảu trong gia đình tôi, lại cẩn thận đặt lịch hẹn, rồi điện thoại chúc rằng tôi có Ngày của cha vui vẻ. Tôi rất ái ngại về việc nhiều người khác trong gia đình mình, sẽ bắt chước và cũng bắt đầu làm như vậy.

Tôi biết chứ: Vấn đề to tát ở đây là gì? Cũng như bạn gọi người điều trị bệnh cho bạn là "bác sỹ", cũng như việc bạn nhắc con cái phải thêm "ông bà, cô bác" chứ không gọi trống không tên gọi của những bậc phụ huynh của bạn bè, cũng như bạn gọi người phụ trách đơn vị của bạn là "trung sĩ". Đơn giản, đây cũng chỉ là một chức danh.

Tôi không chắc, nhưng có lẽ tôi cũng vướng phải sự lấn cấn trong những hoàn cảnh tương tự. Ai mà lại không muốn được gọi là "ông này bà kia", nhưng tôi nghĩ tước vị "cha" thì hơi khác một chút. Một phần lấn cấn gắn với tước vị đó, xuất phát từ việc những cung kính mặc nhiên hay tự động được gắn liền với nó, uy tín, uy quyền ngay lập tức "nhập vào" các vị linh mục. Sau khi tôi lãnh tác vụ linh mục, các tín hữu Công giáo là các bác các cụ cao niên hơn, thành tựu và tử tế hơn tôi, những người mà thậm chí chẳng biết gì về tôi, tự nhiên xưng hô với tôi theo cách thức rất kính cẩn, mà tôi không hiểu cũng chẳng xứng. Và việc kêu "cha" chỉ là một phần trong cả một loạt những chuyện kéo theo hay liên quan: tôi không thể nhớ chính xác đã bao nhiêu lần người ta xin lỗi tôi vì họ cho rằng mình đã lỡ miệng hay mạo phạm. Tôi thì chỉ muốn nói với họ rằng, "Mời bạn hãy đến cộng đoàn của tôi và làm vài ly."

Không chỉ người lạ xưng hô như vậy, mà ngay cả các bạn học thời đại học cũng vậy, dù họ biết rõ tôi, vì hồi đó tôi hay đạp xe quanh khuôn viên trường trên một chiếc xe có bánh dĩa mười nấc không phanh, và vui vẻ đội chiếc nón xô, mặc áo choàng có gắn biểu tượng Batman. Rồi chính những người thân quen từng thay tã cho tôi, biết tôi từng bị phạt vì dám đi lừa đứa bé hàng xóm để bán cho nó những cái thẻ "Star Wars" cũ của tôi với giá 100 USD; họ cũng vậy. Những người thân này biết tôi quá rõ nên chẳng thể nào xử với tôi như thể tôi là một nhân vật nào đó đặc biệt.

Quả vậy, tôi đã khấn giữ 3 lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và tôi cũng đã làm được vài chuyện vui vui và hy vọng là có ý nghĩa nữa, trong đời mình. Thế nhưng tôi cũng là một kẻ mất quá nhiều thời gian cho "Star Wars", ngẫm ngợi về diễn viên kiêm nhạc sỹ Jeff Goldblum và lo cho số phận của Marvel Cinematic Universe. (Tôi lo cho loạt phim X-Men của mình.) Và khi tôi suy xét một cách nghiêm túc về việc trở thành một linh mục, tôi cũng mất việc, các mối liên hệ bạn bè đứt gãy, và gần đây nhận bằng tiến sỹ về đề tài nuôi dưỡng hận thù. (Tôi 52 tuổi, người Bắc Ai-len gốc Scotland, cung Xử nữ. Và đề tài này rất hợp với vùng đất này.) Tôi vui vì nhủ lòng rằng mình là người đủ tốt lành để được người ta trò chuyện tâm sự. Thế nhưng còn bạn, bạn có tin cậy, tin tưởng không? Xin chớ vội.

Việc tôi không ưa được xưng là "cha", cũng không phải do tôi thiếu tự tin hay tự trọng. (Tôi đã không tiết lộ, tôi là tu sỹ Dòng Tên.) Tôi cho rằng, đừng gọi tôi là "cha", thì ích lợi cho bạn hơn hết. Trước khi lãnh tác vụ linh mục, tôi làm giáo viên tại trường Red Cloud Indian (trong biệt khu Pine Ridge dành cho người da đỏ). Mọi người ở đây rất tuyệt và phải phép, nhưng ít người vội vàng thật sự tin tưởng một tu sỹ Dòng Tên mới đến làm việc tại đây. Họ đã có quá nhiều kinh nghiệm về những chuyện ngu xuẩn mà chúng tôi đã nói hay đã làm (cả tôi cũng vậy). Để thay đổi, tôi phải làm cách nào đó để có được sự tôn trọng của họ. Điều này thật cam go; nó đòi buộc tôi phải đối diện với những điểm mù và thất bại của chính tôi. Thế nhưng, việc ấy cũng giúp tôi trở nên một giáo viên tốt hơn, và tôi hy vọng, rốt cuộc mình cũng trở nên một con người tử tế hơn.

Chúng ta được nuôi dưỡng, chỉ bảo để tưởng nghĩ về các linh mục như những con người đáng được tôn kính rất mực, thế nhưng trong thực tế, các tín hữu ngày nay, có rất nhiều lý do, để thận trọng hoặc đặt ra những hoài nghi về các giáo sĩ, giống như các học sinh hoài nghi tôi. Lịch sử các vụ lạm dụng và che đậy của Giáo hội, những biểu lộ kiểu "ăn trên ngồi trốc" của hàng giáo sĩ, và sự việc các giáo sĩ đặt những việc phần đời, chính trị bên trên việc chăm sóc mục vụ, tất cả đã làm tổn hại tới tính chính danh của chúng tôi trong vai trò những người đầu lĩnh.

Bởi vậy, xin đừng ngần ngại để... ngần ngại, do dự. Hãy để chúng tôi chứng tỏ mình xứng đáng với sự tin tưởng của quý vị, trước khi quý vị đặt niềm tin tưởng nơi chúng tôi. Đấy không phải là xét nét, hay là chuyện "xử không đẹp", nhưng đó là cẩn trọng, là khôn ngoan. Lựa chọn do dự của quý vị trong trường hợp này, thậm chí còn giúp cho những người quanh quý vị, nhận ra rằng, họ có quyền để đòi hỏi giống như vậy.

Còn đây là một lý do khác, khiến tôi không thích được gọi là "cha": danh xưng này tạo ra sự phân tách vô ích giữa các linh mục với các thành phần khác trong Giáo hội. Các giáo viên dạy môn tôn giáo thường không được gọi là "Thầy Dạy", Giám đốc chuyên trách mảng Công tác Xã hội của giáo xứ không được gọi là "Môn Đệ", người chuyên lo dọn dẹp vệ sinh không được gọi là "Chuyên gia Sạch sẽ". Vậy sao lại gán cho tôi một tước vị? Tên tôi, cũng giống tên gọi dành cho họ, vẫn ổn mà. Dù chúng tôi, thay mặt Chúa Kitô trong những cử hành bí tích, thế nhưng chúng ta tin rằng, chính Chúa Kitô hành động chứ không phải tôi. Hơn nữa, chẳng phải hết thảy chúng ta đều được kêu mời để bằng các việc làm hàng ngày của mình, nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn, hay sao?

Gắn kết giữa tôi với Thiên Chúa, không linh diệu, thần tiên thâm sâu hơn của anh chị em đâu. Hầu hết các đấng bậc (giáo sĩ, linh mục...) chẳng thấy được thị kiến hay nghe được tiếng lạ. Tôi cũng chẳng tốt lành hay quảng đại hơn ai; không tin, xin quý vị cứ hỏi bạn bè, gia đình tôi.

Tôi không hề có ý phủ nhận hồng ân mà một vị linh mục tốt lành có thể trở thành, khi ngài hiện diện giữa cộng đoàn. Tôi chỉ muốn chỉ ra rằng, cũng tốt lành như thế, trong trường hợp là một nữ tín hữu đạo hạnh, một ca trưởng tốt lành, một giáo viên dạy thần học ở phổ thông tốt lành, một phó tế tốt lành, một trợ tá tích cực chuyên chăm lo cho quý bà, hay một cặp cụ ông cụ bà chăm chỉ đi lễ trong vòng 60 năm. Tâm thế giáo sĩ trị đã nằm trong Giáo hội của chúng ta, trong quá nhiều thế kỷ nay, đến độ, tôi cho rằng, chúng ta khó mà nhận ra được hết tầm mức tệ hại của nó, ngay cả khi, nó có đập vào mắt chúng ta. Tôi dám chắc, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ chỉ làm điều họ nên làm, khi họ gọi tôi là "cha", hay khi họ tránh không nhắc để tôi biết rằng, bài giảng của tôi hôm đó thật tệ, hay nhìn tôi giống như một chiếc giường sáng ngủ dậy chưa dọn. Nhưng thực sự, nếu họ giúp đỡ, tôi có thể không tái phạm những sai lỗi đó.

Tôi vẫn được nghe nhiều chuyện về các linh mục đến một giáo xứ mới, thay đổi đủ thứ mà không tham khảo ý kiến của ai, và hành động như một lãnh chúa chứ không phải như một đầu lĩnh, người hướng đạo. Theo tôi, đó là tất cả những gì mà những từ trọng vọng kiểu như "Dạ, thưa cha", "Xin phép, kính thưa cha"... đưa đẩy đến, những lời tung hê ấy khiến chúng ta trở thành những kẻ lạm quyền, và nghĩ rằng không sao cả.

Nói đến đây, nếu quý vị vẫn muốn gọi tôi là "cha", thì tôi sẽ không tranh cãi gì với quý vị đâu. Việc của tôi là đón nhận quý vị như quý vị là, việc của tôi không phải là thuyết phục quý vị đồng tình, đồng thuận với tôi. Thế nhưng, tôi hy vọng rằng nếu có dùng đến danh xưng này, thì xin quý vị biết cho rằng, chúng ta là những lữ khách hành hương, cùng với nhau tiến bước. Vì lẽ, chúng ta sẽ tốt hơn, sẽ vui hơn rất nhiều, nếu như bỏ bớt đi những phân tách đã được đặt định vào giữa chúng ta, giữa giáo sĩ và những anh chị em khác. Tôi cũng nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta vốn dĩ đã rất quái dị. (Đúng vậy, có vẻ như cuộc sống của chúng ta vốn vậy mà.) Thế nhưng, về căn bản mà nói, chúng ta đều là những con người nỗ lực bước theo Đức Giêsu và gắng sống tử tế với người khác, theo cách thức lộn xộn, bất toàn riêng có của chúng ta. Đôi khi, cách tốt nhất để tỏ lòng tôn trọng, tôn kính với ai đó, không phải là đặt họ lên bệ, mà là để họ đi bên cạnh bạn trên con đường điên rồ này.

Jim McDermott, S.J.
Mõ Làng Bể (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi) chuyển ngữ từ America

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ