Sử học và cái hố minh hoạ


Đang đọc một cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn cho dù tên sách hơi khác chút.

Ở phần kỹ thuật đóng thuyền của người Việt, tác giả trích dẫn đoạn sau trong sách của Barrow:

“Vài năm trước đây, Nhật Hoàng đã cho một bài học đáng nhớ về sự kiện kiên trì giữ cổ lệ. Khi người Hòa Lan đến Batavia, đem biếu Nhật Hoàng một số quà trong đó có một chiếc tàu chiến. Sứ thần thấy hoàng đế xem xét kỹ tàu này, liền tâu sẽ đem thợ Hòa Lan sang chỉ cho người Nhật nguyên tắc đóng tàu. Nhật Hoàng sai người đến hỏi sứ thần rằng người Hòa Lan biết đóng tàu như thế này từ bao lâu rồi. Sứ thần cho biết độ 300 năm. Nhật Hoàng bảo: “Ngươi về nói với ông ấy (sứ thần) rằng hàng ngàn năm nay thần dân của ta biết đóng những chiến thuyền mà ông ấy thấy đậu trong các hải cảng của ta, và ta thấy chẳng ai than phiền gì về công dụng của chúng cả. Vậy ta không việc gì phải tự lăng nhục mình và dân tộc mình, bằng cách bỏ những gì đã được trải nghiệm qua bao nhiêu thế kỷ, để lấy một cái mới cải cách hôm qua. Những hạm đội Hòa Lan có thể tốt ở Hòa Lan, nhưng không tốt ở nước Nhật. Người nhớ nói thêm rằng ông ấy có thể đem cái quà này về”.

Trích xong tác giả người Việt bình: “Nhật Hoàng đã cho những kẻ tự cao tự đại về sức mạnh Tây Phương một bài học để đời. Đối với chúng ta, những dòng trên đây chứng tỏ Barrow rất chú ý đến kỹ thuật và đặc biệt kỹ thuật đóng thuyền, tàu của người Việt.”

Tác giả vì say mê “Tự hào dân tộc” quá mà quên mất rằng, thời điểm Nhật hoàng nói như ở trên (giả sử như tư liệu đúng) nước Nhật đang ở ngay đêm trước của cải cách Minh Trị. Thiên hoàng đó là thiên hoàng trước thiên hoàng Minh Trị - một người không hề có chút thực quyền và hầu như không được can dự vào chính trị.

Chính trị lúc đó nằm trong tay Mạc phủ Tokugawa.

Và hài hơn là chính vì tư duy ngớ ngẩn kiểu “Có thể tốt ở Hòa Lan nhưng không tốt ở nước Nhật” này mà sau đó Mạc Phủ đã phải trả giá đắt khi vào năm 1853, 1854, đô đốc Perry của Mỹ đến nã pháo buộc phải kí hiệp ước bất bình đẳng kéo theo một lô một lốc các nước khác ép Nhật làm theo. Nhật tuy không biến thành thuộc địa nhưng bị mất quyền tư pháp trong khu vực người nước ngoài cư trú, bị thua thiệt trong buôn bán…

Và rồi người Nhật thức thời cắn răng học hỏi Hà Lan, Anh, Pháp… để rồi sau đó duy tân tiễn tư duy trên cùng với những kẻ lấy lệ cổ làm khiên che giấu cái dốt và không nhạy bén với thời cuộc vào quá khứ.

Nước Nhật bước vào Minh Trị duy tân với một ông hoàng mới, trẻ tuổi và một đội ngũ quân sư - đồng chí là các chính trị gia, võ sĩ lão luyện, thông thạo tiếng Tây.

Đọc sách của người Việt ở nước ngoài Viết dễ thấy thế mạnh của họ là tư liệu, là khả năng nhìn nhận vấn đề thoải mái hơn người trong nước, nhưng thật là hài hước khi họ vừa phê phán các sử gia dân tộc chủ nghĩa chính thống bôi đen, tô hồng lịch sử lại vừa bênh vực cho các nhân vật bị bôi đen đó bằng chính “cơ cấu chủ nghĩa dân tộc” thậm chí dân tộc chủ nghĩa hơn cả các sử gia mà họ vừa phê phán.

Khi không nhìn các nhân vật, sự kiến đó là lịch sử mà đã đặt ra ngay tiền đề là “tiền nhân”, “tổ tiên”, “có công với dân tộc” cho dù họ đã qua đời cả trăm năm thì rất dễ rơi vào sử học minh họa.

Nếu coi Nguyễn Ánh là tổ tiên là tiền nhân thì chẳng lẽ Quang Trung không là tiền nhân, là tổ tiên của nhiều người khác hay sao? (Khi nhà sử học ngồi vào bàn thì có lẽ nên coi cả hai đều là nhân vật lịch sử. Đơn giản thế thôi).

Đằng kia là sử học minh họa cho chính sách và minh họa bằng lý luận, tư biện.

Đằng này là sử học minh họa cho “sự biết ơn” và “lòng tự hào” và minh họa bằng “sử liệu”.

Khi tuyệt đối hóa và chỉ sử dụng cơ cấu dân tộc chủ nghĩa để nhìn, lịch sử trở nên nghèo nàn và kém hấp dẫn.

Viết sử thực chất là chọn lựa.

Việc chọn lựa cơ cấu cứng nhắc sẽ dẫn đến hệ lụy của các lựa chọn sau.

NCS. Nguyễn Quốc Vương

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ