Thô tục hoá và thánh hoá - hai thái cực của sự vô minh

Sự im lặng chấp nhận của học viên khi bị các giáo viên dạy ở các trung tâm lăng mạ, chửi bới thô tục.

Sự bênh vực cho các cô đó ngay cả khi có clip rất rõ ràng với lý lẽ biện minh họ không nhận là giáo viên nên đừng gán cho họ mác giáo viên (điều này ngầm hiểu rằng ý họ nói nếu không phải là giáo viên thì có quyền lăng mạ, chửi bới thoải mái).

Sự thích thú và thậm chí là có thái độ “thưởng thức” những gì thuộc về thô tục đang trở thành một trào lưu, một hiện tượng xã hội.

Thô tục đã trở thành một “tiêu chuẩn” và một “giá trị”.

Lý giải hiện tượng này thế nào?

Trong mắt tôi hiện tượng đó cùng với hiện tượng thánh hóa vật chất ,tiếng Anh, giáo dục sớm, thành tích học tập, du học, trường chuyên lớp chọn… là biểu hiện rất rõ ràng của “Hội chứng khủng hoảng lệch lạc giá trị”.

Hội chứng này thường diễn ra trong lòng các xã hội đang có nhu cầu chuyển đổi về giá trị. Ở đó các thành viên bắt đầu nghi ngờ hoặc phủ nhận các giá trị cũ nhưng bế tắc hoặc chưa đủ độ trưởng thành để nhận ra và có năng lực xây dựng các giá trị mới.


Bởi thế, sự lệch lạc hay tôn sùng các giá trị thấp kém theo tiêu chuẩn phổ quát (có lẽ trên thế giới này tất cả các nền văn hóa đều coi chửi rủa, nói năng thô tục là biểu hiện của sự thấp kém về nhân cách và trí tuệ) thực ra là trạng thái tâm lý phản ánh ẩn ức bế tắc về giá trị mới.

Chẳng hạn tôn sùng sự thô tục trong giáo dục vì trong vô thức họ đang tìm kiếm phương thức hiện tồn mới giữa giáo viên và học sinh nghĩa là đang giải thiêng nghề giáo và quan hệ vốn đã được thần thánh hóa trước đó.

Chẳng hạn họ say mê giá trị vật chất là vì trong vô thức đang muốn thoát khỏi sự ám ảnh về nghèo đói đã đeo bám họ suốt mấy đời.

Chẳng hạn họ thánh hóa tiếng Anh (ngay hôm qua khi đón con tại nhà trẻ tôi đã bị chặn lại giữa đường bởi một cậu thanh niên để cậu ta giới thiệu về trung tâm tiếng Anh cho trẻ 2-3 tuổi và tôi đã lạnh lùng đáp rằng con tôi còn quá nhỏ để có thể học bất cứ thứ gì như tiếng nước ngoài làm cậu ta bối rối) là để cố gắng vượt qua nỗi ám ảnh về sự tụt hậu và bỏ rơi cũng như bóng ma của xã hội cạnh tranh tàn khốc.

Chẳng hạn giới trẻ phóng túng trong ngôn ngữ nói, viết (dùng từ ngữ thô thục, tiếng lóng tùy tiện, ngữ pháp câu cú lộn xộn, dùng bừa bãi tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ thay thế, lẫn lộn chủ thể giao tiếp trong ngoại ngữ và tiếng Việt…), phóng túng trong tình dục (quan hệ nhiều bạn tình cùng lúc, “tình một đêm”, sống bầy đàn…), nổi loạn chống lại gia đình và các giá trị truyền thống… thực ra là chứng bệnh hoang mang về giá trị. Họ cảm thấy ngột ngạt với hiện tại nhưng chưa đủ trí tuệ và bản lĩnh để hiểu và tiếp nhận tự do. Bởi thế, họ chỉ có thể cảm nhận và thực hành sống tự do trong cái vỏ của tự do.

•••

Vì vậy, thúc đẩy sự tiến bộ ở Việt Nam xét cho đến cùng là sự thúc đẩy về chuyển hóa giá trị. Từng người cần giác ngộ và khai minh về giá trị. Nói một cách dễ hiểu hơn đó là việc người Viêt cần phải tự ý thức để nhận thức về giá trị phổ quát.

Nhưng cần lưu ý rằng nền tảng và là cũng là dưỡng chất để nuôi giá trị phổ quát thực ra lại là nền tảng văn hóa truyền thống.

Điều này có thể thấy rất rõ qua các nhân vật xuất chúng ở Việt Nam, những người thấm nhuần cả hai nền văn hóa Đông và Tây.

Những người không có khả năng tiếp nhận giá trị phổ quát hoặc phủ nhận toàn bộ truyền thống để thánh hóa giá trị đương đại trên thực tế lại là những người chưa nắm bắt được các giá trị đó. Họ chỉ mới đang say mê và nhận được cái vỏ của văn minh.

Hệ quả là họ sống với tiêu chuẩn kép.

Ở cộng đồng nơi có các giá trị phổ quát được tôn vinh, họ cố gắng thể hiện là người văn minh.

Ở cộng đồng mà họ muốn thoát ra, họ hoặc thể hiện là kẻ sành điệu hoặc sẽ trở lại nguyên hình là kẻ hủ lậu.

Đấy là bi kịch và cũng là hài kịch về giá trị.

NCS. Nguyễn Quốc Vương

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ