2018 đang sắp trở thành năm thứ tư nóng nhất trong lịch sử loài người. Và chúng ta vẫn chưa chuẩn bị đủ để đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Năm nay, sản lượng lúa mì ở nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (European Union) cũng được tiên đoán bị sút giảm. Tại Anh Quốc, sản lượng lúa mì được dự đoán sẽ thấp hơn cùng kỳ trong vòng 5 năm qua. Nông dân Đức cũng cho biết vụ mùa của họ dường như thấp hơn mức bình thường. Và ở Thụy Điển, mức nhiệt độ cao kỷ lục làm cho nhiều cánh đồng nứt nẻ và các bác nông dân phải tranh nhau từng đám cỏ khô cho đàn gia súc của họ.
Cư dân của thành phố New Delhi vào tháng 6/2018. Mức nhiệt cao cực độ đánh thẳng vào người nghèo khổ, và các khu vực đã nóng sẵn như Nam Á thường rất cực trong mùa này.

Mùa hè đỏ lửa và nóng bức năm nay trông giống như viễn cảnh của tương lai, khi các nhà khoa học đang cảnh báo về một kỷ nguyên mới của biến đổi khí hậu, và nó cho thấy thực tế thế giới con người vẫn chưa sẵn sàng chuẩn bị đủ để sống trên một hành tinh ngày càng nóng hơn.

Các thảm họa xảy ra hàng ngày đều vượt quá tầm kiểm soát và mang tính hủy diệt. Ở bang California, những người lính cứu hỏa đang phải chạy đua để kiểm soát đám cháy rừng lớn nhất trong lịch sử tiểu bang này. Sản lượng thu hoạch các hoa màu chính yếu như lúa mì và bắp chắc chắn sẽ giảm sút nhiều trong năm nay tại những quốc gia có vùng địa lý hoàn toàn khác biệt nhau như Thụy Điển và El Salvador. Ở Châu Âu, các nhà máy năng lượng nguyên tử phải ngừng hoạt động vì nước sông giúp làm nguội phản ứng hạt nhân trở nên quá ấm. Những cơn sóng nhiệt xảy ra tại bốn lục địa làm hư hại nhiều hệ thống đường dây điện.

Và hàng chục cái chết liên quan đến nhiệt độ môi trường tăng cao ở Nhật Bản trong mùa hè này đã cung cấp hương vị cho điều mà nhiều nhà nghiên cứu khoa học cảnh báo về sự gia tăng tỷ lệ tử vong vì sốc nhiệt cực đoan. Một nghiên cứu hồi cuối tháng trước trên Tạp chí Y khoa của Thư viện Khoa học Công chúng (PLOS Medicine) dự báo một mức tăng tử vong vì nhiệt gấp 5 lần dành cho nước Mỹ vào năm 2080. Và viễn cảnh dành cho các nước kém giàu hơn Mỹ thì chắc chắn tệ hại hơn, ví dụ như với Philippines chẳng hạn, các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ tử vong sẽ tăng 12 lần.

Trên phạm vi toàn cầu, năm nay đang dần trở thành năm thứ tư có nền nhiệt nóng nhất trong lịch sử ghi nhận của loài người. Những năm nóng hơn lại chính là ba năm liên tiếp trước đó. Chuỗi ghi nhận kỷ lục này là một phần của chiều hướng gia tăng nhiệt độ so với thời kỳ con người bắt đầu khởi động nền công nghiệp hóa của mình, mà các nhà khoa học gọi đó là chứng cứ rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu gây ra bởi phát thải khí nhà kính.

Và cho dù sẽ có một số thay đổi về khuôn mẫu thời tiết trong những năm sắp tới, với xen kẽ một số năm mát mẻ hơn, thì xu hướng chung vẫn rõ ràng: 17 trong 18 năm có nền nhiệt nóng nhất kể từ khi con người biết ghi nhận nhiệt độ trong thời hiện đại, đã diễn ra bắt đầu từ năm 2001.

Ts. Cynthia Rosenzweig, người đang điều hành nhóm nghiên cứu những tác động của khí hậu ở Học viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA (NASA Goddard Institute for Space Studies), nói về hiện tượng nóng lên toàn cầu và thiệt hại cho con người như sau: “Nó không còn là tiếng kêu gọi thức tỉnh nữa. Giờ đây, điều đó đang xảy ra trong thực tế đối với hàng triệu người trên khắp thế giới.”

Vậy hãy cẩn thận trước khi bạn cho rằng nó là một điều bình thường mới.

Nhiệt độ vẫn đang gia tăng, và cho đến nay, mọi nỗ lực nhằm chế ngự nhiệt độ đều thất bại. Các nhà khoa học đã kết luận những cơn sóng nhiệt luôn có chiều hướng gia tăng cường độ và tần số, tỷ lệ thuận với lượng khí thải của con người. Và ở phía trước là một tương lai của hàng loạt thất bại về mặt hệ thống, đe dọa những nhu cầu căn bản như nguồn cung lương thực và điện năng.

Đối với rất nhiều nhà khoa học, đây chính là năm mà họ bắt đầu trải nghiệm biến đổi khí hậu thay vì chỉ nghiên cứu về nó như trước đây.

Bà Kim Cobb, một giáo sư về khoa học khí quyển và địa lý thuộc Học viên Công nghệ Georgia ở Atlanta (Mỹ) (Georgia Institute of Technology), phát biểu: “Thành thật mà nói, những gì chúng ta cùng chứng kiến ngày hôm nay làm cho tôi phải xem xét lại, không chỉ việc con cái mình sẽ sống như thế nào, mà còn chính cá nhân tôi sẽ sống và hiện đang sống như thế nào. Chúng ta chưa chuẩn bị đủ cho điều đó. Về mặt cá nhân, tôi chưa chuẩn bị đủ cho điều đó.”

Ngay trong tuần này, bà đang cài đặt những cảm biến để đo lường mực nước biển dâng ở vùng duyên hải Georgia nhằm giúp các quan chức chính phủ kiểm soát phản ứng của thảm họa, khi nó ập đến.

Cô Katherine Mach, một nhà khoa học về khí hậu thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cũng cho biết một điều gì đó đang đánh động ý thức của cô.

Cô nói: “Hàng thập kỷ trước đây, khi ngành khoa học nghiên cứu về các đề tài khí hậu lần đầu tiên ra đời, những tác động ấy được xem như là vấn đề của người khác, của thế hệ loài người trong tương lai, hoặc có lẽ của riêng những cộng đồng dân cư đang đấu tranh cho môi trường”, và cho biết thêm rằng nền khoa học ngày nay đã ngày càng có khả năng liên kết được sự kiện thời tiết với biến đổi khí hậu.

Cô nói tiếp: “Do chúng ta ngày càng cảm thấy khó chịu vì oi bức và khói bụi, đã đến lúc ngành khoa học giáo điều phải xác định cách thức mà các loại khí giữ nhiệt đã gây ra mối hiểm họa này. Đây chính là thời điểm đổi thay mà tất cả chúng ta đang cùng trải nghiệm với nhau.”

Một khu vực bị cạn kiệt nước của sông Rhine, gần Düsseldorf, Đức, vào tháng 8/2018.

Một hồ bơi công cộng ở Yongin, Nam Hàn, vào tháng 8/2018.

Khu trung tâm thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 7/2018. Một cơn sóng nhiệt đã giết chết hàng chục người trên khắp đất nước Nhật Bản vào mùa hè này.

Trên bình diện toàn cầu, năm nóng nhất từng được ghi nhận là năm 2016. Và điều đó hoàn toàn có thể dự đoán được, vì năm đó có xảy ra hiện tượng El Niño, lúc mà chu kỳ khí hậu ở Thái Bình Dương đặc biệt khuếch đại nền nhiệt Trái Đất.

Nhưng sau đó, rất đáng ngạc nhiên là 2017 không phải là một năm có hiện tượng El Niño mà vẫn nền nhiệt nóng gần tương đương như vậy. Và theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc Gia Hoa Kỳ (NOAA), đó là năm nóng nhất thứ ba theo ghi nhận, còn đối với Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA), đó lại là năm thứ hai nóng nhất.

Và NOAA cũng đã xác nhận rằng, nửa đầu năm 2018, cũng không có hiện tượng El Niño xảy ra, có nền nhiệt nóng thứ tư trong lịch sử ghi nhận.

Theo NOAA, trong toàn bộ khu vực thuộc vĩ độ thấp hơn của 48 tiểu bang Hoa Kỳ, khoảng thời gian giữa tháng Năm và tháng Bảy được xếp hạng nóng nhất trong lịch sử, với mức nhiệt trung bình là 70,9°F, hay 21,6°C, nghĩa là hầu như tăng lên 5% so với bình thường. Năm ngoái, mực nước biển cũng tiếp tục có khuynh hướng dâng lên cao hơn, thêm khoảng 3 inches, hay 7,7cm, cao hơn các mực nước biển đo được từ năm 1993.

Tất cả các con số này có ý nghĩa gì?

Đối với Daniel Swain, một nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học California (Los Angeles, Mỹ), chúng chứng minh cho các mô hình toán học của cộng đồng khoa học, dù điều đó không nhất thiết làm chúng ta cảm thấy thoải mái.

Ts. Swain thận trọng chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong một thế giới không chỉ nóng ấm hơn so với trước đây. Chúng ta chưa chạm đến một tình trạng bình thường mới. Đây chưa phải là trạng thái ổn định của một thời đại biến đổi khí hậu mới.”

Ngược lại với hiểu biết trên, lượng phát thải khí carbon dioxide đã gia tăng đến mức kỷ lục trong năm 2017, sau ba năm được kiểm soát ở mức ổn định. Trong khí quyển, người ta thấy carbon ở mật độ cao nhất trong vòng 800.000 lịch sử của Trái Đất.

Mặc cho hiệp ước toàn cầu về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Paris diễn ra hai năm trước, các quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới — bao gồm Mỹ, quốc gia duy nhất trên Trái Đất rút khỏi hiệp ước trên — đều không hề tuân theo những mục tiêu cắt giảm khí thải mà họ tự mình cam kết. Thậm chí các nước giàu có cũng không đóng góp tiền, như đã cam kết trong thỏa thuận Paris, để giúp đỡ những nước nghèo đối phó với các thảm họa của biến đổi khí hậu.

Các căn nhà bị phá hủy trong vụ cháy rừng Carr Fire ở Redding, tiểu bang California (Mỹ) vào cuối tháng vừa qua.

Một phụ nữ chạy trốn khỏi căn nhà của bà ở Lakeport, tiểu bang California (Mỹ) khi vụ cháy rừng River Fire tiếp cận khu vực trong tháng 7/2018. 

Cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chỉ ra rằng, với việc cắt giảm đáng kể khí nhà kính và thay đổi cách sống của con người chúng ta — ví dụ như lãng phí thức ăn — thì hiện tượng ấm nóng toàn cầu có thể chậm lại đủ để tránh được những hậu quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.

Một số chính phủ, ở phạm vi cả trung ương và địa phương, đang ra sức hành động. Trong một nỗ lực ngăn chặn các trường hợp tử vong do nhiệt, nhiều viên chức nhà nước đang cam kết trồng nhiều cây xanh hơn ở Melbourne, (Úc), và lợp mái nhà với tấm phủ sơn phản chiếu màu trắng ở Ahmedabad (Ấn Độ). Các nhà nông học đang cố hết sức phát triển hạt giốn có khả năng chịu nhiệt và hạn hán tốt hơn. Thụy Sĩ thì hy vọng tránh cho các đường ray xe lửa bị cong vêu dưới sức nóng cực độ bằng cách sơn chúng thành màu trắng.

Các nhà khoa học khí hậu cũng cố gắng đẩy nhanh và hiệu quả hơn công việc nghiên cứu của mình. Nhóm của Ts. Rosenzweig ở NASA đang nỗ lực tiên đoán, không chỉ khả năng xảy ra của một cơn sóng nhiệt, mà còn thời gian tồn tại của nó, để giúp ban lãnh đạo các thành phố ở Mỹ chuẩn bị đối phó. Những nỗ lực tương tự cũng được tiến hành nhằm dự báo sự phân bố của lượng mưa cực đoan để hỗ trợ nông dân trước thảm họa.

Các nhà khoa học của Tổ chức Thẩm quyền Khí hậu Thế giới (World Weather Attribution) đang làm việc để cải tiến những mô hình nghiên cứu của họ trở nên chính xác hơn. Bà Friederike Otto, một phó giáo sư thuộc Đại học Oxford, cũng là thành viên của tổ chức này, cho biết: “Nhiệt độ ở Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn cả các mô hình dự đoán.”

Gần đây, nhóm của bà giáo sư đã kết luận rằng nền khí hậu biến đổi do con người tạo ra đã gia tăng gấp đôi khả năng xảy ra mức nhiệt độ cao kỷ lục ở Bắc Âu vào mùa hè năm nay.

Tác động của các ghi nhận nền nhiệt này đang được cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau. Nguồn cung năng lượng của châu lục cũng đang bị quá tải vì rất nhiều máy điều hòa nhiệt độ được bật lên trong tuần qua.

Rồi tiếp theo là tác động của nhiệt và hạn hán đối với nghề nông. Ở El Salvador, một đất nước bị xâu xé bởi các băng nhóm bạo lực, những người nông dân ở khu vực phía Đông của quốc gia này đang phải đứng nhìn vụ mùa bắp mùa hè của họ bị hủy diệt bởi nền nhiệt vượt kỷ lục, lên đến 107°F, hay khoảng 41°C. Theo chính phủ nước này, trời không hề đổ mưa trong suốt 40 ngày qua ở một số nơi.

Một nông dân ở Usulután (El Salvador) trên cánh đồng bắp khô héo vì hạn hán. Nhiệt độ ở khu vực này chạm mức 41°C vào mùa hè này.

Năm nay, sản lượng lúa mì ở nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (European Union) cũng được tiên đoán bị sút giảm. Tại Anh Quốc, sản lượng lúa mì được dự đoán sẽ thấp hơn cùng kỳ trong vòng 5 năm qua. Nông dân Đức cũng cho biết vụ mùa của họ dường như thấp hơn mức bình thường. Và ở Thụy Điển, mức nhiệt độ cao kỷ lục làm cho nhiều cánh đồng nứt nẻ và các bác nông dân phải tranh nhau từng đám cỏ khô cho đàn gia súc của họ.

Palle Borgstrom, Chủ tịch của Hiệp hội Nông dân Thụy Điển (Federation of Swedish Farmers), cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng tổ chức của ông ước tính mức thiệt hại trong nền nông nghiệp nước nhà lên đến 1 tỷ USD.

Ông nói thêm: “Chúng tôi nhận được một số cuộc gọi từ những người nông dân đang thức trắng đêm và lo âu về hoàn cảnh thực tế của họ. Đây là tình trạng cực đoan mà chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt.”

Nguyen Dat An chuyển ngữ.
https://www.nytimes.com
Bài liên quan đến chủ đề môi trường:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ