Du học Đông Tây thất bại, vì sao?

Các bạn thất bại là bởi vì không quen khổ không chịu được khổ. Điều đó cũng có nghĩa là ở việt nam quá sướng nên các bạn không biết khổ là gì (?). GDP của Tây cao hơn Việt Nam 20 lần thì đương nhiên mọi thứ đều khó hơn, mỗi người dân phải è cổ gánh nặng hơn, ví dụ khó khăn cụ thể là con người ta phải: nghiêm túc hơn 20 lần; trung thực tự trọng hơn 20 lần; chăm chỉ khỏe mạnh hơn 20 lần; tự nguyện đóng góp vun vén kiến tạo xã hội hơn 20 lần; chủ động sẵn sàng tìm kiếm cơ hội hơn 20 lần...

Mình quan sát thấy gần chục năm gần đây ở ta rộ lên mốt vượt biên đi du học mà dân tình vẫn gọi đùa là đi tị nạn giáo dục. Qua các câu chuyện tư vấn du học từ 7 năm nay mình thấy những lý do dẫn đến việc phụ huynh quyết định cho con đi ra nước ngoài học, ví dụ như:

a. Kinh tế trong nước khủng hoảng, thị trường quá thiếu việc làm

b. Phần đông phụ huynh không hài lòng không tin tưởng với chất lượng dạy + học + sống trong nước

c. Có một số trường chả có tiếng tăm gì ở nước ngoài về đây bắt tay thông đồng cùng với các công ty/trung tâm mời chào đủ loại học bổng hấp dẫn để xúi giục dụ dỗ phụ huynh móc hầu bao chi tiền cho con đi mua chữ...

d. Đi du học để khẳng định đẳng cấp, để chứng tỏ gia đình có điều kiện giàu có hơn người. Hoặc để tránh những kì thi hà khắc ở Việt Nam.

Mình có cảm giác dân tình phát sốt với giấc mơ du học. Nhiều nhà muốn tống con đi bằng mọi giá. Bất chấp rủi ro. Với hy vọng có một tương lai sáng sủa hơn.

Nhưng theo quan sát thống kê của mình thì thành tích du học, của 10 năm trở lại đây, chưa ổn. Tức là nhiều con đi được rồi nhưng không học được. Hoặc học rất lâu mới xong nhưng sau đó không tìm được việc làm. Vì thế gia đình mất quá nhiều tiền, mất quá nhiều thời gian, lận đận long đong mãi vẫn chưa tới được bến bờ hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra vì sao lại như thế. Vì sao 10 con đi chỉ có 2-3 con trụ được vui khỏe. Mình nêu ra đây 1 số vấn đề để chúng ta bàn thảo cùng tìm ra chiến lược thoát nghèo hiệu quả.

1. Học tập bên nước ngoài không dễ. Có thể nói không đâu dễ lên lớp, dễ tốt nghiệp, dễ được cấp chứng chỉ bằng cấp như ở Việt Nam. Hay có thể nói lương tâm nghề nghiệp, tự trọng đạo đức + trách nhiệm của giáo viên tây quá đắt nên không thể mua được bằng phong bì.

2. Sống ở nước ngoài không vui. Có thể nói không ở đâu vui bằng ở Việt Nam. Ở đây mở mắt ra đường ra ngõ cơ man nào là quán xá cafe mời mọc dụ dỗ. Từ sáng đến đêm ăn nhậu hẹn hò rất chi là dễ. Bên Tây lạnh, thời tiết âm u, dân tình cắm mặt lo làm, lo giữ gìn sức khoẻ; tiết kiệm căn cơ, trật tự kỉ cương, im lìm vắng vẻ. Vui gì mà vui.

3. Sống ở nước ngoài không tiện. Muốn làm gì phải có kế hoạch, muốn thăm ai phải có lịch, muốn đi đâu xa phải rình đặt mua vé sớm không thì rất tốn. Đường xá, tàu xe đi lại leo trèo rạc cẳng. Có thể nói tây rất nguyên tắc cứng nhắc. Chứ không xoạch xe máy linh hoạt như ở đây.

4. Sống ở nước ngoài nhiều cái không hiểu. Kiểu gì thì mới sang hoặc sang lâu mà không học thì sẽ mắc bệnh câm mù điếc. Tức là họ nói không hiểu, mình xem không hiểu, mình nghe không hiểu. Rất dễ bị ức chế tự ti, tự kỉ, hoài nghi chán sống.

5. Sống ở nước ngoài không được phủi tay = phải chịu trách nhiệm. Làm gì cũng có hợp đồng, không cãi cùn. Hẹn phải đúng giờ, deadlines phải nghiêm túc. Đi muộn về sớm bị cười chê. Không dễ trí trá như ở đây. Không có chuyện hiệu trưởng đâm ngã học sinh rồi ỉm đi. Sản phẩm làm không đúng thoả thuận bị phạt, trừ lương. Không khóc lóc xin xỏ, nhờ vả cảm thông. Chỉ có làm tốt mới được lên chức tăng lương. Còn lâu mới có chính sách ưu tiên nọ kia.

6. Sống ở nước ngoài không dễ lòe bịp. Ở nước ngoài người ta không trọng hình thức không quá trọng vật chất. Bạn không dễ khoe, không dễ được tung hô. Muốn được công nhận được tôn trọng thì phải tử tế, phải trước sau như một. Phải làm đủ thứ để nhiều người kiểm chứng được. Hươu vượn hứa suông thì không thuyết phục được ai. Giàu thì phải giàu chính đáng, trốn nọ trộm kia tù mọt gông...

7. Sống ở nước ngoài không dễ kết bạn. Tây họ rất tiết kiệm thời gian, họ thực dụng. Họ sẵn sàng gặp gỡ mọi lúc mọi nơi để chia sẻ, để bàn chuyện làm ăn, chuyện chính trị, giao lưu trao đổi văn hóa. Nếu gặp chỉ để chém gió dô dô thì chỉ có Tây dở hơi mới thích.

8. Sống ở nước ngoài phải rất nghiêm túc. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều rất nhiều người soi. Ra đường cười hô hố là không xong. Lên tàu xe vứt rác trốn vé là bị lườm nguýt. Đang ngồi giảng đường mà bấm đt chơi games thì là người dở hơi. Lơ mơ rất dễ bị cô đơn lạc lõng như người ngớ ngẩn...

9. Sống ở nước ngoài không có người yêu bạn vô điều kiện. Chỉ có bố mẹ gia đình mới yêu thương, hy sinh nhường nhịn bạn vô điều kiện. Đi ra bên ngoài muốn được yêu quý thì bạn phải yêu quý người ta trước. Phải đầu tư thời gian công sức tiền bạc vào việc chăm sóc tình bạn. Nếu chỉ biết nhận mà không biết cho thì chả ai chơi. Nếu chỉ phong bì cân cam xun xoe nịnh nọt khi nào cần thì khó lắm. Muốn có bạn tốt thì phải chung thủy, nỗ lực đầu tư chăm sóc thường xuyên. Ngay từ lúc chưa cần ai giúp đỡ điều gì.

10. Sống ở nước ngoài là phải chủ động mọi thứ. Cái này là rất khó với bạn trẻ Việt Nam. Vì từ bé gia đình, xã hội Việt Nam đã không khuyến khích không dậy dỗ đào tạo bạn thành người tự chủ. Ở nhà thì có bố mẹ, đến trường thì có thầy cô, mọi người chọn lựa quyết định hộ bạn từ A-Z. Bạn chỉ cần làm theo mệnh lệnh không cần nghĩ ngợi. Chỉ cần ngoan ngoãn gật gù là được khen thưởng nên bạn đã quen thụ động dập khuôn như một cỗ máy.

11. Tìm việc làm ở nước ngoài không dễ. Đầy người bản địa thất nghiệp vì thế bên cạnh việc học để tốt nghiệp bằng ưu bạn phải xông pha làm thêm, phải đi thực tập, phải đi hội thảo hội chợ việc làm. Phải biết tìm kiếm và mạnh dạn chấp nhận đi xa, chuyển nhà liên tục. Muốn có việc tốt cũng phải có vitamin B giống ở Việt Nam. Nhưng bên đó không mua được vitamin B nhanh qua việc đến nhà đưa phong bì mà phải đầu tư thời gian công sức hàng năm giời...

12. Tây đa số là khôn ranh. Từ bé dân bản địa đã ở đó, mọi thứ chúng nó thông thuộc rồi. Cả đời chúng nó được dậy phải tối ưu hóa hoàn hảo hóa mọi thứ. Từ việc tiêu tiền đến sử dụng thời gian. Để địch được họ không hề dễ. Mình ấm ớ mới sang lạ nước lạ cái thở còn chưa xong lấy đâu ra mà vui vẻ hạnh phúc ngay.

13. Tây không dễ chấp nhận người nước ngoài. Họ không sợ, không nể, không sùng bái, không tin người nước ngoài giống như người Việt. Chúng nó cứ cười cười thế thôi. Nếu bạn không mang lợi ích cho nó, lợi ích cụ thể là:

a. làm cho nó giàu lên về sức khỏe - tức là mang lại niềm vui thoải mái dễ chịu,

b. làm cho nó giàu lên về tài sản tiền bạc, thì không dễ mà nó chơi...

14. Sống ở nước ngoài trăm nghìn nỗi khổ. Đi làm quanh năm. Lễ tết hội hè nghỉ ngắn. Phải luôn chăm chỉ tận tụy. Sống có kế hoạch. Tôn trọng pháp luật. Không dễ vay mượn cầm nhầm, khất lần trốn quịt, không được tuỳ tiện lôm côm. Có thể nói ở nước ngoài rất gò bó, lấy đâu ra Tự Do. Ti tỉ thứ áp lực từ sáng đến đêm...

Có phải vì những khổ cực đó nên nhiều bạn trẻ Việt Nam đi du học

a. bị gục ngã, đứt gánh giữa đường, bỏ về

b. luôn cô đơn buồn tủi chán nản thất vọng khi xa nhà?

Có phải vậy thì có thể chốt lại rằng:

a. Các bạn thất bại là bởi vì không quen khổ không chịu được khổ. Điều đó cũng có nghĩa là ở Việt Nam quá sướng nên các bạn không biết khổ là gì (?). GDP của Tây cao hơn Việt Nam 20 lần thì đương nhiên mọi thứ đều khó hơn, mỗi người dân phải è cổ gánh nặng hơn, ví dụ khó khăn cụ thể là con người ta phải:
- nghiêm túc hơn 20 lần
- trung thực tự trọng hơn 20 lần
- chăm chỉ khỏe mạnh hơn 20 lần
- tự nguyện đóng góp vun vén kiến tạo xã hội hơn 20 lần
- chủ động sẵn sàng tìm kiếm cơ hội hơn 20 lần v.v...

b. Ở Việt Nam đang sướng rồi thì đi du học làm gì để khổ, tiền mất tật mang (?) hoặc

c. Chỉ những ai thích khổ (kiểu như ở bên Tây) không thích sướng (kiểu như ở ở Việt Nam) thì mới nên chọn con đường đi du học (?)

Mình mong phụ huynh và các con cân nhắc kỹ. Để chúng ta thông suốt, không mua mèo trong rọ, không tiếp tục mâu thuẫn. Để du học không tiếp tục là một cú đầu tư thua lỗ đáng tiếc.

Mình cảm ơn rất rất nhiều.

HB.

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ