Số phận là đặc ân hay định mệnh

Bây giờ, có vẻ như trẻ em, thanh niên hầu như chẳng thiếu thứ gì (trừ trẻ em ở nơi nghèo hay mồ côi khốn khó) nhưng chính vì thế mà có vẻ như sức sống của chúng trở nên yếu ớt và ý chí rất mỏng manh. Thanh niên cũng thế. Bù lại, là sự khẳng định cái tôi trống rỗng và sự đòi hỏi thỏa mãn về vật chất và lạc thú tràn trề. / Đấy có lẽ là một nghịch lý đầy hợp lý chăng? Thi sĩ “viết nằm” Đỗ Trọng Khơi.
Thi sĩ “viết nằm” Đỗ Trọng Khơi.
Thi sĩ “viết nằm” Đỗ Trọng Khơi.

Hôm trước tôi đến Nhà xuất bản Phụ nữ mua mấy thùng sách trong đó có cuốn “Ở thế gian” — tập thơ của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ở Thái Bình.

Tôi biết câu chuyện về cuộc đời ông, bị liệt từ khi học tiểu học nằm một chỗ nhưng làm thơ từ khi tôi còn học phổ thông và đọc thơ ông trên tạp chí văn nghệ quân đội mà bố tôi hay đọc.

Câu chuyện về ông, về chị Bích Lan và nhiều khác nữa làm tôi cứ nghĩ mãi đến một câu hình như trong Kinh thánh mà một tác giả người Nhật đã lấy làm đề từ cho cuốn sách tôi dịch, “Hãy ở nơi bị đặt vào”.

Họ đã bị đặt vào số phận nhưng họ đã làm được nhiều thứ, đã sống theo cách mà ngay cả những người rất khỏe mạnh về thể chất không làm được.

Trong cuộc sống, rất nhiều người khỏe mạnh nhưng sống lại vô cùng còm nhom, yếu ớt và ngược lại.

Hiếm thì mới quý! Người lỡ không may có sức khỏe kém mà giác ngộ thì trân trọng từng phút giây sự sống còn kẻ sinh ra khỏe mạnh mà vô minh thì dùng bừa phứa sức lực vào những chuyện vớ vẩn thậm chí là tội ác.

Hơn 10 năm dạy học, tôi cũng thấy những học trò, sinh viên không tiến bộ về trí tuệ hay lối sống là những người ở trong lòng họ không có ngọn lửa nào đó thiêu đốt. Họ hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất nhưng hình như máu trong họ chảy rất chậm, buồn bã và đều đều. Họ rất khó tập trung, rất khó có hứng thú, rất khó duy trì sự nhiệt tâm đối với bất cứ việc gì. Một màu nhờ nhờ trắng đục là bức chân dung của họ.

Tác động vào họ hay khơi gợi cảm hứng ở họ là không dễ, thậm chí cũng có lúc tôi nghĩ là bất khả.

Ở trong trường, vì trách nhiệm, tôi không dám nghĩ đến từ “next’’ khi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc khi nghĩ về họ.

Nhưng khi ở ngoài, là một giáo viên tự do, ý nghĩ “next” với những thanh niên mà máu chỉ chảy lờ đờ càng lớn. Thời gian của con người có hạn, sức lực có hạn, thời gian đâu để dành vào những việc hiệu quả không biết đến đâu? Người ta có cần tốn thời gian vào các mối quan hệ xã giao nhạt nhòa, hờ hững và gượng gạo hay mạnh dạn bỏ đi để tập trung vào những mối quan hệ sâu sắc và thú vị? Nếu là một người thầy tự do, liệu có thể thở dài bỏ qua những ngọn nến lờ mờ kia để tập trung vào những ngọn đèn rừng rực cháy?

Đấy là sự dằn vặt trở đi trở lại trong tôi.

Bây giờ, có vẻ như trẻ em, thanh niên hầu như chẳng thiếu thứ gì (trừ trẻ em ở nơi nghèo hay mồ côi khốn khó) nhưng chính vì thế mà có vẻ như sức sống của chúng trở nên yếu ớt và ý chí rất mỏng manh. Thanh niên cũng thế. Bù lại, là sự khẳng định cái tôi trống rỗng và sự đòi hỏi thỏa mãn về vật chất và lạc thú tràn trề.

Đấy có lẽ là một nghịch lý đầy hợp lý chăng?

Nguyễn Quốc Vương
Bài về chủ đề Nhân tâm-Lý tưởng:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ