Mình và Máu thánh Chúa...

Lễ Mình và Máu thánh Chúa được cử hành một cách long trọng lần đầu tiên ở giáo phận Liège (Bỉ) vào năm 1247. Lúc đầu, ngày lễ này gặp nhiều chống đối của giới trưởng giả vì họ sợ phải ăn chay, còn một số tu sĩ thì cho rằng không nên cử hành thêm một ngày lễ kính Chúa để người dân đỡ phải đóng góp. Có lẽ ngày lễ kính Mình máu thánh Chúa sẽ không được đưa vào lịch phụng vụ của Giáo hội hoàn cầu nếu không có một phép lạ xảy ra sau đó. Mình và Máu thánh Chúa...
Mình và Máu thánh Chúa...


Lễ Mình và Máu thánh Chúa được cử hành một cách long trọng lần đầu tiên ở giáo phận Liège (Bỉ) vào năm 1247. Lúc đầu, ngày lễ này gặp nhiều chống đối của giới trưởng giả vì họ sợ phải ăn chay, còn một số tu sĩ thì cho rằng không nên cử hành thêm một ngày lễ kính Chúa để người dân đỡ phải đóng góp. Có lẽ ngày lễ kính Mình máu thánh Chúa sẽ không được đưa vào lịch phụng vụ của Giáo hội hoàn cầu nếu không có một phép lạ xảy ra sau đó.

Cách đây hơn 750 năm, vào tháng 12 năm 1263, một linh mục người Tiệp Khắc tên là Phê-rô đã làm một cuộc hành hương dài từ Praha đến cầu nguyện trên mộ thánh nữ Cristina tại vương cung thánh đường kính thánh nữ ở thành phố Bolsena, gần Roma. Khi đến đây, vị linh mục này gặp khủng hoảng trong đức tin, vì vậy ngài cầu xin thánh nữ Cristina cho mình thêm lòng tin và cho ngài cảm nhận được sự hiện diện thực của Chúa Ki-tô trong thánh thể vì ngài có chút nghi ngờ về điều này. Phép lạ xảy ra khi cha Phê-rô đang dâng thánh lễ và có đông giáo dân tham dự. Sau khi truyền phép xong, mình thánh Chúa bỗng chuyển sang màu hồng và có vài giọt máu rơi xuống khăn thánh. Thấy vậy, cha Phê-rô vừa mừng vừa sợ liền vội vàng mang mình và máu thánh Chúa cùng khăn thánh vào phòng áo để không ai nhìn thấy. Thế nhưng, máu thánh Chúa vẫn tiếp tục chảy và rơi xuống lối đi, cho nên sự việc được mọi người biết đến. Hồi đó, đức thánh cha Urbano IV đang ở Orvieto, cách nơi xảy ra phép lạ không xa. Ngài yêu cầu hai nhà thần học lừng danh thời bấy giờ là thánh Tôma Aquinô (dòng thánh Đa Minh) và thánh Bonaventura (dòng thánh Phanxicô) đến Bolsena điều tra vụ việc. Hai nhà thần học xác nhận phép lạ có thật, vì vậy toàn bộ thánh tích được rước về Orvieto. Ngày nay chiếc khăn thánh vẫn còn được trưng bày ở nhà thờ chính toà Orvieto, còn những viên đá lát nền có máu thánh Chúa được trưng bày ở vương cung thánh đường kính thánh nữ Cristina. Năm sau, tức là năm 1264, đức thánh cha Urbano IV tuyên bố cử hành lễ Mình máu thánh Chúa. Ngài còn nhờ thánh Tôma soạn thảo các bản văn phụng vụ cho ngày lễ này vì thánh Tôma là người có lòng yêu mến Thánh thể một cách đặc biệt. Sang thế kỷ thứ XIV, việc cử hành được phổ biến rộng khắp trong toàn Giáo hội Công giáo La Mã.

Trong lịch sử Giáo hội, có hơn 130 phép lạ liên quan đến Thánh thể được ghi nhận, phần lớn ở châu Âu. Phép lạ gần đây nhất diễn ra vào ngày lễ Giáng sinh năm 2013 ở Ba Lan và được Giáo hội công nhận vào năm 2016 sau khi đã được viện Pháp y làm xét nghiệm AND và xác định rằng mình thánh Chúa (bánh thánh) có cấu trúc giống cơ tim của người.

Lễ Mình và Máu thánh Chúa giúp chúng ta nhìn lại bí tích Thánh thể để chiêm ngắm tình yêu vô biên của Chúa Giê-su. Vì tình yêu đối với nhân loại, Chúa đã hy sinh chịu chết trên thập giá. Và mỗi khi Giáo hội cử hành thánh lễ, Chúa Giê-su lại tiếp tục trao ban chính mình qua lễ vật tượng trưng là bánh và rượu như những phép lạ về Thánh thể đã minh chứng điều này. Và vì vậy, khi chúng ta rước mình thánh Chúa, chúng ta cũng được kết hiệp mật thiết với Chúa và đón rước Chúa vào ngôi nhà nội tâm của mình. Trong chúng ta, mình thánh Chúa không chỉ là dưỡng chất linh thiêng nuôi dưỡng đời sống tâm linh của con người nhưng còn là nguồn sống, nguồn sức mạnh giúp chúng ta sống và làm chứng cho Chúa. Mỗi khi được rước lễ, chúng ta được mời gọi trao ban chính mình như Chúa Ki-tô. Chúng ta được mời gọi loại bỏ con người cũ, con người của tội lỗi, của xác thịt yếu đuối để sống theo thánh ý Chúa, sẵn sàng để tay Chúa dẫn đưa chúng ta trên những nẻo đường chúng ta chưa bao giờ đi qua.

Chúng ta được Chúa mời gọi trở thành cánh tay của Người để chăm sóc, nâng đỡ những người yếu đuối, những người đau yếu, những người không chốn nương thân, không nơi nương tựa;

Chúng ta được Chúa mời gọi trở thành đôi tai của Người để lắng nghe tiếng kêu tuyệt vọng của người đau khổ, của người đang bị ngược đãi, những người cô thân cô thế, những người đang chịu bất công, oan trái;

Chúng ta được Chúa mời gọi trở thành đôi mắt của Người để cảm thông với những người bị khinh miệt, bị chà đạp, bị tước đoạt phẩm giá;

Chúng ta được Chúa mời gọi trở thành trái tim của Người để yêu thương những người nghèo khổ, những người bất hạnh, những người bị ghét bỏ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong Thánh thể, và khi được rước mình thánh Chúa, xin Chúa biến đổi chúng ta, để cùng với Chúa Giê-su, chúng ta sẵn sàng dấn thân hành động để danh Chúa được rạng rỡ, vinh quang và để góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc dựng xây một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn, huynh đệ hơn, bác ái hơn.

Giêrônimô Bùi Thiện Thảo, op.
Bài về chủ đề Thánh Thể:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ