Bạn không chắc là mình có sống đúng ý Chúa? Câu trả lời là đây!

Linh mục Walter Ciszek, S.J., là linh mục Mỹ gốc Ba Lan, và phụ trách việc truyền giáo bí mật tại Liên Xô từ năm 1939 đến 1963, trong đó có 15 năm tù đày và lao động cực nhọc trong trại khổ sai, cộng thêm 5 năm trong trại tù khét tiếng Lubvanka ở Mát-cơ-va. Ngài một lòng tín trung với Thiên Chúa trong nhiều năm trường khổ đau, tù đày, kiên trì cầu nguyện và ban các bí tích cho nhiều người mà ngài có dịp tiếp cận. Sau khi được trả tự do và trở lại Mỹ năm 1963, ngài viết hai cuốn sách về những năm tháng tại Nga Xô… Những gì linh mục Ciszek chia sẻ về việc nhận biết thánh ý Chúa, rất hữu ích cho những ai đang đứng trước một quyết định khó khăn, hay muốn có được sự xác nhận, xác tín rằng, cuộc đời họ phù hợp với những ý định của Thiên Chúa.

Linh mục thừa sai sống sót từ nhà tù khổ sai của cộng sản Nga Xô, chia sẻ một cách chắc chắn giúp biện biệt điều này.

Ai cũng phải công nhận Tôi Tớ Chúa, linh mục Walter Ciszek, S.J., là một người có nhân đức anh hùng trổi vượt. Ngài là linh mục Mỹ gốc Ba Lan, và phụ trách việc truyền giáo bí mật tại Liên Xô từ năm 1939 đến 1963, trong đó có 15 năm tù đày và lao động cực nhọc trong trại khổ sai, cộng thêm 5 năm trong trại tù khét tiếng Lubvanka ở Mát-cơ-va. Ngài một lòng tín trung với Thiên Chúa trong nhiều năm trường khổ đau, tù đày, kiên trì cầu nguyện và ban các bí tích cho nhiều người mà ngài có dịp tiếp cận.

Sau khi được trả tự do và trở lại Mỹ năm 1963, ngài viết hai cuốn sách về những năm tháng tại Nga Xô: cuốn With God in Russia (Có Chúa cùng đi ở Nga Xô) và cuốn He Leadeth Me (Người soi bước tôi). Trong chương thứ hai của cuốn sách thứ hai, ngài đã kể lại sự khó khăn trong việc biện biệt xem, có nên nhận lấy sứ mạng nguy hiểm là vào Nga Xô và thi hành sứ vụ cho các Kitô hữu tại đó một cách bí mật hay không.

Những gì linh mục Ciszek chia sẻ về việc nhận biết thánh ý Chúa, rất hữu ích cho những ai đang đứng trước một quyết định khó khăn, hay muốn có được sự xác nhận, xác tín rằng, cuộc đời họ phù hợp với những ý định của Thiên Chúa. Trước hết, ngài không lường trước được sự khó khăn đi theo quyết định của mình: “Trước đây tôi chưa hề hoài nghi rằng ý Chúa muốn tôi đến Nga Xô. Ngay từ ngày tôi nghe ra tiếng mời gọi ấy, niềm xác tín ấy đã hun đúc nên khung nền cuộc sống của tôi.”

Thế nhưng, đến lúc phải trực diện với quyết định ấy, cha Ciszek lưỡng lự. Ngài cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của mình là tiếp tục ở lại với giáo xứ đã được trao phó cho ngài coi sóc ở Ba Lan, thế nên ngài lo lắng, rời đi là không đúng.

Nỗi thống khổ từ quyết định này đã khiến ngài ăn ngủ không yên, ngài viết: “Tôi bị dằn vặt về đủ thứ câu hỏi và ý nghĩ.” Ngay cả cầu nguyện, là việc làm vốn vẫn giúp ngài nghe được tiếng Chúa trước đây, giờ cũng chẳng giúp gì cho ngài giữa cơn sầu não nội tâm.

Ngài tự vấn về tính chính đáng nơi ơn gọi của mình: “Không phải là tôi đã đang đeo đuổi những ước muốn của chính mình, rồi bảo đó là ý Chúa dành cho tôi?… Tôi đã chắn chắn về thánh ý Chúa?”

Cuối cùng, ngài quyết định ở lại Ba Lan. Ngài nghĩ rằng, tiếp tục ở lại nhiệm sở, tại giáo xứ, nơi rất cần ngài, đó là cách tốt nhất để ngài thi hành sứ vụ của mình.

Ngay sau khi quyết định, ngài cảm thấy tâm hồn “bất an quá đỗi”. Ngài viết, “Tôi cảm thấy không bình an, thanh thản chút nào, tâm hồn trĩu nặng khi ra quyết định về vấn đề của mình.” Ngài cảm thấy mình đã quá chú tâm đến tiếng gọi của lý trí biện luận hơn là tiếng Chúa.

Nhất là, ngài mô tả mình cảm thấy “mất đi sự bình an nội tâm, niềm vui và lửa sống, không còn cảm thấy rằng Thiên Chúa đang đồng hành, liên luỵ trong cuộc sống của tôi.” Mất bình an là dấu rõ ràng để nhận ra rằng, đó không phải là ý Chúa.

Cha Ciszek tiếp tục giải thích,
“Tiếp đến, tôi trải qua điều được nghe từ các vị linh hướng, hay đọc được trong các sách vở tâm linh, những điều tôi nghe, tôi đọc, nhưng chưa bao giờ thực sự thấm, rằng: ý Chúa có thể được biện biệt nhờ những hoa quả của thần khí mà nó mang lại; rằng: sự bình an và niềm vui trong tâm hồn là hai chỉ dấu như thế, và chúng chỉ có được nếu thật tâm và vâng phục trước Chúa và chỉ Người mà thôi, chứ không được đặt nền trên những ý riêng. Rằng, sự chân thực của một lời mời gọi có thể được xác định — hoặc đó là lời mời gọi xuất phát từ ơn gọi, hoặc đó có thể là một sự trệch hướng khỏi ơn gọi đó — nhờ vào những diễn biến nơi tâm hồn của chủ thể.”
Dĩ nhiên, ngài dấn thân, ngài thay đổi chủ kiến của mình, và đã đến Nga Xô. Dù rằng vào Nga Xô là một nẻo đường xa lạ và đầy nguy hiểm, ngài vẫn cảm thấy một sự bình an thâm sâu, sự bình an giúp ngài tin tưởng vào chọn lựa của mình.

Cha Ciszek nhận ra là, cảm giác bình an có thể là chỉ dấu giúp xác định ý Chúa. Kinh nghiệm đó đó có giá trị trong nhiều lãnh vực cuộc sống. Nếu bạn đang phải đắn đo trước một quyết định, hoặc đang phải biện biệt đâu là ý Chúa cho đời mình, hãy áp dụng câu hỏi kiểm tra: Quyết định nào mang lại cho bạn sự bình an và niềm vui nội tâm thật sự?

Đây là sự thật đơn giản, nhưng người ta thường hay quên lãng: Sự bình an đến từ Chúa, còn sự bất an, và hỗn loạn thì do bởi Ma Quỷ. Hãy theo đuổi những gì mang lại cho bạn sự bình an lâu bền và chân thật, và bạn sẽ an tâm rằng bạn đang trung tín sống ý Chúa cho cuộc đời mình.

Theresa Civantos Barber
Chuyển ngữ: Nhóm Phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ