Bảy tuần "thương đau" và câu hỏi, công nghệ trong tay ai?

Tôi luôn có một thắc mắc và đã đem hỏi nhiều chuyên gia trong ngoài nước và tìm đọc các tài liệu, rằng: với trình độ tiến bộ công nghệ cao "chót vót" như Trung Quốc thì sao lại để dịch bùng phát và mọi sự mất kiểm soát dẫn đến thiệt hại khủng khiếp đến vậy? Phải chăng từ "bảy tuần thương đau" (không phải nửa hồn thương đau nha)? Source: fb.com/vu.k.hanh.52/posts/10158401248736122
Tôi luôn có một thắc mắc và đã đem hỏi nhiều chuyên gia trong ngoài nước và tìm đọc các tài liệu, rằng: với trình độ tiến bộ công nghệ cao "chót vót" như Trung Quốc thì sao lại để dịch bùng phát và mọi sự mất kiểm soát dẫn đến thiệt hại khủng khiếp đến vậy? Phải chăng từ "bảy tuần thương đau" (không phải nửa hồn thương đau nha)?


Sân bay quốc tế Daxing của Bắc Kinh vắng hoe (ước tính đến nay đã có 13.000 chuyến bay ở Trung Quốc bị hủy). Ở đây, dãy xe đẩy hành lý quá "rảnh rang" chờ khách mà không thấy ai?

Đầu tư cho công nghệ nhất là về trí tuệ nhân tạo, chắc khó có nước nào qua mặt được Trung Quốc. Vậy mà...

Với dịch CoviD 19, thực tế cho thấy họ đang có rất nhiều nỗ lực cho 2 mục tiêu: phòng chống dịch bệnh và phục vụ đời sống dân vùng phong tỏa.

Mở đầu là câu chuyện 20 kỹ sư công nghệ tuổi U30 của CT robot Pudu Technology tại Thẩm Quyến được gửi đến Vũ Hán. Kỹ sư Zhang Ge, 28 tuổi, lần đầu tiên mặc quần áo bảo hộ đến một bệnh viện tuyến đầu của Vũ Hán để cài đặt robot phục vụ đợt công tác đặc biệt Corona virus. Mới đầu lắp robot cung cấp thức ăn nấu chín và thuốc cho bệnh nhân tận giường bệnh. Sau Vũ Hán, 20 kỹ sư này được giao nhiệm vụ lắp đặt robot tại hơn 40 bệnh viện trên cả nước.

Họ được động viên rằng sự bùng phát coronavirus đang cho họ "cơ hội" thể hiện khả năng lớn của những tiến bộ công nghệ.

Tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ủng hộ một CT công nghệ ra mắt một ứng dụng giúp mọi người biết được là người đang ở gần mình (bất kỳ ai) có đang bị nhiễm bệnh hay không. Ứng dụng này dựa trên thông tin từ các hồ sơ giao thông công cộng, bao gồm cả tàu hỏa và các chuyến bay mà khi đặt chỗ, khách hàng phải nhập "mã số nhận dạng quốc gia" của họ.

Trung Quốc đang gán cho mỗi công dân một mã QR sẽ cho biết họ có nguy cơ nhiễm virus corona hay không và có cần phải tự cách ly? Hệ thống cấp quốc gia đã được tạo ra theo hướng dẫn của nhà nước TW và đã được thông qua tại hơn 100 thành phố, theo một tuyên bố của Alipay.

Hiện hệ thống này đang thí điểm ở Hàng Châu. Hàng triệu người đã sử dụng hệ thống này thông qua ứng dụng Alipay, được điều hành bởi Ant Financial Services của chi nhánh Alibaba Group Holding. Cách nhận biết: người có mã màu xanh lá cây có thể đi lại tự do, người có mã màu đỏ phải trải qua kiểm dịch 14 ngày, mã màu vàng thì cần 7 ngày cách ly.

Có cả ứng dụng... phát hiện người không đeo khẩu trang. Nhận dạng khuôn mặt dựa trên trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi trên khắp Trung Quốc từ lâu đã giúp phát hiện tội phạm trên đường chạy trốn hay thanh toán tại các siêu thị không có nhân viên thu ngân. Bây giờ các công ty AI như Baidu và SenseTime đang điều chỉnh các thuật toán của họ để xác định những người không đeo mặt nạ ở những nơi công cộng như trong tàu điện ngầm, hay văn phòng công ty.

Chẩn đoán nhanh người nhiễm bệnh. Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Trung Quốc Yitu Technology và 2 nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei và Alibaba đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ AI để giúp các bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân nghi mắc coronavirus.

Thông thường, bác sĩ phải mất từ 5 đến 15 phút để phân tích quét CAT của một bệnh nhân nghi ngờ, nay Alibaba cho biết thuật toán mới của họ có thể hoàn tất quy trình nhận dạng trong vòng 20 giây. Còn nhà vô địch AI quốc gia của Trung Quốc, SenseTime đang hợp tác với Trung tâm siêu máy tính quốc gia ở Thâm Quyến để hỗ trợ các nhà nghiên cứu sàng lọc quy mô lớn các loại thuốc tiềm năng để chống lại các coronavirus mới và dự đoán đột biến virus.

Tư vấn trực tuyến. Người dân bắt đầu nhờ tư vấn y tế trực tuyến trước khi họ đến phòng khám hoặc bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo. Ping An Good Doctor, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến, ghi nhận hôm 17/2 là đã có 1,11 tỷ lượt truy cập để được tư vấn, với số người dùng mới đăng ký tăng 10 lần.

Lượt truy cập vào các chương trình tư vấn y tế trên WeChat đã tăng 347% từ đầu tháng 2 đến nay (so dữ liệu ghi nhận vào tháng 12.2019).

Về ứng dụng phục vụ đời sống. Nhiều loại robot được sử dụng nhằm thay nhân viên phục vụ các nhà hàng (khi chưa bị phong tỏa) nay chuyển qua dịch vụ tại nhà các khu bị phong tòa như giao dục trực tuyến, phân phối thực phẩm tươi sống.

Vào ngày 10 tháng 2, ngày đầu tiên các trường học được mở sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, 600.000 giáo viên đã tổ chức các lớp học trực tuyến cho 50 triệu học sinh sử dụng dịch vụ phát trực tiếp của Dingtalk. Sự phát triển của các ứng dụng trực tuyến đang được thúc đẩy bởi hàng triệu người cố gắng tiếp tục cuộc sống như bình thường khi bị "nhốt cứng" trong nhà.

Kết luận. Nhà nước Trung Quốc nhìn nhận là việc số hóa hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc vẫn còn sơ khai, mới trong giai đoạn đầu.

Vậy toàn bộ tiền bạc , sức người, bao công trình (từ sáng tạo đến đi "thuổng" rất tinh vi từ khắp các nước có sức mạnh về công nghệ) phải chăng đã tập trung vào mục tiêu được gọi một cách hoa mỹ là "bảo vệ trật tự xã hội" và tăng cường năng lực quân sự hay "đốt" cho giấc mơ "Nhất đới nhất lộ"?

Ông K. Lu, giám đốc nghiên cứu cao cấp tại Gartner có nói: Máy móc không thể thay thế con người. Nhưng học máy có thể cung cấp lời khuyên cho chính phủ để đưa ra chiến lược tốt nhất để ngăn chặn sự bùng phát.

Với những thành quả đáng nễ về công nghệ, phải chăng chỉ vì ý chí (và cả quán tính của bộ máy đã quen quá lâu) muốn "phong tỏa" thông tin để "đảm bảo trật tự xã hội" mà đến giờ 7 tuần tử thần đó (từ đầu tháng 12 đến 20/1/2020) đã biến thành phong tỏa hơn một nửa dân số Trung Quốc, biến dịch bệnh thành đại họa gây kinh hoàng khắp thế giới, chưa biết sẽ ra sao. Tin mới nhất hôm nay là 2 bệnh viện tại Bắc Kinh vừa bị phong tỏa và cách ly, có thể vì chính quyền lo là CoviD 19 sẽ gây tê liệt cả thủ đô. Cùng với đó là thay đổi cách tính số ca lây nhiễm lần nữa khiến càng khó tin diễn biến ở Trung Quốc.

Ôi, 7 tuần thương đau! Vẫn là kết luận cũ, công nghệ trong tay ai, tùy mục đích mà kết quả hay hậu quả sẽ hiển hiện thôi.

Vũ Kim Hạnh
Bài về chủ đề Lệch lạc:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ