"Chúa về trời" - một tuyệt tác của William Blake vẽ năm 1803

William Blake (1757-1827) là họa sĩ, triết gia và nhà thơ người Anh. Trong lĩnh vực thơ ca, ông được xếp vào hàng những tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật Lãng mạn Chủ nghĩa - Romanticism (hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789) - ở Anh, nhưng trong lĩnh vực hội họa, ông đi trước thời của mình khá xa. Người ta xem ông là họa sĩ bậc thầy của nghệ thuật Tượng Trưng (Symbolism) cuối thế kỷ 19. Với ông, thực tại được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra nơi con người chỉ là những ảo ảnh. Tri giác con người hết sức hạn chế và đầy khiếm khuyết. Người ta chỉ có thể tiệm cận sự thật trong suy tư sâu xa. Và, trong suy tư sâu xa, thực tại hiện hình lên bề mặt, chỉ có thể là những biểu tượng, những tượng trưng, và ẩn dụ... Source: https://fb.com/Nguhuart/posts/5456532114418585

William Blake (1757-1827) là họa sĩ, triết gia và nhà thơ người Anh. Trong lĩnh vực thơ ca, ông được xếp vào hàng những tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật Lãng mạn Chủ nghĩa - Romanticism (hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789) - ở Anh, nhưng trong lĩnh vực hội họa, ông đi trước thời của mình khá xa. Người ta xem ông là họa sĩ bậc thầy của nghệ thuật Tượng Trưng (Symbolism) cuối thế kỷ 19. Với ông, thực tại được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra nơi con người chỉ là những ảo ảnh. Tri giác con người hết sức hạn chế và đầy khiếm khuyết. Người ta chỉ có thể tiệm cận sự thật trong suy tư sâu xa. Và, trong suy tư sâu xa, thực tại hiện hình lên bề mặt, chỉ có thể là những biểu tượng, những tượng trưng, và ẩn dụ...

Trước chủ đề "Chúa về trời", theo William Blake, mọi diễn ngôn dựa vào tri giác-kinh nghiệm đều có nguy cơ trở thành hàm hồ dễ gây ngộ nhận. Chúa về trời không có nghĩa là Chúa thay đổi không gian trú ngụ từ trái đất đến một nơi nào đó ngoài trái đất. Chúa về trời, là về với thể giới siêu hình vốn nằm trong lòng thực tại; Chúa về trời, là thoát ra ngoài thực tại vật chất dị biệt và chia cắt để trở về với thực tại tâm linh bao trùm vũ trụ... Lễ Chúa về trời là để tôn vinh sự chuyển hóa vi diệu này của Thiên Chúa. Và nhắc nhở con người về sự hiện hữu bao trùm vũ trụ của Thiên Chúa trong thực tại tâm linh...

Với suy ngẫm đó, William Blake đã dùng đến ánh sáng như một biểu tượng. Hình ảnh trong tranh, thực chất, chỉ là những hình hiệu chỉ có ý nghĩa vừa đủ để nhận biết chủ đề. Tràn ngập trong tranh là ánh sáng. Ánh sáng của màu trắng tinh tuyền, của màu xanh trong trẻo và của màu vàng huy hoàng với đủ sắc độ lung linh ngọn nguồn sự sống của lửa. Hình hiệu trong tranh (Chúa đã bay lên, các Thánh Tông Đồ vẫn ở phía dưới) thể hiện một sự chia cắt về mặt thể lý, nhưng ánh sáng (ôm trùm như biến tất cả thành ánh sáng) thì lại thể hiện một sự thống nhất mang tính nội tại. Chúa đã không bay lên trời mà đã trở về là Ánh Sáng Thiên Chúa!

Hình ảnh Chúa đang bay lên cũng chính là biểu tượng Thập Tự Giá. William Blake đã vẽ Chúa bay lên trong tư thế quay lưng lại với chúng ta: Người đã giấu mặt, còn lại trên thế gian chỉ là biểu tượng Thập Tự Giá và Ánh Sáng!

Không phải ngẫu nhiên William Blake rất hay được nhắc đến, và hay được trích dẫn trong các suy tư thần học và các bài giáo huấn của các nhà truyền đạo hiện đại. Riêng về chủ đề "Chúa về trời" bằng tác phẩm của mình ông đã đóng góp một cách diễn giải mới, mà ít nhất theo các nhà phê bình nghệ thuật, dễ đi vào thế giới tinh thần con người hiện đại.

Để tạm dừng, thay vì kết luận, tôi xin tặng bạn đọc một câu nói nổi tiếng của William Blake: "Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học tỏa sáng tình thương."

Nguyên Hưng
(Trích Nghệ thuật Công giáo, Tập 1)

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ