Bà Phạm Chi Lan: Ưu tiên số một ở VN phải là tăng tốc tiêm chủng Covid

Tình hình tái bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi tân Chính phủ cần điều chỉnh lại trọng tâm trong chiến lược, chính sách, theo đó cần tập trung ưu tiên các nguồn lực cho tăng tốc tiêm chủng chống Covid-19 từ tỷ lệ rất thấp là 1% hiện nay lên 70%-75% các đối tượng trong dân số. Đây là quan điểm của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế và nhà phân tích chính sách vĩ mô, đưa ra trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 31/5/2021. Source: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57305695
Một nhân viên y tế tiêm vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ngày 17/5/2021

Tình hình tái bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi tân Chính phủ cần điều chỉnh lại trọng tâm trong chiến lược, chính sách, theo đó cần tập trung ưu tiên các nguồn lực cho tăng tốc tiêm chủng chống Covid-19 từ tỷ lệ rất thấp là 1% hiện nay lên 70%-75% các đối tượng trong dân số.

Đây là quan điểm của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế và nhà phân tích chính sách vĩ mô, đưa ra trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 31/5/2021.

Vẫn theo ý kiến của kinh tế gia này, việc điều chỉnh mang tính cấp bách, ưu tiên về chính sách, chiến lược đó có thể yêu cầu việc làm chậm lại một số mục tiêu, dự án 'tham vọng' về phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ để giúp tập trung cho đối phó Covid qua tăng tốc xét nghiệm, tiêm chủng, điều có thể đã được xác định và thực hiện 'chậm' trong Chính phủ ở nhiệm kỳ trước.

🔴 Tình hình lần này 'rất nghiêm trọng'

Trước hết, đánh giá về tình hình đại dịch Covid-19 đang gây ra cho Việt Nam hiện nay, bà Phạm Chi Lan nói với BBC rằng mức độ là 'rất nghiêm trọng':

"Tôi nghĩ tình hình Covid ở Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng so với ba đợt trước mà Việt Nam đã từng gặp phải, nhưng khắc phục được khá nhanh chóng và kết quả khắc phục rõ ràng là cũng khá tốt, vì số bị lây nhiễm không nhiều và phần lớn vượt qua được nhanh, số tử vong ở Việt Nam cũng là thấp nhất so với nhiều nước khác trên thế giới.

"Nhưng lần này Covid phát tán vừa nhanh hơn, mức độ nghiêm trọng hơn và đến bây giờ các con số về số người bị nhiễm, số người phải đi cách ly, số người ở các diện có khả năng bị ảnh hưởng là lớn và tiếp tục tăng lên ở các tỉnh, địa phương khác nhau.

"Ngoài ra, lần này Covid còn khó hơn những lần trước ở chỗ là ngoài bản thân chủng Covid đã phức tạp, nó lây lan nhanh hơn so với đợt trước, bởi vì giữa chủng Anh và chủng Ấn Độ đã có, lại có một chủng mới được cho là lai ghép giữa chúng đang xuất hiện thêm nữa.

"Thứ nữa là Covid phát tán rất nhiều ở các khu công nghiệp, làm ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng mà Việt Nam đang tham gia, xuất khẩu sang các nước khác, kể cả một số chuỗi của các nhà đầu tư nước ngoài đang vận hành tại Việt Nam.

"Thế rồi nó cũng phát tán ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, ban đầu chỉ tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, bây giờ ngay cả TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng là những nơi bị nguy cơ phát tán rộng hơn, thành ra điều đó gây ra rất nhiều phức tạp cho Việt Nam."

🔴 Phản ứng của tân Chính phủ thế nào

Giới chức địa phương kiểm tra một nhà hàng ở Hà Nội hôm 25/5/2021 khi chính quyền thành phố mở rộng lệnh đóng cửa bao gồm nhà hàng, quán cafe, tiệm cắt tóc, làm tóc để ngăn chặn lây lan của Covid-19

Đánh giá về phản ứng của tân Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu tới nay, bà Phạm Chi Lan nói:

"Tôi nghĩ phản ứng của chính phủ mới cũng khá là nhanh chóng, một mặt là chủ trương giãn cách nhanh và tập trung cao các nguồn lực khác nhau để hỗ trợ cho hai nơi ban đầu bị nhiều nhất là hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và cố gắng khoanh vùng lại ngay trong bản thân các khu đó hay là từng khu, từng cụm công nghiệp cũng khoanh lại để khói phát tán thêm ra những nơi khác.

"Một mặt khác thì Chính phủ cũng đã tăng cường sự đề phòng của tất cả các vùng khác để dịch bệnh không tiếp tục lây nhiễm ra, rồi những phản ứng như là kiểm soát chặt chẽ hơn biên giới, không để cho những người nước ngoài có thể lẩn vào Việt Nam và mang theo khả năng dịch bệnh.

"Rất nhiều việc cũng đã được chính phủ làm và đặc biệt lần này tân Chính phủ Việt Nam có lẽ cũng đã thấy được tình trạng vaccine ở Việt Nam được tiêm chủng khá là chậm so với những nước khác, kể cả so với vài nước xung quanh.

"Tốc độ tiêm chủng chậm làm cho vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, cho nên trong thời gian gần đây, tân Chính phủ đã có những chủ trương đẩy nhanh việc mua vaccine từ các nguồn bên ngoài, chứ không chỉ chờ nguồn vaccine có thể sản xuất trong nước và ngoài việc Chính phủ mua, cũng bắt đầu có chủ trương là để cho một số công ty, hoặc một số người khác có thể đứng ra mua thêm vaccine để bổ sung cho nguồn của chính phủ.

"Tôi nghĩ rằng bằng cách đó, về mặt đối phó với dịch, tân Chính phủ đang tập trung nỗ lực rất cao, mặc dù nói là hai mục tiêu kép cùng làm là vừa phòng chống, khắc phục dịch, vừa tăng trưởng kinh tế, nhưng rõ ràng trên thực tế trong thời gian gần đây, từ ngày dịch phát tán mạnh, từ cuối tháng 4/2021 trở lại đây, như vậy đã ngày càng tập trung nhiều hơn vào phòng chống dịch, coi đó trước mắt là mục tiêu số một.

Một nhân viên giao hàng của Grab nhận mang đồ ăn đi từ một quán ăn ở Hà Nội hôm 25 tháng 5 năm 2021 vào lúc chính quyền thành phố mở rộng lệnh đóng cửa phòng lây lan Covid-19

"Tôi tán thành cách đó, còn về kinh tế, thực sự là lần này nhà nước cũng rất lo, bởi vì dịch bệnh ảnh hưởng đến các khu công nghiệp, thì rõ ràng nó thách thức các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đến công ăn việc làm của người lao động và kể cả đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào Việt Nam.

"Cho nên lo làm sao khắc phục được sớm để có thể khôi phục sớm hoạt động kinh tế cũng là thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam trong thời gian trước mắt. Tôi nghĩ là tân Chính phủ đang cố gắng rất nhiều và những chỉ đạo, nhất là một vài ngày gần đây tỏ ra đúng hướng và tôi hoan nghênh nhất cách của tân Chính phủ là công khai, minh bạch về tình hình cúm đang xảy ra ở Việt Nam do dịch Covid-19 gây ra lần này, chứ không có việc che dấu, hay làm giảm bớt đi mức độ nghiêm trọng.

"Việc công bố rất rõ giúp cảnh báo được kịp thời, cũng như giúp tăng cường được các biện pháp cần thiết để khuyến khích người dân chung tay với nhà nước để làm sao sớm khắc phục dịch bệnh."

🔴 Điều chỉnh chiến lược, sách lược cần ra sao

Nhấn mạnh đã có sự chậm trễ trong chiến lược xét nghiệm và tiêm chủng Covid-19 ở Việt Nam trong giai đoạn trước, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh giải pháp hiện nay bù lại là Chính phủ và nhà nước Việt Nam phải tăng tốc chiến dịch tiêm chủng chống Covid ở trong dân và đó là một thách thức lớn:

"Rõ ràng việc tăng tốc tiêm chủng bây giờ là một thách thức lớn, bởi vị tỷ lệ này hiện nay là rất nhỏ bé và Chính phủ hiểu phải tăng tỷ lệ từ 1% lên khoảng 70%-75% những người thuộc diện trong lứa tuổi phải có vaccine, thì như vậy Việt Nam sẽ cần phải có khoảng 150 triệu liều vaccine và có được số lượng đó trong một thời gian làm sao càng ngắn càng tốt để tổ chức tiêm càng sớm càng tốt là một điều hoàn toàn không dễ dàng.

"Việt Nam thực sự cũng đã chậm so với một số nước khác khi mà bắt đầu nghĩ đến việc tiêm phòng và đặt mua ở các nơi khác nhau, cho nên có được nguồn này là hoàn toàn không dễ dàng. Đó theo tôi là một thách thức và thực sự là một thách thức lớn.

"Nhưng tôi nghĩ Chính phủ cũng đang cố gắng hết sức từ nhiều kênh khác nhau, thí dụ như Bộ Y tế cho biết cũng đã có những đàm phán để nhập khẩu về từ các nguồn khác nhau và từ nay đến cuối năm có thể có được 100 triệu liều.

Covid-19 đang đe dọa chuỗi sản xuất, gia công, xuất khẩu của Việt Nam, khi lây nhiễm vào nhiều khu công nghiệp trong nước, theo nhà quan sát

"Ngoài ra, nếu Chính phủ cố gắng thực hiện được 100 triệu liều đó trong năm nay, từ nay đến cuối năm, đồng thời với chủ trương vừa mới đưa ra là mở ra để cho các doanh nghiệp có thể tham gia thêm vào việc nhập vaccine về, thì tôi nghĩ sẽ giúp cho Chính phủ tăng tốc được việc nhập vaccine về Việt Nam và tổ chức tiêm phòng càng sớm càng tốt cho một tỷ lệ cao hơn.

"Tôi nghĩ rằng Chính phủ nhận thức được, hiểu được rằng bây giờ việc tiêm phòng vaccine cho một diện đầy đủ khoảng 70%-75% dân số ở Việt Nam thuộc diện đối tượng cần tiêm là việc cần thiết, bởi vì chỉ có làm thế thì mới có thể khắc phục được tương đối cơ bản tình trạng lây nhiễm và dịch bệnh có thể tăng lên ở Việt Nam mà có thể tái xuất hiện lại những lần sau này, kể cả sau khi khắc phục được lần này.

"Và hai nữa là có như vậy thì mới giữ được nhịp độ của nền kinh tế và có thể phục hồi nền kinh tế, cũng như phát triển được trong thời gian tới, Chính phủ cũng nhận thấy rõ là ở các nước khác nhau bây giờ, cuộc đua để phục hồi phát triển kinh tế gắn liền với cuộc đua để làm sao tiêm phòng bằng vaccine được tốt.

"Nếu nước nào xử lý được tốt vấn đề vaccine thì khả năng phục hồi của họ nhanh hơn rõ rệt so với các nước khác, điều đó rất rõ cho nên Chính phủ Việt Nam tôi nghĩ là bây giờ thấy được vấn đề nên đang hết sức để làm sao có được vaccine càng nhiều, đủ lượng và tổ chức tiêm phòng càng sớm càng tốt.

"Tôi thấy rằng trước mắt Việt Nam cần tập trung vào chi tiêu cho y tế đã, để làm sao khắc phục được dịch bệnh, để làm sao có được vaccine sớm tiêm chủng rộng rãi trong cả nước, thì đấy phải là ưu tiên số một, chứ không phải là các ưu tiên khác về mặt kinh tế."

Về điều chỉnh có tính chiến lược, sách lược với nền kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nói:

Tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 của Việt Nam hiện nay mới được 1% cho các đối tượng cần tiêm trong cộng đồng, qua hơn ba đợt bùng phát trong trên một năm qua

"Nhưng sau đó, kinh tế nên như thế nào thì chắc cần phải có những điều chỉnh về chính sách. Tôi cho rằng quan trọng nhất là phải dựa trên nguồn lực thực chất có được như thế nào và tính toán đầy đủ hơn.

"Có thể kể cả một số dự án đầu tư công hoặc một số tham vọng phát triển về một số dự án lớn chiếm quá nhiều tiền của, thì sẽ phải lui lại về tiến độ, chứ không thể cứ làm như là mong muốn từ trước được, bởi vì rõ ràng khôi phục tới đây phải là khôi phục trong sản xuất, trong các công nghiệp, rồi các chuỗi cung ứng không để bị đứt gẫy, nhờ đó Việt Nam mới có thể vẫn thu hút được và đứng vững được trong việc tham gia những chuỗi này.

"Bởi vì trong nền kinh tế Việt Nam, xuất nhập khẩu là vấn đề vô cùng quan trọng, và nếu không duy trì được nền xuất khẩu, kể cả của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì kinh tế Việt Nam sẽ rất khó phục hồi được trong tương lai, cho nên tôi lo rằng ưu tiên về kinh tế sau này sẽ phải tập trung cao vào việc phục hồi các ngành sản xuất, công nghiệp, cũng như nông nghiệp và các ngành phục vụ liên quan.

"Thế còn những tham vọng về phát triển những dự án lớn về hạ tầng cho tương lai thì có thể phải lùi lại và nên lùi lại, chứ không nên tính và làm vào lúc này, kể cả những cái vừa rồi đã có hay mới có chủ trương và những khát vọng cho phát triển của mười năm tới thì theo tôi cũng phải tính toán lại."

Bà Phạm Chi Lan là cựu thành viên Ban nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ trước đây, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo: BBC.】

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ