Dám chết ở Thiên An Môn

Người sinh viên khoa báo chí tên Tiếu Phong Ngạo (ảnh) là một trong hàng nghìn người bị giết trong làn mưa đạn bất nhân mà quân đội của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rót xuống Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cha mẹ anh đã tìm được lá thư anh viết cho họ trong những đồ đạc anh để lại ở trường. Không biết có sinh viên báo chí nào của Việt Nam hiện nay dám sống cho lý tưởng như Ngạo? Source: https://fb.com/nhungcongdantudo/posts/4153876068026567

Người sinh viên khoa báo chí tên Tiếu Phong Ngạo (ảnh) là một trong hàng nghìn người bị giết trong làn mưa đạn bất nhân mà quân đội của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rót xuống Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cha mẹ anh đã tìm được lá thư anh viết cho họ trong những đồ đạc anh để lại ở trường.

Không biết có sinh viên báo chí nào của Việt Nam hiện nay dám sống cho lý tưởng như Ngạo?


Tháng 6 năm 1989

Kính thưa cha mẹ!

Con trai bất hiếu, đã bỏ cha mẹ mà đi.

Những nỗi niềm vất vả, đắng cay cơ cực mà cha mẹ phải nếm trải để nuôi con từ ngày còn là đứa bé ẵm ngửa trên tay thành một chàng trai sức dài vai rộng là điều mà con trai của cha mẹ ghi lòng tạc dạ. Điều con day dứt là cả đời này khó lòng báo đáp công ơn sâu dày của cha mẹ, nhưng con không thể không ôm tiếc nuối, dứt tình đoạn ruột mà đi.

Cha mẹ bao năm nay cần mẫn tích cóp, gia đình nhỏ của chúng ta tuy không giàu có gì nhưng cũng dư giả. Con biết rằng con may mắn được lớn lên trong hoàn cảnh tốt đẹp, vậy nên sau khi tốt nghiệp rồi con sẽ nhanh chóng có công ăn việc làm vừa ý với tương lai tươi sáng. Lẽ ra con phải hài lòng mới đúng. Nhưng nhìn quanh, bao điều khiến con buồn phiền. Chứng kiến cảnh đất nước bần cùng lạc hậu, xã hội đầy rẫy bất công, ngẫm lại trong lòng ôm chí lớn, con khó lòng an nhiên tự tại.

Đất nước chúng ta đã đi sai đường, bị sa lầy trong đói nghèo tăm tối. Giới thống trị nắm đặc quyền đặc lợi, xa xỉ hoang phí, vui chơi hoan lạc, con cháu của họ lại càng hung hăng đổi trắng thay đen, lưu manh ngang ngược lộng hành. Cảnh sát cùng thanh tra ô hợp, a dua nịnh hót, đối với nhân dân thì như lang như sói, nhe nanh múa vuốt. Hàng triệu nông dân lâm vào cảnh dốt nát, thường dân thấp cổ bé họng chỉ biết cúi đầu. Xã hội thối nát bất công, kẻ thống trị thì ô trọc, nhân dân ảm đạm thờ ơ. Vậy nên con khó lòng vui vẻ để chuyên tâm lo cho gia đình và phụng dưỡng cha mẹ. Dân chưa an sao dám quẳng gánh lo Chí lớn chưa đạt sao dám ngoảnh đầu nhìn lại?

Trái tim con vẫn chưa hoàn toàn tê liệt. Nó vẫn thổn thức những niềm đau và sự tan vỡ. Nó khiến con không thể nào bàng quan vô cảm. Trách nhiệm xã hội không cho phép con câm nín thêm nữa, sứ mệnh lịch sử không cho phép con khiếp đảm, chí lớn chưa thành không cho phép con thuận nước xuôi dòng, thông đồng làm bậy! Con muốn hét to để đánh thức những người còn đang mê ngủ, vực dậy những tâm hồn chai sạn: "Tỉnh dậy thôi, hỡi những người Hoa Hạ!". Nhiệt huyết sục sôi trong lòng con đang cuồn cuộn dâng trào, toàn thân tràn đầy sức sống. Con tuyệt đối không thể khoanh tay đứng nhìn đất nước này, dân tộc này càng đi càng tiến xa trên con đường u tối. Con muốn thay đổi cái xã hội bệnh hoạn trăm nghìn u nhọt này. Sức cùng lực mỏng, nhưng con vẫn muốn tận lực mà làm. Nhỏ nhoi như hòn sỏi bên đường, con vẫn muốn cư xử như người chính nghĩa.

Con biết sẽ không có kết cục tốt khi đương đầu với chính quyền cộng sản hiện nay – đại biểu cho thế lực cũ hùng mạnh. Các thủ đoạn chuyên chế tàn nhẫn để đàn áp những người bất đồng chính kiến của họ quả là đê tiện nếu so với bất kỳ chính phủ dân chủ tư sản nào, càng không thể so bì với chính quyền Quốc Dân Đảng đã bị đẩy lui đến Đài Loan.

Dù thế, con thề sẽ không bao giờ bỏ cuộc trên con đường dang dở. Bây giờ họ có thể coi con là "phần tử phản cách mạng". Nhưng lịch sử sẽ phán xét công bằng và kể cho thế giới này biết ai mới là lực lượng bảo thủ phản động cản trở tiến trình lịch sử, ai mới là nhà cách mạng chân chính vì tiền đồ của dân tộc.

Đảng Cộng sản năm đó đã kích động sinh viên hét lên với chính quyền Quốc Dân Đảng đương thời rằng: "Phản đối một đảng độc tài", gian khổ cách mạng mới là tiến bộ. Nhưng hôm nay mà hô lên "phản đối một đảng độc tài" với chính phủ cộng sản sẽ lập tức bị gán mác phản động! So sánh trước sau sẽ thấy hiện rõ sự giả dối và tự tư của chính quyền này! Tại sao trước kia anh khuyến khích chúng tôi phản đối độc tài độc đảng, mà bây giờ không cho phép chúng tôi phản đối độc tài độc đảng của anh? Tại sao anh chỉ cho một đảng của anh tồn tại mà không cho phép bất kỳ lực lượng nào khác giám sát? Còn gì rõ ràng hơn ngoài sự ích kỷ ngang ngược? Sự trào phúng của lịch sử hỡi ôi sao quá vô tình!

Nếu mấy chục năm sau chế độ ích kỷ này vẫn còn cai trị Trung Quốc thì chúng con vẫn bị người đời xem như "phần tử phản cách mạng". Nhưng rồi sẽ có một ngày lịch sử công nhận giá trị của chúng con. Lịch sử sẽ chứng minh rằng chúng con xứng đáng với đất nước này, với dân tộc này. Chính là chúng con dùng máu thịt của mình để đóng vai người tiên phong, làm nền tảng cho quá trình dân chủ hóa và hiện đại hóa Trung Quốc!

Trên đời này không điều gì có thể khiến con lo lắng, ngoài sự trăn trở không thể báo đáp công ơn sinh thành giáo dưỡng của cha mẹ. Đã bao lần con nghĩ đến việc hiếu thuận với song thân! Từ xưa đến giờ, hiếu trung khó vẹn cả đôi đường. Con muốn đem lý tưởng để trung thành với đất nước này, dân tộc này.

Đứa con ngỗ nghịch này không để cha mẹ đau lòng thêm nữa, nên chỉ có thể viết đến đây. Cha mẹ hãy mắng con là đứa con bất hiếu, ích kỷ, chỉ quan tâm đến lý tưởng, niềm tin của bản thân mà bỏ rơi cha mẹ.

Con xin được gọi hai tiếng Cha Mẹ thêm lần nữa!

Vĩnh biệt Cha Mẹ!

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Tạm dịch:
Xưa nay thử hỏi ai không chết
Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh).

Đứa con bất hiếu: Tiêu Phong Ngạo

Nguồn: Những công dân tự do

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ