Những giọt nước mắt của Chúa

"Khi đến gần và trông thấy thành, Người đã khóc thương." Tất cả niềm hồ hởi và hăng hái của những người đi theo không thể lấp đầy được nỗi buồn chan chứa của Chúa. Chúa đã nhìn thấy trước Thành Thánh rồi sẽ bị Titô và đội quân của ông hủy diệt bình địa - "vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."
Bài đọc I (Kh 5,1-10)
Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: "Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?" Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: "Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Đavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong".

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

"Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu".
Đáp ca (Tv 149,1-2.3-4.5-6a và 9b)
Đáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

1. Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.

2. Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.

3. Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.
Tung hô Tin Mừng (x. Cv 16, 14b)
ALLELUIA: – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.
Tin Mừng (Lc 19,41-44)
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".
"Man of Sorrows", James B. Janknegt, 1990

1. Chúa Giêsu không hững hờ trước số phận con cái.


Chúa Giêsu đi xuống con dốc phía tây núi Cây Dầu và khải hoàn vào thành Giêrusalem. Chúa dừng lại ở ngã đường, khi Thành Thánh bất ngờ hiện ra trước mắt: "Khi đến gần và trông thấy thành, Người đã khóc thương." Tất cả niềm hồ hởi và hăng hái của những người đi theo không thể lấp đầy được nỗi buồn chan chứa của Chúa. Chúa đã nhìn thấy trước Thành Thánh rồi sẽ bị Titô và đội quân của ông hủy diệt bình địa - "vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm." Đấng Cứu Thế đã bước đi trên các nẻo đường Giêrusalem. Người đã giảng dạy Tin Mừng trong Đền Thánh. Những phép lạ của Người được cư dân ở đây chứng kiến... thế nhưng họ vẫn không đáp ứng lời Người. "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngây quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây, và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."

Từ những dòng Phúc âm trên, chúng ta có thể hiểu ra nỗi đớn đau đang quặn thắt tâm hồn ưu phiền của Đấng Cứu Thế. Tại sao Giêrusalem lại không đáp lời mời gọi liên lỉ của Chúa? Tại sao các nhà lãnh đạo Do Thái lại quá ngoan cố, khước từ những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Chúa Kitô? Trong quá khứ, Chúa Giêsu đã cho họ nhiều cơ hội, và đây là cơ hội cuối cùng để cải đổi. Nhưng với thái độ ngoan cố, họ đã rước lấy một kết cuộc thê thảm trong lời tiên báo kinh hoàng cho Giêrusalem. Chúa Giêsu quá ưu phiền sầu não khi nghĩ đến tai ương này. Người không bao giờ hững hờ trước số phận của con cái. Mắt Chúa chan hòa nước mắt. Những lời Chúa ngập ngừng và tràn ngập đắng cay.

Thánh Gioan còn một trình thuật khác kể lại việc Chúa Giêsu khóc. Thầy Chí Thánh đến làng Bêtania sau khi bạn thân là Ladarô đã qua đời. Bà Maria, chị của Ladarô đến gần Chúa và khóc lóc thảm thiết. "Khi nhìn thấy bà khóc, và những người Do Thái đến với bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức xúc động; và Người hỏi, 'Người ta chôn anh ấy ở đâu?' Họ thưa, 'Lạy Thầy, xin đến mà xem.'" Lúc ấy, Chúa Giêsu biểu lộ nỗi đau buồn về cái chết của người bạn thân: Người đã khóc. Người Do Thái ở đó nhận thấy liền nói, "Kìa, Người yêu thương ông ấy biết bao!"

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Người biết ý nghĩa của tình thân hữu. Người biết thế nào là yêu thương. Mỗi khi biểu lộ cảm xúc (như trong những trường hợp này), Chúa Giêsu thể hiện một tình yêu nhân tính thực sự. Phải nhận rằng biểu hiện này không thể diễn tả được trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa, nhưng cũng cho chúng ta một ý niệm về thái độ Thiên Chúa đối với con cái của Người. Hôm nay chúng ta hãy suy niệm về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta hãy ý thức rằng Thiên Chúa rất quan tâm đến sự cộng tác của chúng ta với ơn thánh và đáp ứng tình thân của Người. Chúa xúc động trước những hy sinh chúng ta thực hiện khi đến kính viếng Thánh Thể mỗi ngày. Chúa hài lòng vì chúng ta thành tâm nỗ lực để phát triển tình thân ái với Người. Chúa dõi theo cuộc phấn đấu của chúng ta để sống bác ái với tha nhân, để phụng sự Người giữa trần gian... Chúa rất tự hào về những việc của chúng ta!

Con người không thể sống được nếu thiếu tình yêu. Họ vẫn là một thực tại không hiểu nổi đối với chính họ.

Cuộc đời của họ vô nghĩa, nếu như tình yêu không được mặc khải cho họ, nếu như họ không gặp được tình yêu, và nếu họ không cảm nghiệm và không sở hữu được tình yêu, nếu họ không gắn bó với tình yêu... Con người muốn hiểu bản thân trọn vẹn - không phải theo những tiêu chuẩn và biện pháp trực tiếp, thiên kiến, thường là phiến diện và ảo tưởng, nhưng bằng cách đến gần Chúa Kitô - với sự náo nức, bấp bênh, và ngay cả yếu đuối và tội lỗi của mình. Có thể nói, họ phải đi vào Chúa Kitô bằng tất cả con người của họ, phải chiếm hữu và đồng hóa toàn bộ thực tại Nhập Thể và Cứu Độ để tìm ra bản thân. Nếu quá trình sâu xa này xảy ra nơi họ, con người khi ấy sẽ sinh hoa trái, không những về sự phượng thờ Thiên Chúa, mà còn về sự kinh ngạc sâu sắc nơi chính mình. Cao quí thay con người trước mắt Đấng Tạo Hóa, vì họ 'đã có được một Đấng Cứu Độ rất cao sang' (thánh thi Exultet), và vì 'Thiên Chúa đã ban Con Một Người,' để nhân loại 'không phải chết, nhưng được sống đời đời' (X. Ga 3,16).

2. Nhân tính rất thánh thiện của Chúa Kitô


Đời sống Kitô hữu chân chính hệ tại việc linh hồn ngày càng đi sâu hơn vào mối tình thân mật với Chúa Kitô. Mục tiêu của Kitô hữu là noi gương Thầy Chí Thánh và áp dụng giáo lý của Người vào cuộc sống. Việc theo bước Chúa Giêsu không liên quan nhiều đến suy tư lý thuyết. Kitô giáo không chỉ là một cuộc chiến chống lại tội lỗi. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu mến Người bằng việc làm. Chúa Kitô muốn chúng ta nhận ra tình yêu của Người dành cho chúng ta, vì Người sống động. Người không phải là một vĩ nhân quá khứ, một con người đã sống một thời gian rồi qua đi, để lại một tấm gương và một ký ức tuyệt vời cho chúng ta. Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy Người bằng con mắt đức tin. Chúng ta hãy thưa chuyện với Người trong giờ cầu nguyện. Người nghe chúng ta trước khi chúng ta mở miệng. Chúa không hững hờ trước những thành công và thất bại của chúng ta, trước những niềm vui và nỗi buồn của chúng ta. Bởi vì chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó, đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Chúa đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.

Là Chiên vô tội, Chúa Kitô đã tự nguyện đổ máu ra để chúng ta được sống, để giải hòa chúng ta với Thiên Chúa, và hòa giải chúng ta với nhau. Người giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ ma quỉ và tội lỗi. Nhờ đó, mỗi người chúng ta đều có thể nói như thánh Tông đồ: 'Con Thiên Chúa đã yêu thương tôi, tự hiến thân cho tôi' (Gl 2,20). Nhân tính rất thánh thiện Chúa Giêsu là chiếc cầu nối đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa Cha.

Hôm nay, chúng ta hãy suy tư về những giọt nước mắt Chúa Giêsu đối với Thành Thánh mà Người rất thương yêu. Giêrusalem đã không nhận ra thời giờ của Đấng Cứu Thế, mặc dù cuộc viếng thăm của Chúa chính là lý do tồn tại cho nó. Chúng ta hãy cầu nguyện vì những lần chúng ta đã làm Chúa phải khóc vì tội lỗi và sơ xuất của chúng ta. Chúng ta đã có bao giờ bắt Chúa phải chờ đợi, vì như chín người phong cùi, chúng ta không trở về cám tạ hồng ân Chúa hay không?

Thiếu tình yêu Chúa Giêsu, chúng ta không thể tiến bộ trong đời sống nội tâm. Sự thân hữu của chúng ta với Chúa Kitô mỗi ngày phải được nuôi dưỡng bằng Phúc âm. Ở đó, chúng ta sẽ khám phá ra Chúa Giêsu là một con người rất thực và vô cùng gần gũi. Có những lúc chúng ta sẽ thấy Người mỏi mệt vì một ngày hành trình. Người ngồi bên bờ giếng Giacóp sau một ngày nóng bức đằng đẵng. Chúa đang khát. Chúa nhìn người phụ nữ Samaria. Người đã cải hóa bà, và sau đó là cả thành Sychar. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đói lả. Có lần đi từ Bêtania về Giêrusalem, Chúa đã dừng lại bên cây vả, nhưng nó chỉ toàn lá. Chúng ta thấy Chúa Giêsu rã rời sau một ngày rao giảng cho những đám đông. Người nhọc mệt ngủ thiếp trên thuyền giữa giông tố.

Chúa Kitô dành thời giờ cho mọi người Chúa gặp trên đường: "Khi đi dọc theo bờ biền, Chúa thấy một đám đông; Người cảm thương họ và chữa lành cho những người bệnh tật." Chúa quan tâm đến những nhu cầu tinh thần, vật chất của chúng ta. Đời sống Chúa Giêsu là một nguồn suối tình yêu tuyệt vời. Nếu chiêm ngắm cuộc sống của Chúa, chúng ta sẽ thấy việc trọn niềm bước theo Người dễ dàng hơn. Mỗi khi mệt nhọc - trong công việc, trong học tập, trong công việc Tông đồ - khi bầu trời trở nên tăm tối vì những đám mây đen, chúng ta hãy hướng mắt về Chúa Giêsu, hướng về Chúa Giêsu là Đấng rất nhân lành, Đấng đã từng mệt nhọc; hướng về Chúa Giêsu, Đấng đã từng đói lả và khát bỏng. Lạy Chúa, Chúa đã trở nên dễ hiểu biết bao! Chúa khả ái chừng nào! Chúa tỏ ra giống như chúng con, trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, để chúng con có thể hoàn toàn an tâm, với Chúa, chúng con có thề chiến thắng mọi lầm lỗi và mọi khuynh chiều xấu xa của chúng con. Vấn đề không phải ở chỗ nhọc mệt, đói khát, cũng không phải là những giọt nước mắt... bởi vì Chúa Kitô cũng đã mệt nhọc, đói khát, và đã chảy nước mắt. Điều quan trọng là chúng con phải phấn đấu để chu toàn thánh ý Cha trên trời (x. Ga 4,34).

3. Hãy có những tâm tình như Chúa Giêsu


Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem với một khối tình bao la. Người đã trừ quỉ, chữa lành các bệnh nhân, cho kẻ chết sống lại, cải thiện những người thu thuế và các tội nhân. Nhưng mọi nỗ lực của Chúa đối với Giêrusalem đều uổng công. Dân chúng quá cứng lòng. Ở đây, chúng ta hãy suy về một chút ảnh hưởng mà thái độ khước từ kia đã tác động nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đôi lần, khi nhìn thấy các linh hồn ngủ mê, ta cảm thấy muốn hét lên thật to, để cho họ lưu ý, để cảnh tỉnh họ khỏi cơn mê nguy hiểm. Thật buồn khi nhìn thấy họ lần bước như những người mù quờ quạng cây gậy mà không tìm được lối đường! Ta có thể hiểu được những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đối với thành Giêrusalem vì sao đã trào ra từ khối tình yêu tuyệt hảo của Người.

Công cuộc Đấng Cứu Thế vẫn được các môn đệ của Người kế thừa. Chúng ta chia sẻ những cảm tình của Thánh Tâm. Khi nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta phải học cách chăm sóc những người đồng loại. Chúng ta phải cư xử với mỗi người với niềm trọng kính xứng đáng với họ. Chúng ta phải nỗ lực để cảm thông những khuyết điểm và chữa lỗi cho họ. Mỗi ngày, chúng ta hãy ra sức làm cho cuộc sống trở nên đáng yêu hơn cho những người chung quanh. Chúng ta cần biết bỏ mình trong những gì chúng ta thích, cũng như những gì chúng ta không thích. Chúng ta hãy chân thành quan tâm đến sức khỏe tha nhân. Nhưng trước tiên, chúng ta phải quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của những người tiếp xúc hằng ngày với chúng ta. Chúng ta hãy đem họ đến với Chúa Kitô. Thánh Gioan Kim Khẩu đã viết: "Không có một dấu hiệu nào tốt hơn để nhận ra một Kitô hữu cho bằng sự quan tâm họ dành cho đồng loại." Hôm nay, chúng ta hãy nài xin Mẹ Maria ban cho chúng ta một con tim giống như Thánh Tâm Con Mẹ. Nhờ đó, chúng ta không bao giờ hững hờ với số phận của người chung quanh.

Francis Fernandez
Chuyển ngữ: Mathia Ngọc Đính

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ