Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vậy phải giải thích sao về hoả ngục?

"Mỗi linh hồn phải chịu những đau khổ khủng khiếp không thể diễn tả được, liên quan đến cách thức mà họ đã phạm tội. Có những hang động và hố tra tấn, nơi hình thức đau đớn này khác với hình thức đau đớn khác. Tôi có thể đã chết ngay khi nhìn thấy những cực hình này nếu quyền năng toàn năng của Chúa không nâng đỡ tôi. Hãy cho tội nhân biết rằng anh ta sẽ bị tra tấn đời đời kiếp kiếp, theo những giác quan mà anh ta đã dùng để phạm tội. Tôi viết điều này theo lệnh của Chúa, để không linh hồn nào có thể kiếm cớ mà nói rằng không có hoả ngục, hoặc bảo rằng chưa có ai từng đến đó, và vì vậy không ai có thể mô tả nó ra làm sao." Chúng ta phải nắm hiểu điều này như thế nào đây? Làm thế nào chúng ta có thể dung hợp thị kiến này với thông điệp về tình yêu thương xót của Thiên Chúa thấm đẫm trong phần còn lại của Nhật ký thánh nữ Faustina? NGUỒN:
Gần đây, nhiều người đã gửi tới cho tôi các đoạn trích về lửa hoả ngục và sự đoạ đày trong đó, như được mô tả trong Nhật ký của thánh nữ Faustina. Không ngạc nhiên gì, họ đặc biệt nêu ra thị kiến kinh hoàng của thánh nữ, như được đề cập đến ở mục số 741:
Hôm nay, tôi được một thiên thần dẫn đến vực thẳm hoả ngục. Đó là nơi khốn cùng hết sức; nó rất rộng, rất lớn! Đây là những kiểu tra tấn mà tôi đã thấy; cực hình đầu tiên cấu thành hoả ngục là tình trạng mất Thiên Chúa; thứ hai là lương tâm luôn cắn rứt; thứ ba là tình trạng của một người sẽ không bao giờ thay đổi; thứ tư là ngọn lửa sẽ xuyên thấu linh hồn mà không hủy diệt nó - một nỗi đau khổ khủng khiếp, vì nó là ngọn lửa thuần túy thiêng liêng, được đốt lên bởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa; cực hình thứ năm là bóng tối triền miên, và mùi hôi thúi khủng khiếp, ngột ngạt, và bất chấp sự tối tăm, ma quỷ và linh hồn của những người bị nguyền rủa vẫn nhìn thấy nhau và tất cả những điều nhờm tởm, của người khác và của chính họ; sự tra tấn thứ sáu là sự vây khốn liên lỉ của Satan; cực hình thứ bảy là sự tuyệt vọng khủng khiếp, cùng nỗi căm ghét Thiên Chúa, những lời nói hèn hạ, những lời nguyền rủa và báng bổ. Đây là những cực hình mà tất cả những người cùng chung kiếp bị đày đọa phải chịu đựng, nhưng đó không phải là dấu chấm hết cho những đau khổ của họ. Có những cực hình đặc biệt dành cho những linh hồn đặc biệt. Đây là những đau khổ của giác quan. Mỗi linh hồn phải chịu những đau khổ khủng khiếp không thể diễn tả được, liên quan đến cách thức mà họ đã phạm tội. Có những hang động và hố tra tấn, nơi hình thức đau đớn này khác với hình thức đau đớn khác. Tôi có thể đã chết ngay khi nhìn thấy những cực hình này nếu quyền năng toàn năng của Chúa không nâng đỡ tôi. Hãy cho tội nhân biết rằng anh ta sẽ bị tra tấn đời đời kiếp kiếp, theo những giác quan mà anh ta đã dùng để phạm tội. Tôi viết điều này theo lệnh của Chúa, để không linh hồn nào có thể kiếm cớ mà nói rằng không có hoả ngục, hoặc bảo rằng chưa có ai từng đến đó, và vì vậy không ai có thể mô tả nó ra làm sao.


Chúng ta phải nắm hiểu điều này như thế nào đây? Làm thế nào chúng ta có thể dung hợp thị kiến này với thông điệp về tình yêu thương xót của Thiên Chúa thấm đẫm trong phần còn lại của Nhật ký thánh nữ Faustina?

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng Nhật ký của thánh nữ Faustina, dù đẹp đẽ và sâu sắc, không thể sánh ngang với Thánh Kinh được linh hứng và không sai lầm. Do đó, khi Giáo hội, Người Mẹ thánh thiện của chúng ta, nihil obstat (ND: duyệt một tác phẩm, tuyên bố rằng nó không có gì ngăn trở) các tác phẩm của một vị thánh, Giáo hội không tuyên bố rằng hết thảy những lời vị thánh ấy viết ra đều là Lời Chúa tinh tuyền, không thể sai lầm, nhưng chỉ tuyên bố rằng, không có gì trong văn bản của vị thánh đó rõ ràng mâu thuẫn với những giáo huấn minh nhiên của Giáo hội về đức tin và luân lý.

Các suy tư và quan điểm của một vị thánh – ngay cả những thị kiến và suy niệm của họ – đôi khi có thể bị nhuốm màu bởi khung nền văn hóa và những điểm mù, cũng như do cấu trúc tâm lý của chính họ (về vấn đề này, xc. cuốn sách của Lm. Benedict Groeschel, A Still Small Voice).

Tất nhiên, nói chung, dù chưa được minh xác, chúng ta vẫn thường chọn tin một vị thánh, bởi vì vị ấy tràn đầy Chúa Thánh Thần, Thần Khí Sự Thật. Nhưng đôi khi một vị thánh có thể đưa ra những ý kiến hoặc suy tư vượt xa những gì Giáo hội xác quyết về một hoặc nhiều mầu nhiệm Đức tin.

Trong một mức độ nào đó, đó là trường hợp được xét đến ở đây. Thánh nữ Faustina cho rằng ngài đã thấy hoả ngục – và chắc chắn thánh nữ đã thấy. Nhưng liệu thánh nhữ có thấu hiểu rõ ràng thị kiến đó hay không, hay liệu nó có bị tô màu ở một mức độ nào đó, bởi những kỳ vọng, suy tư hoặc các giả định văn hóa của chính thánh nữ hay không, điều này thật khó nói.

Giáo hội chưa hề xác quyết về việc các linh hồn trong hỏa ngục phải chịu các khổ hình về xác thịt tương ứng với cách thức mà linh hồn ấy đã phạm tội lúc còn sống, Giáo hội cũng chưa xác quyết rằng, có một thứ "lửa" thiêng liêng xuyên thấu linh hồn được "nhóm lên bởi thịnh nộ của Thiên Chúa." Cũng về vấn đề đó, Giáo hội cũng chưa hề dạy rằng, những cực hình của hoả ngục bao gồm thứ lửa vật lý, lửa thông thường (trên thực tế, thánh nữ Faustina không hề đề cập đến). Những điều này là chủ đề cho các suy tư thần học, và nội dung thị kiến của thánh nữ Faustina không phải là bằng cớ có tính quyết định trong các vấn đề này, đối với Giáo hội.

Thứ hai, chúng ta cần đọc hiểu thị kiến đáng sợ về hoả ngục của thánh nữ Faustina trong văn cảnh là phần còn lại trong Nhật ký của ngài. Ví dụ, ở mục số 1588, Chúa nói với thánh nữ rằng Ngài chẳng vui vẻ gì khi thực hiện công lý trừng phạt đối với những kẻ tội lỗi. Chúa nói: "Ta không muốn trừng phạt nhân loại đau khổ, nhưng muốn chữa lành chúng, ôm siết lấy chúng vào Trái Tim yêu thương của Ta. Ta phạt chúng vì chúng buộc Ta phải làm vậy; tay Ta bất đắc dĩ phải nắm lấy thanh gươm công lý."

Ở một chỗ khác, thánh nữ Faustina minh xác rằng, hình phạt chung kết, sự đọa đày vĩnh viễn, thực ra là một trạng thái do người ta tự do chọn. Thánh nữ viết: "Tôi nhận được sự hiểu biết sâu hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ linh hồn nào muốn thì nó mới bị đày đọa, vì Thiên Chúa không kết án ai cả" (Nhật ký, số 1452). Điều này tương hợp hoàn toàn với định nghĩa của Giáo lý Công giáo về hoả ngục là "tình trạng con người dứt khoát tự loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và chư thánh." (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1033)

Thật khủng khiếp vì khước từ hiệp thông với Thiên Chúa một cách dứt khoát, không thể đảo ngược, đồng nghĩa với việc người ta cố tình dứt mình ra khỏi Nguồn Cội đích thực của mọi sự tốt lành và sáng soi, mà đánh mất mọi sự tốt lành và sáng soi, là đánh mất tất cả. Thế nên, có gì đáng ngạc nhiên khi các linh hồn trong hoả ngục phải ở trong sự "tối tăm" vô cùng tận, khi họ đã quay lưng lại với Ánh Sáng vĩnh cửu?

Những cực hình nơi hoả ngục như được thánh nữ Faustina mô tả, có lẽ không khác mấy so với sự thật về cõi của sự hư mất hoàn toàn và vĩnh viễn, xét ở cả khía cạnh tinh thần lẫn thể xác. Khá giống với điều được Đức Giêsu mô tả nơi các Tin Mừng và trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1034-1036).

Nếu tìm hiểu kỹ hơn thị kiến của thánh nữ Faustina, chúng ta sẽ thấy, thánh nữ thật ra không hề bảo rằng, "Thiên Chúa" là Đấng "tra tấn" các linh hồn trong hỏa ngục, hay Ngài là Đấng "thiết kế" những cực hình thân xác đặc biệt ứng với mỗi loại tội nhân cụ thể. Truyền thống không chính thức của Giáo hội Công giáo (đa số dựa trên các thị kiến của các vị thánh và các chân phước) cho chúng ta biết rằng, chính Satan và bè lũ của hắn đã làm điều đó. Suy cho cùng, chối bỏ Thiên Chúa là chọn kết bạn với những kẻ thù ghét và coi khinh Ngài, và do đó cũng thù ghét và coi khinh các thụ tạo mà Ngài đã tạo dựng theo "hình ảnh" của Ngài (St 1,26-27)!

Tuy nhiên, trong một ý nghĩa khác, thật xác đáng khi bảo rằng, tình trạng tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự tốt lành, như một hành động không thể đảo được như thế, cùng với tất cả những hậu quả hủy diệt của nó, chính là điều mà Thiên Chúa, theo lẽ công bình của Ngài, cho phép. Như thánh Tôma Aquinô đã nói, nó phản chiếu ý định công minh và hợp lý (just and consequent will) của Thiên Chúa, chứ không phải ý định nguyên thủy và tuyệt đối (original and absolute will) của Ngài vì lợi ích của các tạo vật của Ngài.

Ở chỗ khác, thánh nữ Faustina cho biết, ngài đã thấy "một ngọn lửa xuyên thấu linh hồn mà không hủy diệt nó - một khổ hình khủng khiếp, vì đó là ngọn lửa thuần túy thiêng liêng, được đốt lên bởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa." Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa không phải là một cảm xúc hay sự báo thù, mà là sự đối ngược hoàn toàn và không ngừng của Ngài với cái ác.

Chúng ta có thể ước đoán rằng, điều thiêu đốt linh hồn người ta một cách "thiêng liêng", hiểu về việc người ta không thể tránh khỏi phải trực diện với sự thật tỏ tường là những việc làm xấu xa của họ bị phơi bày, cũng như sự từ khước tình yêu của Thiên Chúa, một sự từ khước không thể đảo ngược được của họ, và nghe chính Chúa Giêsu Kitô xác nhận sự thật đó bằng những lời của Ngài, "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó" (Mt 25,41). Rồi ra, sự thật sẽ chiến thắng và Thiên Chúa sẽ không bị người ta báng bổ.

Vậy thì tại sao thánh nữ Faustina lại nói với chúng ta về hỏa ngục. Có phải chỉ để hù cho chúng ta hãi sợ mà quy phục Thiên Chúa hay không?

Không, đúng hơn là để tán dương lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì giống như bất kỳ bậc cha mẹ nào vì yêu thương thì cũng sẽ cảnh báo con cái về sự nguy hiểm của việc chơi diêm hoặc chạy qua đường mà không chú ý đến xe cộ, Chúa cũng muốn bảo vệ chúng ta khỏi những tổn thương. Những lời cảnh báo của Ngài là những lời cảnh báo về những nguy hiểm rất thật mà chúng ta phải đối mặt, và chúng được đưa ra vì tình yêu dành cho chúng ta. Thực ra, Thiên Chúa đã thương xót đến nỗi, nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngài đã mặc lấy thân phận con người của chúng ta, và chết trên Thập Giá để cứu chúng ta khỏi những nguy hiểm đời đời như vậy.

Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng nhiều vị thánh cho chúng ta biết rằng, ngay cả hoả ngục cũng được lòng thương xót của Thiên Chúa làm dịu đi (ví dụ thánh nữ Catherine Siena và thánh Gioan Eudes). Thiên Chúa luôn thương xót chúng ta tuỳ theo mức độ chúng ta để cho Ngài hành động, nên lòng thương xót của Chúa chạm tới ngay cả nơi các vực thẳm của hoả ngục.

Thứ nhất, bằng việc cho phép các linh hồn khước từ Ngài và tình yêu của Ngài vĩnh viễn, qua đó Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người – phẩm giá của ý chí tự do của con người, phẩm giá mà Ngài đã ban cho chúng ta – ban và không bao giờ rút lại. Ngài sẽ không bao giờ lấy đi của chúng ta phẩm giá được quyền lựa chọn số phận của mình.

Thứ hai, Thiên Chúa biết, đối với những linh hồn thực sự căm ghét Ngài, việc phải nghiêm ngắm Ngài mãi mãi diện đối diện, sẽ khiến họ còn khốn khổ hơn cả việc họ tự chọn đày ải cách xa Ngài. Đó là lý do tại sao đức hồng y Newman đã viết: "Thiên đường sẽ là hoả ngục đối với những kẻ vô tôn giáo". Trong tác phẩm Paradise Lost (Thiên đường bị lạc mất), thi sĩ John Milton trích dẫn câu nói của Satan cho thấy cảm nghĩ của tất cả những kẻ bị nguyền rủa: "Thà làm vương làm tướng trong hoả ngục còn hơn phụng sự trên thiên đường." Và cũng giống như tác giả C.S. Lewis có nói: "Cánh cổng hoả ngục bị khóa lại từ bên trong."

Do đó, giáo lý về hỏa ngục, dù khiến cho chúng ta bối rối và buồn bã, nhưng không mâu thuẫn gì với tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ không cưỡng bức ai ăn năn cả, nhưng mở lòng họ ra với Ngài, để họ được đổ tràn tình yêu của Ngài, và được cứu cho khỏi sự tự hủy diệt đời đời. Người không muốn những con rối ở trên một cái dây, hay là những con robot; sự hối cải và mối tình thân thương duy nhất đáng có, phải được tự do lựa chọn.

Nhưng còn những người không được tự do lựa chọn nó thì sao? Về vấn đề này, tác giả C.S. Lewis đã có một bản tóm tắt thú vị nhất trong cuốn sách của ông, có tựa là The Problem of Pain (Vấn nạn đau khổ):
Về lâu dài, câu trả lời cho tất cả những người phản đối giáo lý về hoả ngục, chính là một câu hỏi: "Bạn muốn Chúa làm gì?" Xóa bỏ những lỗi phạm trong quá khứ của họ, bằng mọi giá mang lại cho họ một khởi đầu mới, dàn xếp mọi chướng ngại, khó khăn, và cung cấp sẵn cho họ mọi sự trợ giúp thần kỳ ư? Nhưng, Thiên Chúa đã làm như thế rồi, lúc ở trên Đồi Sọ. Để tha thứ cho họ? Họ sẽ không được tha. Ngài đã để họ yên? Than ôi, tôi e rằng đó là điều Ngài đã làm.

Hoàng Long (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi) chuyển ngữ từ The Divine Mercy

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ