Chúa chết con phải ra đứng đường...


Nhà thờ nơi tôi giúp Tuần Thánh rất nhỏ hẹp và sát đường lộ. Chiều nay cha sở lại có sáng kiến cử hành nghi thức Đi Đàng Thánh Giá ngoài trời nên hầu như toàn bộ giáo dân phải tràn xuống đường. Có lẽ vì mỏi chân do phải đứng suốt các chặng đàng Thánh Giá ngoài đường đầy khói bụi và tiếng xe, nên một bạn trẻ quay sang tôi than một câu rất hoàn cảnh: “Chúa chết nên con phải ra đứng đường” (xem hình). Tôi bật cười vì câu nói rất dí dỏm và cũng rất đúng với thực tế lúc ấy, nhưng rồi lại thấy có cái gì đó khiến tôi nặng lòng. Dường như trong câu nói hàm chứa một sự quy kết cho cái chết của Chúa Giê-su. Vì Chúa Chết mà con phải ra đứng đường. Con bị đẩy ra ngoài đường là do Chúa chết. Vì Chúa chết mà con trở thành kẻ vô gia cư, không còn nơi bám víu. Việc Chúa chết đã làm hỏng cuộc đời con, phá nát tương lai của con, dập tắt mọi hy vọng của con... Do Chúa, tất cả vì Chúa đã chết (anh đi xa quá).

Tôi nghĩ thế là bởi vì nhớ đến các tông đồ ngày xưa, những người đã bỏ hết mọi sự, bỏ vợ con, bỏ cha mẹ, bỏ nhà cửa, bỏ ruộng nương, bỏ tài sản, bỏ hết tất cả để đi theo Chúa Giê-su. Tất cả tập trung đầu tư vào một con người có tên gọi là Giê-su, với hy vọng Ngài sẽ làm cách mạng giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ của đế quốc Rô-ma, lúc ấy đời sẽ lên hương. Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào ông Giê-su mà giờ ông ấy lại bị đóng đinh chết trên cây thập giá thì rõ ràng là trắng tay, chả còn cái gì nữa, đúng là chỉ còn nước ra đường đứng. Không những tán gia bại sản vì ông Giê-su mà ngay cả đến cái thân của mình cũng không biết có giữ được nổi không, nên mới có chuyện khi Chúa Giê-su chết các ông ấy mạnh anh nấy chạy. Với các tông đồ, Chúa Chết thì cuộc đời các ông cũng coi như tiêu.

Gẫm lại cuộc đời mình, nếu Chúa Giê-su chỉ dừng lại ở cái chết thì quả thật là vô phúc và là một thiệt thòi lớn cho tôi, bao nhiêu công lao hy sinh vất vả của tôi coi như đổ sông đổ biển cả. Hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh ý riêng, hy sinh tình yêu, hy sinh thú vui hưởng thụ để sống nghèo khó, hy sinh cái tôi để sống tha thứ, hy sinh bản thân để sống bác ái trao ban... bây giờ được gì? Dù với nhiều lý tưởng cao đẹp của đời sống dâng hiến, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, một ngày nào đó sẽ được nghe tiếng Chúa nói với tôi: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ...” (Xc. Mt 25, 31-46). Bây giờ Ngài chết thì còn ai nói điều đó với tôi, còn ai biết những điều tôi đã hy sinh vì Ngài. Chúa chết thì cuộc đời tôi coi như vứt.

Nếu chúng ta đang phải “đứng đường”, nếu chúng ta bị tán gia bại sản không còn biết đi đâu về đâu, nếu cuộc đời chúng ta coi như vứt, nếu những hy sinh của chúng ta có nguy cơ đổ sông đổ biển vì cái chết của Chúa Giê-su, thì chẳng còn tin nào vui hơn tin Chúa sống lại. Chúa Giê-su sống lại có nghĩa là cuộc đời của tôi cũng sống lại; cái cuộc đời mà tôi tưởng là tiêu rồi thì bây giờ lại có được mọi sự.

Không những cứu chúng ta khỏi bàn thua trông thấy, Chúa Giê-su phục sinh còn tháo bỏ cái gông kiềng xiềng xích, thanh toán tất cả mọi nợ nần tội lỗi của tổ tông từ thời A-đam và giải thoát mọi người đưa lên trời. Niềm vui lại được nhân đôi lên là thế.

Chúa chết, con phải ra đứng đường. Nhưng Chúa sống lại, con được lên Thiên đường.

Gã Khờ

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ