Đức cha Oscar Romero: “Tôi sẽ sống lại trong người dân El Salvador!”

Đức cha Romero nói: “Nếu họ giết tôi, tôi sẽ sống lại trong người dân Salvador. Nếu các lời đe dọa trở thành sự thật, thì từ giờ phút này, tôi xin tận hiến máu của mình cho Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc và tái sinh El Salvador của Người. Hãy để máu của tôi trở thành hạt giống của tự do và dấu chỉ cho niềm hy vọng sớm trở thành hiện thực.”
Source: fb.com/datannguyen/posts/10217838712303471
Đức cha Oscar Romero: “Tôi sẽ sống lại trong người dân El Salvador!”

Ngày Chúa Nhật 23/3/1980, tại nhà thờ chính tòa San Salvador, đức cố tổng giám mục Oscar Romero đã thực hiện một bài giảng nổi tiếng, mà trong đó, ông thúc giục những người lính hãy lắng nghe tiếng nói của lương tri, bất tuân thượng lệnh yêu cầu đàn áp người dân biểu tình và phản đối nhà cầm quyền ở El Salvador.

Ông tuyên bố: “Không một chỉ thị nào của con người được đặt lên trên luật pháp của Thiên Chúa cả: 'Các ngươi không được phép giết người'”, sau khi mô tả các trường hợp quân đội bắn chết người nông dân không có vũ trang, và thuyết phục rằng tất cả chỉ là anh chị em với nhau trong một tổ quốc duy nhất. Nhiều loạt tiếng vỗ tay vang dội trong nhà thờ.

Sau đó, ông kêu gọi: “Hỡi anh em, tất cả các bạn đang thực hiện công việc sát hại người đồng bào của mình. Không người lính nào phải tuân theo lệnh đòi giết người khác như thế. Đây là lúc tìm lại lương tâm của anh em. Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh những người đang phải chịu đựng sự khốn khổ, tôi khẩn cầu anh em, tôi nài xin anh em, tôi yêu cầu anh em, hãy chấm dứt cuộc đàn áp.”

Bài giảng của ông được truyền đi trên làn sóng radio của giáo hội Công giáo địa phương, và là một thách thức thực sự đối với kỷ luật của phe nhóm quân đội: đức tổng giám mục ở San Salvador đang kêu gọi những người lính bất tuân thượng lệnh, nếu phải bắn vào người dân không có vũ trang. Bài giảng trên bị các viên chức chính phủ chỉ trích gay gắt, vì họ đang bảo vệ quyền lực cho nhóm lợi ích từ 14 đến 200 gia đình giàu có thuộc giới quý tộc tại El Salvador, đối xử tệ bạc và bóc lột người nông dân nghèo khổ trên khắp đất nước. Họ chụp mũ “cộng sản” lên ông giám mục và cáo buộc ông phạm tội kêu gọi dân chúng nổi loạn, chống lại nhà cầm quyền. Giữa lúc hệ thống truyền thông quốc gia bị bóp nghẹt và không được phép nhắc đến các vụ đàn áp và sát hại người dân, thì bài giảng của đức cha Romero như tiếng sét xóa tan sự dối trá của quyền lực nhà nước, và là nguồn cung cấp thông tin hiếm hoi về tình hình của dân chúng.

Điều gì đến thì phải đến. Cái giá phải trả cay đắng như cây thập tự giá ngày xưa của Chúa Giêsu, khi Người phải đứng trước viên quan tổng trấn Philatô của La Mã và bị giới lãnh đạo Do Thái cáo buộc xách động dân chúng chống lại hoàng đế Julius Caesar. Chỉ một ngày sau đó, đức cha Romero đã bị bắn xuyên tim khi đang cử hành thánh lễ lại một nhà nguyện nhỏ nơi bệnh viện dã chiến, một vài phút sau khi ông thốt lên những lời như sau trên tòa giảng:

“Những ai dâng hiến cuộc đời để phục vụ người nghèo nhờ tình yêu của Đức Ki-tô thì sẽ sống giống như hạt lúa được gieo vào lòng đất và chết đi. Nó hoàn toàn phải chết đi. Nếu không chết đi, nó vẫn là một hạt giống cô độc. Mùa gặt đến nhờ hạt giống chết đi... Chúng ta biết rằng mỗi cố gắng để cải thiện xã hội, nhất là khi xã hội ấy đầy rẫy bất công và tội lỗi, thì chính là một nỗ lực được Thiên Chúa chúc phúc, được Thiên Chúa mong đợi, và được Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải thực hiện.”

Khi tin về cái chết của vị tổng giám mục đáng kính được lan truyền, khoảng một nghìn người dân ngay lập tức kéo đến bệnh viện, nơi đặt thi thể ông, và thêm hàng nghìn người khác ùa ra khỏi nhà, đe dọa nổ ra một cuộc bạo loạn đỉnh điểm trên toàn quốc. Ngày thứ Tư 26/3/2018, khoảng hơn 20.000 người đã xuống đường, đi tuần hành trong ôn hòa từ bệnh viện, nơi giám mục Romero bị bắn chết, đến Nhà thờ Chính Tòa của Giáo hội Công giáo ở trung tâm thành phố, hát vang những lời đã khiến ông trở nên nổi tiếng và bất tử: “Họ có thể giết tôi, nhưng họ không bao giờ có thể giết chết công lý.”

Ngày 30/3/1980, khoảng 100.000 người đã đến dự lễ tang của đức giám mục. Vì lo sợ và hận thù sắt máu, chính quyền quân sự El Salvador khốn nạn tiếp tục đặt bom và sử dụng súng bắn vào đám đông. Theo phóng viên Christopher Dickey của tờ Washington Post có mặt tại San Salvador vào thời điểm ấy, “tang lễ trang nghiêm với đông người tham gia” sớm “biến thành địa ngục kinh hoàng” với ít nhất 40 người bị giết chết.

Từ thời điểm đổ máu ấy, cái chết của vị tổng giám mục Romero đánh dấu bước ngoặt lớn cho quốc gia này, cũng như toàn thể khu vực Châu Mỹ Latin, khi bạo loạn nhanh chóng bùng nổ thành một cuộc nội chiến kéo dài 12 năm, lấy đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đặc biệt là những người nông dân nghèo ở nông thôn.

Rất nhiều linh mục nữa cũng bị ám sát theo khuôn mẫu ấy. Khét tiếng nhất là vụ xảy ra vào tháng 12 cùng năm (1980), khi 4 người nữ giáo dân bị cưỡng hiếp và giết chết. Rất nhiều giáo dân Salvador đã bị sát hại vì họ thuộc về nhà thờ và hoạt động bảo vệ giáo xứ. Trên khắp Châu Mỹ Latin, các linh mục, nữ tu và thậm chí giám mục bị bắt bớ, tra tấn, trục xuất và đôi khi bị giết chết.

Vì sao vào thời điểm đó, các linh mục, nữ tu và giám mục “đáng” bị giết đi? Để hiểu được tình hình ở El Salvador, chúng ta phải bắt đầu tìm kiếm nguyên nhân từ Washington.

Sau cuộc cách mạng Cuba năm 1959, rất nhiều người dân ở Châu Mỹ Latin - “sân sau của Hoa Kỳ” - tin rằng xã hội và đất nước của họ cần phải được thay đổi, nên mang tính “xã hội chủ nghĩa” hơn, vì mô hình tư bản đương đại dường như không có khả năng mang đến một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho đại bộ phận dân chúng. Trong khi đó, các phe nhóm quân đội và giới quý tộc giàu có thì lại hoảng sợ, và bị người Mỹ thuyết phục rằng họ cần phải rắn tay chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản, vì sự lan tỏa chỉ những ý tưởng về thứ chủ nghĩa này thôi cũng đã nguy hiểm không kém các viên đạn. Những cuộc đảo chính của lực lượng quân đội diễn ra ở Brazil (1964), Chile (1973), Argentina (1976) và các nơi khác thực ra chỉ là bước phản ứng nhanh đối với nỗ lực tranh đấu của dân chúng muốn đứng lên lật đổ thể chế tư bản độc tài. Các lực lượng quân đội này được hỗ trợ đào tạo, được cung cấp vũ khí từ Hoa Kỳ, và luôn được cố vấn bởi chuyên gia đến từ Mỹ.

Còn nhớ vào tháng 10/1979, một tuần trước khi xảy ra vụ đảo chính lật đổ chính quyền quân đội ở El Salvador và thiết lập nên một chính quyền dân sự - quân sự mới với mục đích ngăn cản một cuộc cách mạng tương tự như đã xảy ra ở quốc gia láng giềng Nicaragua, khi mà Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista (FSLN) đã lật đổ chính quyền độc tài gia đình trị Somoza tại đây, đã có rất nhiều bạo lực được chính quyền cũ El Salvador sử dụng để đàn áp dân chúng biểu tình, và lực lượng Vệ binh Quốc gia giết chết ít nhất 3 người dân thường. Ngay sau đó, vào buổi chiều cùng ngày diễn ra vụ đảo chính, đức tổng giám mục Romero đã thách thức chính quyền mới bằng việc gửi đi một bản danh sách ghi rõ tên của 179 người dân bị “mất tích không rõ nguyên nhân” trong thời gian cầm quyền của nhà cầm quyền cũ. Trừ khi chính phủ mới có khả năng giải thích vị trí hợp hiến của bản thân họ, còn ngoài ra, họ không đủ khả năng hoặc không sẵn lòng đương đầu với bạo lực, huống chi là đào sâu thêm các vấn đề của quốc gia. Họ đã không thể giải đáp hay giải quyết được vấn đề do ông thay mặt dân chúng đưa ra.

Nhưng đây chính là cách sống của đức tổng giám mục Romero: có tầm nhìn sáng suốt và không sợ hãi khi đối diện với tình hình của đất nước và dân tộc. Tính cách này được hình thành ngay từ cuộc sống nơi gia đình dân dã của ông ở San Miguel, từ những kinh nghiệm khi ông làm giám mục ở vùng nông thôn xa xôi, và qua các chuyến đi mục vụ liên tục đến các vùng quê nghèo khó. Người ta thường bắt gặp nhiều người nông dân nghèo xếp hàng dài trong sân đại chủng viện, trước cửa văn phòng tiếp đón giáo dân đơn sơ và mộc mạc của đức tổng, chờ đợi cơ hội được gặp ngài và nhờ giúp đỡ.

Đức cha Oscar Romero: “Tôi sẽ sống lại trong người dân El Salvador!”
Xe cấp cứu được đưa đến…

Vụ ám sát đức tổng giám mục Romero dường như đánh dấu một điểm mốc không thể quay trở lại, khi cả đất nước El Salvador rơi vào cuộc nội chiến tàn khốc, mở đầu bằng một cuộc tấn công của quân du kích kháng chiến vào năm 1981, chỉ trước khi Ronald Reagan lên làm Tổng thống Mỹ. Trong một thập kỷ tiếp theo, Hoa Kỳ đã châm hàng tỷ USD cho lực lượng quân sự và chính quyền El Salvador nhằm mục tiêu ngăn cản “một Nicaragua khác xảy ra tại đây.” Phe tân bảo thủ và chính quyền Reagan mô tả khu vực Trung Mỹ như là mối đe dọa an ninh đối với Hoa Kỳ. Các du kích quân Salvador đã phải chiến đấu đến cùng với lực lượng quân đội, và kết quả là hàng chục nghìn người dân bị giết chết, chủ yếu bởi lực lượng cảnh vệ chính phủ. Tổng giám mục Arturo Rivera y Damas, người kế nhiệm tổng giám mục Romero, đã phải liên tục nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất phải được thực hiện là thông qua đàm phán chính trị, chứ không phải hành động quân sự. Tuy nhiên, rất nhiều người dân không còn tin vào lời hứa của chính phủ nữa.

Thập kỷ chiến tranh ở El Savador kết thúc với một vụ ám sát nữa — sáu giáo sĩ Dòng Tên (Jesuits), cùng với người giữ nhà và con gái của bà bị sát hại vào tháng 11/1989. Vụ giết chóc này được thực hiện bởi Tiểu đoàn Atlacatl do người Mỹ huấn luyện, báo hiệu sự phá sản của chính sách Hoa Kỳ. Toàn bộ khối công sức 30 năm ngăn chặn làn sóng cách mạng ở Châu Mỹ Latin bốc thành mây khói ngay sau đó.

Nếu có nhiều người sớm ăn mừng “chiến thắng” trong cuộc chiến tranh lạnh (khi bức tường Berlin sụp đổ cũng trong tháng 11/1989), thì người dân Salvador chính là bên đã mất tất cả: Không chỉ 75.000 người bị giết, mà còn chẳng có bất cứ tiến bộ nào được tạo ra cho xã hội suốt thời gian đó, và tất cả mọi người dân Salvador không được đối xử bình đẳng như công dân của một quốc gia.

Thế giới của chúng ta hiện đang rất khác so với thời của đức tổng giám mục Romero, không chỉ ở khả năng kết nối thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Ngày hôm nay, rõ ràng là sự phát triển của loài người không còn là cuộc chiến giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nhưng thay vì thế, là vấn đề bảo đảm một chính phủ hiệu quả và tỏ ra có trách nhiệm, một lĩnh vực tư nhân đa dạng hóa và mạnh mẽ, những trình độ giáo dục cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, phát triển nguồn vốn con người, kiểm soát tham nhũng, và các thể chế vững chắc dựa trên quyền của con người. Ví dụ như đất nước Costa Rica đã có thể đạt được nhiều thành tựu phát triển, dù trong lịch sử quốc gia này hoàn toàn phụ thuộc vào việc xuất khẩu các vụ mùa nông nghiệp.

Còn ở thời điểm ấy, đức tổng giám mục Romero đã sống với niềm tin rằng mỗi người Salvador — đặc biệt là dân nghèo — chính là một hình ảnh của Thiên Chúa, nên không thể bị đem đi sát tế cho bất cứ một ý thức hệ chính trị nào. Niềm tin ấy vẫn còn giá trị ngay cả sau khi thế kỷ 20 đã chấm dứt, và hàng nghìn người dân vô tội vẫn tiếp tục bị sát hại trong các cuộc chiến nhân danh “chống khủng bố” ở Syria, Myanmar hay Afghanistan.

Đức cha Oscar Romero: “Tôi sẽ sống lại trong người dân El Salvador!”

Hai năm trước khi chết, ông từng nói: “Bất cứ ai tra tấn một con người, bất cứ ai lạm dụng một con người, bất cứ ai làm nhục một con người, chính là lăng mạ hình ảnh của Thiên Chúa, và Giáo hội Công giáo sẽ gánh lấy điều đó như một Thánh Giá, một cuộc tử vì đạo.”

Kể từ sau khi đức tổng giám mục Oscar Romero ngã xuống, trong 12 năm nội chiến và hàng thập kỷ bị giới tư bản độc tài kiểm soát, cả đất nước El Salvador — quốc gia mang danh hiệu Provincia De Nuestro Señor Jesucristo El Salvador Del Mundo, nghĩa là “Tỉnh thành của Đức Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế” — đã phải hy sinh rất nhiều cho niềm tin này. Máu của nhiều mục tử và giáo dân đã phải đổ xuống cho một ý thức hệ “chống Cộng sản” sai lệch và tàn ác, bởi chủ thuyết bảo vệ lợi ích của nước Mỹ tư bản bằng bất cứ giá nào. Người mục tử ngã xuống, cùng đồng thời với cả đoàn chiên phải đổ máu vì sự ác.

Thế cho nên, đức giáo hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Châu Mỹ Latin, mới tuyên bố đức cha Romero “đã bị giết vì sự thù hận niềm tin” và là một vị thánh tử vì đạo. Tổng giám mục Vincenzo Paglia, người đi đầu trong nỗ lực tiến cử việc phong thánh cho đức tổng giám mục Romero cho biết rằng, thật ra, Giáo hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã giúp xóa đi các trở ngại trong trường hợp phong thánh này trước khi ngài từ chức.

Ông nói với phóng viên AP: “Thật rõ ràng là hình ảnh của đức tổng giám mục Romero cần thời gian để chứng thực, vì đối với những người không yêu thích ông hoặc có thành kiến mạnh mẽ với niềm tin của ông, thì cần được trợ giúp để hiểu ra rằng họ đã hoàn toàn sai lầm. Nhưng như chúng ta đã chứng kiến ngày hôm nay, sự thật đã chiến thắng.”

Năm 2010, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc chính thức chỉ định ngày kỷ niệm đức cha Romero bị ám sát trở thành ngày tôn vinh ông và những ai đã dâng hiến cuộc đời của mình để mưu cầu bảo vệ cho quyền con người. Do đó, ngày 24/3 hàng năm được xem là Ngày Quốc tế dành cho Quyền được Biết Sự Thật có liên quan đến Các Vi phạm Thô bạo Quyền Con người và dành cho Phẩm giá của những Nạn nhân.

Trong thông điệp năm 2014, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã viết những dòng như sau về đức cha Oscar Romero: “Cuộc tưởng niệm của chúng ta thách thức nỗ lực của những kẻ giết ông ấy nhằm bịt miệng sự kêu gào của ông đòi hỏi công lý và củng cố nền tảng vững vàng cho các giá trị của nền tự do căn bản.”

Nhiều tuần trước khi bị ám sát, đức cha Romero có kể với một phóng viên về việc ông thường bị đe dọa giết chết.

Ông nói: “Nếu họ giết tôi, tôi sẽ sống lại trong người dân Salvador. Nếu các lời đe dọa trở thành sự thật, thì từ giờ phút này, tôi xin tận hiến máu của mình cho Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc và tái sinh El Salvador của Người. Hãy để máu của tôi trở thành hạt giống của tự do và dấu chỉ cho niềm hy vọng sớm trở thành hiện thực.”

Đức cha Oscar Romero: “Tôi sẽ sống lại trong người dân El Salvador!”

Nay thì rõ ràng hạt giống ấy đang được chứng thực là đã kết hoa, kết trái và sinh ra hàng trăm, hàng triệu và hàng tỷ hạt giống khác, không chỉ trên mảnh đất El Salvador của Đấng Cứu Thế, mà khắp mọi nơi nhìn nhận đức tổng giám mục Oscar Romero là thánh.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.huffingtonpost.com/2015/05/22/photos-of-oscar-romero_n_7407336.html
2. https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2015/02/05/why-its-such-a-big-deal-that-oscar-romero-was-declared-a-martyr-by-pope-francis/
3. https://www.ncronline.org/news/world/cold-war-perspective-romeros-death
4. https://ignatiansolidarity.net/blog/2014/08/13/man-gods-microphone-12-quotes-celebrate-life-voice-oscar-romero/

Nguyen Dat An

Bài về chủ đề Gương sống:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ